STEAM giúp học sinh giải quyết các vấn đề trong thực tiễn
(PetroTimes) - Ngày 23/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEAM trong giáo dục” nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng và thúc đẩy STEAM tại Việt Nam.
STEAM là phương pháp tiếp cận liên môn trong giáo dục các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật và toán nhằm định hướng học sinh bằng các câu hỏi, trao đổi nhóm và tư duy phản biện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tham quan khu trưng bày của học sinh. (Ảnh: Minh Thuý) |
Phái biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với mục tiêu chuyển từ một nền giáo dục nặng về tuyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh. Vì thế, đưa STEAM vào chương trình giáo dục phổ thông là phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Phương pháp STEAM giúp học sinh vận dụng được kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, nghệ thuật. Từ đó, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Không chỉ vậy, STEAM rất gần gũi với chương trình phổ thông.
STEAM đã được triển khai cách đây 4 năm và nhân rộng ở một số tỉnh, thành có điểu kiện. Với những địa phương điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, các thầy, cô giáo đã vận dụng sự sáng tạo của mình để truyền tải kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đổi mới dạy học theo các phương pháp như dạy theo chủ đề, dự án… đặc biệt là dạy tích hợp liên môn”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Học đa ngành khác với học liên ngành. Khi học sinh học liên ngành, sẽ kết nối các môn học với nhau, từ đó tạo sự chủ động, tự học, tự nghiên cứu và giải quyết tốt các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Chính vì thế, để đạt được những yêu cầu đặt ra đối với công cuộc đổi mới GD&ĐT, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhằm nhanh chóng đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo một cách phù hợp ở tất cả các cấp bậc học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phát triển nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện học tập ở những vùng kinh tế xã hội khó khăn... để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn.
Học sinh với trò chơi "Robot ném còn". (Ảnh: Minh Thuý) |
Chia sẻ tại diễn đàn, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen nhấn mạnh tầm quan trọng của STEAM đối với thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và cho rằng: Mục đích chính của STEAM không phải đào tạo ra các nhà khoa học mà là truyền cảm hứng học tập, giúp học sinh thấy được sự kết nối giữa các nội dung kiến thức, đặc biệt kiến thức về khoa học, toán học; thấy tầm quan trọng của kiến thức tác động đến xung quanh. Ngoài ra, các kĩ năng thực hành đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đại sứ Kim Hojlund Christensen cho hay: “Chưa bao giờ thích hợp hơn lúc này để triển khai STEM tại Việt Nam. Việt Nam đang đánh giá cao phương pháp giáo dục này. Hy vọng, Bộ GD&ĐT có hành động và chính sách cụ thể để triển khai một cách đồng bộ giáo dục STEM. Điều này không dễ vì liên quan đến đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học, nên rất cần có một khung chương trình để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu này”.
Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEAM trong giáo dục là sự nối tiếp mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực giáo dục.
Đại sứ Kim Hojlund Christensen hy vọng rằng những kiến thức, kinh nghiệm cũng như những bài học rút ra trong quá trình thực hiện STEAM được các chuyên gia trong nước, quốc tế và Đan Mạch chia sẻ sẽ góp phần thúc đẩy việc áp dụng STEAM tại Việt Nam và hỗ trợ việc thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam.
N.H