Cổ phiếu dầu khí quay lại giai đoạn “hoàng kim”?
(PetroTimes) - Có rất nhiều cơ sở để chỉ ra rằng nhóm cổ phiếu dầu khí đang quay lại giai đoạn “hoàng kim” và là một trong những cổ phiếu hứa hẹn đóng vai trò nâng đỡ chỉ số chứng khoán VN-Index.
POW - Cổ phiếu mới dẫn dắt thị trường |
Cổ phiếu Dầu khí dẫn dắt, VN-Index vượt mốc 980 điểm |
Giá dầu tăng mạnh, sắc xanh bao phủ nhóm cổ phiếu Dầu khí |
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng kể từ tháng 3 đến nay cũng như chỉ báo tâm lý nhà đầu tư xuống thấp tính đến hết tháng 4 vừa qua, chỉ số chứng khoán VN-Index đã điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh mốc 950 điểm tuần đầu tiên của tháng 5. Tuy nhiên, trái ngược với những dự báo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán về xu hướng thị trường quý II/2019, thị trường chứng khoán Việt nam đã hồi phục mạnh từ ngưỡng 950 điểm và tiến sát mốc 1.000 điểm tính đến hết tuần 3 tháng 5, tháng được đa số các nhà đầu tư đánh giá là tháng giao dịch ảm đạm nhất trong năm. Chính nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường cũng như thu hút dòng tiền mạnh của các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Có rất nhiều cơ sở để chỉ ra rằng nhóm cổ phiếu dầu khí đang quay lại giai đoạn “hoàng kim” và là một trong những cổ phiếu hứa hẹn đóng vai trò nâng đỡ chỉ số chứng khoán VN-Index.
Cổ phiếu dầu khí đang được chú ý và mua mạnh trên thị trường |
TTCK tăng điểm bất chấp cuộc chiến thương mại leo thang
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã và đang tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của dư luận quốc tế khi ảnh hưởng của nó ít nhiều cũng đã gây những cú sốc lớn không chỉ đến nền kinh tế thế giới, các khu vực có quan hệ thương mại, châu Âu mà cả châu Á và trong đó có Việt Nam.
Kể từ đầu quý II năm 2019 khi mà 2 chính phủ của Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạm hoãn các cuộc đàm phán song phương, các thỏa thuận thương mại, kinh tế thế giới cũng có những tín hiệu khởi sắc khi đón nhận các thông tin tích cực về chỉ số sản xuất công nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều có sự hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của Tổng hống D. Trump về việc nâng thuế 10% lên 25% đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc cũng như việc đáp trả áp thuế lên 60 tỷ hàng nhập xuất xứ Mỹ đã cho thấy hệ quả tai hại mà chính sách bảo hộ của các nước sẽ không chỉ ảnh hưởng nền kinh tế nhiều nước nói chung mà cả đến các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, Trung Quốc.
Tuy nhiên, những hệ lụy của cuộc chiến thương mại ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ, Trung Quốc nhưng lại mang lại cho Việt Nam những tác động tốt. Dịch chuyển các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, số lượng sản phẩm của các nhà máy Samsung đang hiện diện tại Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ thay đổi nhiều về chất và nhất là dòng tiền đầu tư từ nước ngoài kể cả Trung Quốc vẫn đang gia tăng mạnh tại Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê đầu tháng 5. Kinh tế vĩ mô ít bị ảnh hưởng, tiềm năng tăng trưởng của nhiều nhóm ngành như sản xuất công nghiệp, khai khoáng, du lịch, dịch vụ sẽ rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm 2019. Và TTCK, hàn thử biểu của nền kinh tế đã và đang phản ánh những dự báo lạc quan đang cho thấy dòng tiền đầu tư nội đang tham gia mạnh trên thị trường. Tất nhiên, kinh tế vĩ mô khởi sắc, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện và khi xu hướng thị trường ủng hộ thì các cổ phiếu các nhóm ngành như xây dựng, dược phẩm, bảo hiểm và nhất là dầu khí sẽ bước vào giai đoạn tăng giá mới. Thanh khoản toàn thị trường cũng sẽ gia tăng mạnh.
Khối ngoại bán ròng - Dòng tiền khối nội áp đảo
Bối cảnh địa chính trị, những rủi ro khó lường đến từ chiến tranh thương mại đi kèm với câu chuyện tỷ giá, lạm phát gia tăng đã khiến các nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh kể từ tháng 3.
So với giai đoạn đầu năm 2018, khối ngoại đã giảm mua và tích cực bán ra trên TTCK Việt Nam nửa đầu năm 2019. Nếu không tính khối lượng giao dịch thỏa thuận liên quan đến cổ phiếu VIC phiên ngày 21/05/2019 (Khoảng 51 triệu cổ phiếu) thì khối ngoại bán mạnh tháng 3 (-3.155 tỷ đồng) và tháng 5 (- 2.850 tỷ đồng). Qua thống kê dữ liệu thị trường, khối ngoại bán ròng khi mà khối nội lại mua vào mạnh đã phản ánh diễn biến hồi phục của thị trường và xu hướng tăng điểm của VN-Index ít bị phụ thuộc bởi động thái mua bán ròng của khối ngoại. Rõ ràng, sự hồi phục nhóm cổ phiếu dầu khí đã và đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền lớn từ các cá nhân và tổ chức trong nước.
Nhóm cổ phiếu “giá trị” lên ngôi
Vài năm trở lại đây, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã và đang cơ cấu lại bộ máy hoạt động, sắp xếp cũng như là tái cấu trúc các doanh nghiệp dầu khí thành viên. Năm 2019 là năm với định hướng thoái vốn của 19 đơn vị trong ngành cũng như công bố kế hoạch triển khai các dự án cũ và mới, những dự án trọng điểm như Cá Voi xanh, Lô B Ô Môn, Kình ngư trắng… rõ ràng những doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết trên sàn như GAS, PVS, PVB, PVD, PXS, PGS, PGC cũng có khả năng có kết quả kinh doanh khởi sắc. Dòng tiền đầu cơ trên thị trường sẽ tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp có nhiều việc, hoạt động liên quan đến công tác phát triển mỏ, khai thác thăm dò, cơ khí hay chế biến khí.
Trong quá khứ, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã là những cổ phiếu “nóng” thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Hiện tại, nhiều cổ phiếu dầu khí đã bắt đầu được chú ý và mua lên rất mạnh như GAS, PVD, PVS, PVB cùng với diễn biến hồi phục của giá dầu thế giới kết hợp với xu hướng thị trường đang thuận lợi thì cổ phiếu dầu khí sẽ là 1 trong những cổ phiếu được ưa chuộng hơn cả một khi thị trường bước vào giai đoạn Uptrend.
Minh Châu