Trưng bày tư liệu quý về “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội”
(PetroTimes) - Ngày 2/10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Chi cục Văn thư lưu trữ (Sở Nội vụ Hà Nội) tổ chức triển lãm với chủ đề "Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ".
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô, Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”, ngày 16/11/1959. |
Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” giới thiệu gần 100 tài liệu, tư liệu lưu trữ và hình ảnh địa giới hành chính Hà Nội theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Địa giới hành chính thành phố Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Giai đoạn 2: Địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ năm 1945 đến năm 1954. Giai đoạn 3: Địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ sau năm 1954.
Trong triển lãm, nhiều tài liệu, tư liệu lưu trữ, hình ảnh đánh dấu từng giai đoạn lịch sử về địa giới hành chính thành phố Hà Nội của những thế kỷ trước được giới thiệu đến công chúng, đáng chú ý có: Bản đồ Hà Nội các năm 1873, 1890, 1902; Nghị định số 791 ngày 17/7/1914 của Đốc lý Hà Nội về việc chia Hà Nội thành 8 khu (8 quận); Biên bản cuộc họp giữa đại biểu Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội về việc bàn giao và tiếp nhận các xã của các tỉnh vào ngoại thành Hà Nội năm 1961; Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao - Lạng, Bắc - Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai…; các bức ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô ngày 16/11/1959; Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng tiếp quản Thủ đô năm 1954…
Du khách tham quan triển lãm |
Với những tài liệu chuyên sâu, được diễn giải mạch lạc, đi kèm những thông tin gắn với đặc điểm đời sống, văn hóa, phong tục, thói quen canh tác, truyền thống đánh giặc giữ nước… hấp dẫn, triển lãm là cơ hội cho những ai muốn tìm hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, triển lãm góp phần giáo dục lịch sử cho các tầng lớp nhân dân và tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hóa, lịch sử, phục vụ du khách trong nước và quốc tế thăm quan Thủ đô.
Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” kéo dài đến hết ngày 17/10, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, số 9 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Nguyễn Hoan