Thách thức và định hướng cho ngành Dầu khí
(PetroTimes) - Ngành Dầu khí của quốc gia với nòng cốt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong nhiều năm qua đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
PVN luôn được đánh giá là tập đoàn kinh tế vi mô, với vốn chủ sở hữu khoảng 19 tỷ USD, tổng tài sản khoảng 35 tỷ USD, 6 vạn cán bộ quản lý, chuyên gia giàu kinh nghiệm, kỹ sư trình độ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề. Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của ngành đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tôi cho rằng, chính sự kỳ vọng này là thách thức to lớn của ngành Dầu khí từ những ngày đầu thành lập gần nửa thế kỷ trước cho đến ngày nay. Tôi còn nhớ, trong cả hai nhiệm kỳ tham gia Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mỗi khi xem xét, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự toán NSNN hằng năm, bao giờ việc ước tính giá dầu trung bình cả năm cũng là nội dung thảo luận sôi nổi vì số nộp ngân sách hằng năm của PVN luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể trên tổng thu NSNN nói chung và NS Trung ương nói riêng.
Theo báo cáo mới đây của PVN gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tính riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, mặc dù có lúc giá dầu thô giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015, nhưng nộp NSNN hằng năm của PVN vẫn chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16,5-17% tổng thu NS Trung ương. PVN cũng đóng góp khoảng 10-13% GDP của cả nước. Ngoài ra, Tập đoàn cũng có đóng góp vào bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
TS Trần Văn phát biểu tham luận tại Tọa đàm "Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước" |
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, PVN đã gặp một số khó khăn trong quản trị doanh nghiệp và đầu tư phát triển. Một số chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị, ví dụ như mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí không đạt. Đây là một mục tiêu quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của PVN và quy mô phát triển của tất cả các lĩnh vực có liên quan như khai thác, công nghiệp khí, chế biến, điện, dịch vụ… Còn nhiều thách thức khác mang tính khách quan và chủ quan tác động đến sự phát triển của ngành hiện nay như tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, chúng ta chưa chủ động được công tác tìm kiếm thăm dò ở khu vực nước sâu xa bờ, giá dầu thô giảm mạnh, nguồn vốn đầu tư gặp khó khăn, hệ thống chính sách, văn bản pháp quy vừa chậm được ban hành vừa thiếu tính ổn định, thống nhất, cụ thể và minh bạch, chưa có cơ chế chấp nhận hạch toán chi phí rủi ro đối với tìm kiếm thăm dò dầu khí…
Các chính sách, công cụ bảo hộ hợp lý trong xu thế toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế sâu rộng như hàng rào kỹ thuật trong dịch vụ dầu khí… chậm được nghiên cứu bàn hành, áp dụng và thực thi. Một số khó khăn vướng mắc, kiến nghị của ngành chậm được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ |
Các nghị quyết của Đảng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Vừa qua, khi tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc tại PVN và một số đơn vị thành viên, các ĐBQH nhận thấy việc hoàn thiện thể chế cho ngành Dầu khí theo tinh thần các nghị quyết của Đảng thực hiện rất chậm, đây có lẽ là nút thắt lớn nhất vì quy mô hoạt động dầu khí từ thượng nguồn đến trung nguồn, hạ nguồn yêu cầu sự đồng bộ, hài hòa, thống nhất của nhiều luật từ Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh… gắn với phân công, phân cấp quản lý và cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển dầu khí.
Chúng ta phải xác định dầu khí là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành công nghiệp ưu tiên, do đây là ngành có tính chất thiết yếu quan trọng đối với quốc gia, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với an ninh quốc phòng, có tác động và ảnh hưởng lan tỏa đối với xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp và cả nền kinh tế như: giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho sự phát triển cùa KHCN, có khả năng đi tắt, đón đầu về công nghệ, sử dụng công nghệ cao… Nên ngành Dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn ở giai đoạn tiếp theo, trong đó có bảo đảm nguồn vốn để ngành Dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược, không chỉ vì những khó khăn, mất cân đối nhất thời của NSNN mà cắt giảm nguồn vốn đầu tư phát triển của Tập đoàn.
Được trực tiếp khảo sát ở một số doanh nghiệp thành viên của PVN, tôi đã tận mắt thấy được cơ sở vật chất kỹ thuật hùng hậu, năng lực của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư kỹ thuật, công nghệ, công nhân kỹ thuật lành nghề của ngành Dầu khí Việt Nam. Các đơn vị của ngành có thể tham gia đấu thầu và thắng thầu ở nhiều dự án trên khắp thế giới, ở mọi công đoạn của ngành công nghiệp dầu khí… thế nhưng nhiều khi lại phải “chịu thua” trên sân nhà vì một số quy định của pháp luật chưa được “cập nhật” kịp thời với diễn biến của tình hình thực tế của ngành.
Chỉ khi giải quyết rốt ráo, kịp thời những bất cập trên, chúng ta mới có thể thực hiện hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tiến sĩ Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội