Chuyện lao động VN ăn thịt chó sa mạc Libya
Để sống sót trên sa mạc Libya, các lao động Việt Nam đã phải chiến đấu với trộm cướp và bắt chó sa mạc làm thịt ăn...
Ăn thịt chó sa mạc và đánh nhau với cướp
Trên đường chạy loạn qua sa mạc, để vượt biên giới Libya đến sân bay Djecba (Tunisia) nhóm lao động Việt Nam đã hò nhau vây bắt nhiều chó hoang làm thức ăn. Những chú chó lang thang vốn không thể chạy nhanh trên cát đã bị dân lao động bố trí chặn các ngả và cầm gạch đá ném chết.
Trong khi nhiều nhóm lao động khác đói ăn, thì những công nhân quốc phòng này xì xụp mì tôm với xáo thịt chó. Những chú chó bắt được trong hành trình chạy loạn còn được luộc chín và tích trữ cho tới khi về sân bay Djerba.
Hôm tôi có mặt ghi nhận tình hình, những lao động đó đã mời một đùi chó luộc. Nửa chú chó luộc được chén sạch bách chỉ trong mấy chục phút.
- Nguời tị nạn ở biên giới Tunisia – Libya (Ảnh: Bảo Hiếu)
Trong bối cảnh loạn lạc ở Libya, thông thường các lao động Việt Nam chọn cách bỏ của chạy lấy người, tránh xung đột. Tuy nhiên, trại lao động khoảng 300 người nơi phiên dịch Chu Ngọc Sơn (quê Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An) làm đã thành lập hẳn ban chỉ huy để bảo vệ nơi làm việc.
Sơn vốn từng đi lính, lại đã tốt nghiệp đại học nên khá rắn rỏi, được bầu vào ban chỉ huy nhằm động viên anh em và thay nhau canh gác. Những ngày đầu bạo loạn, những thanh niên địa phương vác mã tấu và vũ khí tự chế định xông vào cướp tài sản nhưng đã vấp phải sự kháng cự.
Ba trăm lao động Việt Nam đã đoàn kết dùng đá xếp thành chiến luỹ bao quanh. Mỗi khi bọn nổi loạn xông vào, bên trong, những người lao động dùng đất đá, bê tông tập kích ra. Vài lần cướp không xong, dân nổi loạn cuối cùng không dám bén mảng tới nữa
Sơn nói: “Hàng ngày, chúng tôi cắt cử người đi tuần tra. Hễ có động tĩnh lại đánh kẻng báo động. Anh em canh gác ngồi thản nhiên đánh cờ ngoài cổng trại và không hề tỏ ra sợ hãi trước tiếng súng”.
Bảo vệ trại lao động và ông chủ một thời gian, 300 lao động nhận đủ lương và xin ông chủ người Hàn Quốc theo lệnh rút về nước đảm bảo an toàn tính mạng. Khi được hỏi, sao lại liều mình để bảo vệ ông chủ thế? Sơn nói: “Bảo vệ ông chủ để người ta sống còn trả lương cho anh em”. Cảm kích trước tinh thần tương thân, tương ái của những lao động Việt Nam, ông chủ đã thuê xe chở họ về tới biên giới Libya giáp Tunisia.
Chính nhóm lao động của Chu Ngọc Sơn đã mang lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh từ Libya sang cắm ở trại tị nạn đóng trên biên giới Tunisa. Lá cờ tổ quốc đã củng cố tinh thần của những người Việt đang chạy loạn. Võ An Ninh (quê Diễn Đồng, Diễn Châu, Nghệ An) chỉ tay về phía lá cờ phấp phới giữa muôn trùng trại tị nạn màu trắng của Cao Uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR) nói: “Những ngày lễ, ngày tết, bọn em vẫn chào cờ và hát quốc ca. Nay trong lúc loạn lạc, cờ Tổ quốc là điểm tựa tinh thần cho chúng em”.
Chuẩn tướng Haruadi Soussi, người phụ trách an ninh trại tị nạn cũng hết lời ca ngợi tính kỷ luật của những di dân Việt Nam.
Không bỏ rơi đồng đội
Có một câu chuyện cảm động về sự tương trợ của những lao động Việt Nam trên đường chạy loạn. Đó là chuyện anh Phạm Quang Úy, quê Hà Tĩnh bị gãy chân, vỡ xương chậu trong một lần sập giàn giáo, phải nằm bẹp một chỗ. Đúng lúc đó, tình hình bất ổn nổ ra ở Libya. Nơi Uý làm việc bị cướp phá.
- Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Châu phi (Ảnh: Bảo Hiếu).
Hầu hết, anh em đồng nghiệp không kịp mang theo đồ trong lúc bỏ chạy. Uý thấy thế rơm rớm nước mắt, nói: “Các anh cứ chạy đi, mặc kệ em. Thân em tàn tận thế này, trước sau gì cũng chết”. Tuy nhiên, bạn bè đồng nghiệp đã không bỏ rơi người đồng hương tội nghiệp. Người dìu, người dắt, có những lúc nếu buông tay, Úy đã có thể bị dòng người di tản giẫm nát. Gặp Uý tại trại tị nạn trên đất Tunisia, cậu cười tươi: “Giờ sống rồi anh ạ, nhờ sự đùm bọc của anh em”.
Nhiều lao động Việt Nam kể lại, từ Tripoli (Libya) đến biên giới giữa Libya và Tunisia phải trải qua nhiều bốt gác dã chiến. Trong đó, có bốt gác của phe nổi loạn và của Chính phủ Gaddafi. Dù phe nào nhưng khi họ hỏi: “Trung Quốc hay Việt Nam”, nếu biết là người Việt Nam thì vui vẻ và nhanh chóng cho qua. Những người dân Libya cũng đều có cảm tình với dân Việt Nam nên sẵn sàng chia sẻ cả thức ăn, nước uống.
Theo VTC