Hà Nội phải quyết liệt mới có thể “giải bài toán” nước sạch
(PetroTimes) - Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân sẽ được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, thành phố phải rất quyết liệt khi hiện mới chỉ đáp ứng được 55% nước sạch cho các huyện ngoại thành và rất nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Cung còn quá xa cầu
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội đáp ứng được gần 100% nhu cầu sử dụng, tuy nhiên chất lượng nước và áp lực nước tại nhiều khu vực vẫn chưa đảm bảo. Còn ngoại thành, các nhà máy nước sạch chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu sử dụng của người dân.
Thực tế nhiều năm qua, nhiều người dân tại huyện nông thôn của Hà Nội như Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm hay Chương Mỹ vẫn có nhiều xã “trắng” nước sạch. Con số người dân nông thông chưa được tiếp cận nước sạch vào khoảng 2,7 triệu người. Không được tiếp cận nước sạch, người dân nông thôn chỉ còn biết trông cậy vào nguồn nước ngầm, nhưng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng như lũ lụt đã và đang khiến nông dân nhiều vùng lâm vào tình cảnh thiếu nước sạch.
Một trong những điển hình là “rốn lũ” Chương Mỹ với tình trạng “thừa nước sông, thiếu nước sạch”. Khảo sát trên địa bàn huyện với hơn 80 nghìn hộ dân mới chỉ có 17 nghìn hộ được sử dụng nước sạch hoặc được đấu nối với đường ống cấp nước. Cả huyện có 13 công trình cấp nước nhưng chỉ có 4 công trình đang hoạt động, 6 công trình đang xây dựng dở dang và 3 hệ thống cấp nước đã hư hỏng, không thể sử dụng.
Tại huyện Đan Phượng mạng lưới nước sạch mới chỉ đến với 5 xã, thị trấn, còn lại 11 xã vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại huyện Mê Linh với con số khoảng hơn 6.000 hộ được cấp nước sạch, chiếm khoảng 10 % số dân toàn huyện. Huyện Gia Lâm, dù rất nỗ lực mới đạt được kết quả 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm hơn 70,1% số dân. Tuy nhiên, ở một số xã được cho là đã “phủ” nước sạch, do tiến độ chậm nên nhiều hộ dân vẫn chưa thực sự được dùng nước sạch.
Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu nước sạch cho các huyện ngoại thành |
Trong khi đó, tại nhiều địa phương có nước sạch nhưng chất lượng nước không bảo đảm. Điển hình như một số xã thuộc huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, nước được cung cấp từ các trạm cấp nhưng lại không bảo đảm chất lượng, khi xả ra các dụng cụ chứa lại bị lắng cặn nhiều vẩn đục và kết quả xét nghiệm nước không đạt các chỉ tiêu an toàn. Nguyên nhân là do chất lượng nước được xử lý không bảo đảm và mạng lưới cấp nước bị ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh vật…
Tuy nhiên, câu chuyện chất lượng nước sạch không bảo đảm vẫn là vấn đề phải xếp sau tình trạng 2,7 triệu người dân vùng nông thôn chưa được cung cấp nước sạch. Và tất cả người dân đều có chung một câu hỏi “Nhu cầu thiết yếu đó bao giờ được thực hiện?”.
Phủ rộng nước sạch cần quyết tâm cao
Hiện Hà Nội có tất cả 119 trạm bơm, trong đó 87 trạm bơm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000 m³/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 100.000 hộ dân chỉ chiếm khoảng 10% số dân, 32 trạm cấp nước còn lại không hoạt động do công trình đầu tư dở dang không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động. Trong khi đó, về việc phát triển dự án mạng lưới cấp nước sạch, trong số 23 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay mới có 14 dự án hoàn thành, chỉ đủ đáp ứng cung cấp nước cho khoảng 52% người dân ở khu vực nông thôn.
Thực trạng có thể thấy rõ ở các vùng nông thôn chưa được tiếp cận nước sạch là trạm nước sạch tại các huyện hoạt động không hiệu quả, nhiều dự án còn nằm trên giấy. Ví dụ tại huyện Chương Mỹ, đường ống cấp nước đấu nối mới phủ kín 19/32 xã, thị trấn. Riêng 13 xã còn lại đang chờ dự án nước sạch tại thị trấn Xuân Mai. Tuy nhiên, theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hạng mục nào.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, nhiều dự án triển khai chậm là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư không đủ năng lực, việc bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp tiếp quản còn chậm.
“Nếu doanh nghiệp vẫn chậm tiến độ thì sau đợt giám sát này chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố thay đổi nhà đầu tư dự án. Cấp nước sạch là một chủ trương rất lớn của thành phố, nên doanh nghiệp đã cam kết rồi thì phải quyết tâm thực hiện”, ông Quân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn có tình trạng khi đầu tư xong các hạng mục cấp nước nhưng người dân lại dùng ít, nên chủ đầu tư triển khai cầm chừng, chờ chính sách.
Theo Sở Xây dựng, sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2030 dự kiến là 2,4 triệu m3/ngày đêm. Như vậy, để đạt được mục tiêu của thành phố, mang nước sạch đến 100% người dân nông thôn vào năm 2020 cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án và việc này cần sự vào cuộc rất quyết liệt từ các sở ngành, đơn vị liên quan, nếu không sẽ khó thành hiện thực.
500 doanh nghiệp tham gia VIETWATER 2018 và sứ mệnh mang nước sạch đến cộng đồng |
Nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc sắp hoạt động |
Tăng hỗ trợ cho người dân được sử dụng nước sạch tại nông thôn |
Thanh Sơn