Doanh nghiệp Việt vẫn lạc quan về triển vọng giao thương
Theo kết quả khảo sát chỉ số tin cậy thương mại của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam và toàn cầu của Ngân hàng HSBC, các nhà kinh doanh tại Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng giao thương và hi vọng khối lượng giao dịch sẽ tiếp tục tăng.
HSBC vừa công bố kết quả khảo sát mức độ tin tưởng vào triển vọng giao thương tại các thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới. Kết quả cho thấy, chỉ số tin cậy thương mại HSBC giữ khá ổn định ở mức 114 điểm trong nửa đầu năm 2011 so với mức 116 điểm nửa cuối năm 2010. Các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu trên toàn cầu vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 6 tháng tới, mặc dù lo ngại về chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm và nhu cầu tiêu dùng không ổn định.
Trong lần khảo sát này đã có tổng cộng 21 thị trường tham gia, bao gồm những nền kinh tế quan trọng của châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là cuộc khảo sát chỉ số tin cậy thương mại lớn nhất trên toàn cầu được tiến hành từ trước tới nay, với 6.390 doanh nghiệp kinh doanh quy mô vừa và nhỏ tham gia khảo sát.
Mức độ lạc quan được ghi nhận cao nhất tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ (140 điểm), Vương quốc Ả rập Xê út – KSA (132) và Mêhico (125). Trong khi đó, mức độ tin tưởng vào triển vọng giao thương tại các thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng khá chắc chắn, như Trung Quốc (114), Đức (107) và Mỹ (111), chỉ số này ở Trung Quốc và Mỹ đã lần lượt tăng 3 điểm. Tuy nhiên, chỉ số tin cậy thương mại tại thị trường Việt Nam chỉ đạt 116 điểm, giảm 6 điểm so với kết quả nửa cuối năm 2010.
Tại Việt Nam, đây là lần thứ hai liên tiếp kết quả khảo sát cho thấy mức độ tin cậy thương mại của các nhà kinh doanh Việt Nam giảm nhẹ. Vào nửa đầu năm 2010, chỉ số này ở Việt Nam đạt 132 điểm (cao nhất trong năm kỳ khảo sát), giảm 10 điểm đạt 122 điểm vào nửa cuối năm 2010 và giảm tiếp 6 điểm đạt 116 vào nửa đầu năm 2011.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy các nhà kinh doanh tại Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng giao thương và hi vọng khối lượng giao dịch sẽ tiếp tục tăng. Kết quả này cũng phản ánh sự thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam trước những khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là lo ngại về biến động tỉ giá ngoại hối, lãi suất cũng như những rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp tăng cao.
Trong đó, khi cân nhắc thận trọng những rủi ro từ phí người mua/nhà cung cấp có nguy cơ tăng lên với nhu cầu cần phát triển kinh doanh, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tăng tài trợ thương mại đã tăng lên mức 75% so với 67% của kỳ trước. 52% số người được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng nguồn tài trợ thương mại từ các ngân hàng trong khi gần một phần ba (34%) nói sẽ sử dụng vốn tự có để kinh doanh…
Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Thanh toán Quốc tế và Tài trợ chuỗi cung ứng, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi vui mừng khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 6 tháng tới nhưng cũng chia sẻ những quan ngại của họ về các khó khăn trước mắt. Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có nhiều hoạt động giao thương với các đối tác tại thị trường Trung Quốc mở rộng, Đông Nam Á và các nước còn lại tại châu Á”.
Theo KH&DT