Sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm
(PetroTimes) - Ngày 13/11, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, từ ngày 12 - 18/11” với khẩu hiệu “Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, với mục đích nâng cao nhận thức của cả học sinh, sinh viên các trường, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các cơ sở đào tạo trong công tác chống kháng kháng sinh, Bộ Y tế tổ chức 3 sự kiện mít tinh trong tuần lễ (từ ngày 12/11 đến 18/11) tại Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Hải Phòng.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến hy vọng, thông qua tuần lễ sẽ tiếp tục giúp lan tỏa các thông tin tới toàn thể cộng đồng trên khắp cả nước, để mọi người cùng nhau tìm hiểu, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm.
Toàn cảnh buổi lễ |
Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển.
Kháng kháng sinh trên toàn cầu do nhiều yếu tố khác nhau như kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng”.
Các đại biểu bấm nút thắp sáng, chung tay hành động phòng, chống kháng thuốc. |
Trong Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế phối hợp với các đối tác liên quan xây dựng phóng sự đầu tiên ghi nhận công tác phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam “Chống kháng thuốc tại Việt Nam - Hành trình 5 năm, 2013 - 2018”; tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kháng kháng sinh tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”; trong hai ngày 16 - 17/11, Cục Thú y phối hợp phối hợp với các bên liên quan sẽ tổ chức các hội thảo về kháng kháng sinh gồm hội thảo cho các sinh viên thú y năm cuối và trên đại học và hội thảo cho các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và các cán bộ thú y địa phương.
Bên cạnh đó, để thực hiện các hoạt động truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, in ấn và cấp phát các tài liệu tuyên truyền về kháng kháng sinh nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống kháng sinh cho cộng đồng, sinh viên, người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở sản xuất, phân phối thuốc thú y.
Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi:
Đối với mỗi người dân: Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh; luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, thực hành quan hệ tình dục an toàn, và tiêm vắc xin đầy đủ.
Đối với các nhân viên và cơ sở y tế: Đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng; chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành; báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc; tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng; hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn hơn, che mũi và miệng khi hắt hơi).
Phú Văn
Cảnh báo việc lạm dụng thuốc kháng sinh |
Hiểm họa kháng thuốc kháng sinh! |
Hàng trăm người chết vì kháng thuốc mỗi năm |
5 loại thuốc phổ biến bị lạm dụng đang tàn phá sức khỏe |