Khi con gái 16 tuổi
(PetroTimes) - Chị Loan vốn có tính thích kiểm soát mọi thứ. Trong một lần, khi con gái đi học, chị lén kiểm tra máy tính của con, xem con có lướt web đọc gì xem gì bậy bạ không, thì phát hiện con chị lên mạng hỏi một câu bất ngờ “Tôi căm ghét mẹ mình – hãy giúp tôi!”
Sửng sốt ngồi im như tượng đá. Chị không ngờ mình yêu thương con đến vậy, lo lắng cho con từng ly từng tí, kiểm soát từng việc nhỏ liên quan đến con, cốt để con được an toàn, cốt để con không phạm phải bất cứ sai lầm nào, để con không bị dại dột với người đời... Vậy mà cuối cùng thì con lại hận mẹ đến mức phải tìm sự trợ giúp ảo trên mạng hay sao!
Ảnh minh họa |
Chồng chị Loan là doanh nhân, lo đủ kinh tế nuôi cả gia đình, nên chị Loan không phải đi làm. Chị tập trung toàn bộ thời gian và công sức của mình chăm sóc hai con, thu vén việc nhà. Con gái chị tên Phượng, năm nay vừa tròn 16 tuổi. Con trai tên Minh, 12 tuổi. Khi con đến tuổi nổi loạn, chị Loan càng xét nét, để ý con từng hành động nhỏ. Chị thấy rằng, ở tuổi này, các con luôn quậy phá và làm việc dại dột, nên chị càng phải kiên quyết, cứng rắn. Câu cửa miệng của chị với con là “CẤM, KHÔNG ĐƯỢC, PHẢI”.
Các con, đặc biệt là con gái lớn, thường đưa ra những đề nghị trái khoáy, sinh nhật bạn con không chỉ muốn đến dự, tặng quà, con muốn ngủ lại nhà bạn. Chị Loan không đồng ý, vì sợ rằng con sẽ vui thái quá, uống bia rượu và ai biết điều gì sẽ xảy ra? Biết bao chuyện tầm bậy, biết bao mối nguy hiểm rình bẫy một cô gái 16 tuổi ngời ngời non tơ như con? Thế là chị “CẤM” con đến nhà bạn dự sinh nhật.
Con gái đang nghe nhạc, chị tắt đi và dúi cuốn sách vào tay con. Con gái muốn sắm một cái quần Jeans ôm sát chân, chị ép con mua quần ống rộng. Con thích học tiếng Hàn Quốc thì chị bắt con phải học tiếng Pháp... Bất cứ khi con đề nghị một điều gì, chị luôn kiên quyết từ chối và ép con làm theo ý mình. Chị sẵn sàng dành vài tiếng đồng hồ, bắt con ngồi yên trước mặt để nghe chị giảng giải tại sao chị lại quyết định thay con, phân tích con sai ở đâu, nếu con làm theo ý mình, sẽ dẫn đến hậu quả nào.
Có một lần, Phượng chán nản bảo mẹ “Con biết rồi, mẹ luôn luôn đúng!”.
Kể từ đó, Phượng không cãi lại mẹ ra miệng nữa, cô bé chỉ âm thầm cãi mẹ trong đầu. Bởi cô bé biết rõ rằng, chỉ cần cãi mẹ một câu, thì mẹ sẽ mắng sa sả cả tiếng đồng hồ và cô sẽ thua mẹ chắc chắn. Đằng nào con cũng thua mẹ, vậy thì con chọn sự lặng im, dù con không đồng ý với mẹ.
Nhưng cũng từ khi không mở miệng cãi lại mẹ, hoặc tranh luận với mẹ nữa, thì Phượng âm thầm tìm cách thoát ra khỏi gia đình, thoát khỏi sự kiểm soát quá đáng của mẹ, mà cô bé coi đó là kiểu quan hệ thiếu nhân tính. Mẹ cô nhân danh tình yêu thương để đàn áp tinh thần con, thể hiện quyền lực của mẹ, tước đi thô bạo quyền được sống theo ý mình của con, quyền được nêu chính kiến của con. Con không cảm thấy sung sướng khi ở bên mẹ, dù mẹ đang nuôi con, chăm sóc con từng bữa ăn, từng giấc ngủ, nhưng sự chăm sóc của mẹ, sự kiểm soát của mẹ lại khiến con ngột ngạt, khổ sở như trong một nhà tù giam lỏng.
Phượng tìm cách xin đi học ở nước ngoài, đệ đơn vào các chương trình trao đổi học sinh – sinh viên để được đến nhà người khác ở, để thoát khỏi mẹ. Nhưng cũng như bao lần khác, khi cô bé đề nghị mẹ cho phép tham gia các chương trình học ở nước ngoài, hoặc trao đổi học sinh-sinh viên, mẹ cô từ chối ngay tức khắc, với lý do cô bé còn nhỏ, dại dột, không thể một mình sống ở nơi khác ngoài gia đình mình.
Phượng nhìn các bạn cùng lớp tung tăng đi cắm trại, sinh nhật, xem các ban nhạc trẻ biểu diễn, vui vẻ tự do mà khao khát được như họ. Cô bé thấy các bạn hạnh phúc và may mắn hơn mình, cô thèm khát được sống trong một gia đình khác, ở vào một hoàn cảnh khác.
Bế tắc, cô lên mạng internet tìm cách để thoát ra khỏi gia đình. Cô bé tìm kiếm lời khuyên từ bên ngoài cho nỗi thống khổ của mình.
Hôm ấy, khi con gái đi học về, chị Loan bỏ tiết mục 15 phút tra hỏi xem ở trường con có chuyện gì. Chị phải thay đổi, không còn cách nào khác. Hiểu được cảm xúc căm ghét mẹ của con, đã thức tỉnh chị. Chị không thể đổ lỗi cho con, mọi việc đều từ chị mà ra, và chị cần điều chỉnh chính mình trước tiên.
Đặng Thanh