Thủ tướng gặp mặt, biểu dương các chức sắc tôn giáo tiêu biểu
(PetroTimes) - Sáng 9/8, tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và 126 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu, đại diện lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo.
Đây là một sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, biểu dương các vị chức sắc tiêu biểu, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo đã có nhiều thành tích và đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo và những chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì buổi gặp mặt |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi tôn giáo ở nước ta tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc; lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Thủ tướng biểu dương những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự đồng thuận cao và hưởng ứng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, phục vụ nhân dân được tốt hơn, bảo đảm dân chủ, tiến bộ, tăng cường kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa nguồn lực, vai trò của các tôn giáo đối với sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới.
Thú tướng ân cần thăm hỏi các đại biểu tiêu biểu |
Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của quý vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, những đề xuất, kế sách với Đảng, Nhà nước, nhất là trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy có hiệu quả các nguồn lực và nâng cao vai trò của các tôn giáo, để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương lắng nghe ý kiến chân thành của quý vị, tiếng nói từ trái tim và trách nhiệm với cộng đồng theo đạo hoặc không theo đạo của nước ta”, Thủ tướng nói. “Tôi tin rằng, tinh thần chia sẻ, thấu hiểu của cuộc gặp hôm nay sẽ càng tác động tích cực đến đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo, thúc đẩy các hoạt động tôn giáo phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân chúng ta”.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc tôn giáo, Thủ tướng cho rằng: Những điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý, giáo luật với các quy định của pháp luật Nhà nước ngày càng được phát huy.
Với những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Các chuẩn mực đạo đức tích cực, nhân văn của tôn giáo đã dung nhập vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta. Những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thủ tướng, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Trong đời sống xã hội, vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của nhân dân. Đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
Thủ tướng chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. |
Với phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hành động để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, nói đi đôi với làm, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung và cũng là mong muốn của Người đứng đầu Chính phủ.
Một là, các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ và chính quyền các cấp, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, hướng dẫn, động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc.
Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí và khách quan. Nguyên tắc chung là phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân.
Hai là, mỗi chức sắc, chức việc, nhà tu hành và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo là một tấm gương để quần chúng tín đồ noi theo, nêu gương giá trị văn hóa từ bi, bác ái, xây dựng mối quan hệ đạo - đời hòa hợp, chung tay cùng nhân dân và chính quyền các cấp xây dựng và phát triển đất nước.
Đề xuất những hoạt động phát huy nguồn lực của tổ chức tôn giáo tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động xã hội, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tôn giáo như y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, từ thiện xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường....
Đồng thời, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo”, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.
Ba là, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt các địa phương cần tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công tác tôn giáo, phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức nhân văn, bác ái của các tôn giáo để lan tỏa trong đời sống xã hội, bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất. Chúng ta cần phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của con người Việt Nam để phát triển đất nước, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường của dân tộc. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để chúng ta cùng phấn đấu thực hiện.
Thủ tướng mong rằng, các chức sắc, chức việc và đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của tôn giáo đối với đất nước, với dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiếp tục đóng góp nguồn lực là thế mạnh của tôn giáo mình trong sự nghiệp y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và xây dựng đất nước ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
Minh Châu