Gặp lại nữ tướng cướp Tám Lũy
Sau những giông bão cuộc đời, giờ thì “bà” tướng cướp ấy đã bước vào tuổi già, đang phải chống chọi với nỗi cô quạnh và những sám hối do tội ác mà mình gây ra.
Từ những thập niên 70-80 và đầu 90 của thế kỷ trước, ở vùng sông nước Đồng Nai – Sài Gòn có nhiều câu chuyện ly kỳ, huyễn hoặc về nữ tướng cướp Tám Lũy. Nào là cướp bóc dã man, nổ súng giết người không ghê tay, là “nữ chúa” của vùng đất Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đó có thể là những chuyện có thật! Sau những giông bão cuộc đời và sự khoan hồng của luật pháp, giờ thì “bà” tướng cướp ấy đã bước vào tuổi già, đang phải chống chọi với nỗi cô quạnh và những sám hối do tội ác mà mình gây ra.
Tháng 4-2001, nhân một chuyến công tác ở huyện Nhơn Trạch, chúng tôi tìm đến nơi ở của bà Tám Lũy ở giồng Ông Đông, ấp Bến Đình, xã Phú Đông, để được tận mắt gặp lại con người thật của nữ tướng cướp khét tiếng năm nào.
Từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi qua phà Cát Lái để đến với Nhơn Trạch, sau đó tìm hướng về căn nhà của bà Tám Lũy, nơi từng là sào huyệt của cả băng cướp. Men theo con đường đất đỏ nằm cạnh chân Cầu Cháy ở giồng Ông Đông, dưới những vạt dừa nước dày đặc, mênh mang sông nước, chúng tôi thẳng tiến.
Một người dân địa phương đi cùng cho biết, nơi đây thuộc chiến khu Rừng Sác nổi tiếng khi xưa, còn sau ngày giải phóng, nó trở thành chốn nương thân của băng cướp khét tiếng Tám Lũy. Cuối cùng, căn nhà của bà Tám cùng khu chuồng trại chăn nuôi cũng lồ lộ ra, nằm lọt thỏm giữa vùng sông rạch u ám.
Vòng xoáy tội lỗi của nữ tướng cướp
Trên đường đến thăm bà Tám Lũy, chúng tôi cố vẽ ra trong đầu óc hình ảnh xấu xa, tồi tệ nhất của một kẻ cướp khét tiếng. Thế nhưng, đứng trước mặt chúng tôi là một cụ già khoảng 75 tuổi, đang lúi húi cho bầy heo con ăn sau nhà, dù chưa lụm khụm nhưng trông lam lũ, dáng vẻ khắc khổ. Nếu không được nghe kể về bà, chắc chúng tôi cũng không thể hình dung nổi rằng, đó là người đàn bà đã từng chỉ huy băng cướp hung hãn nhất vùng đất Nhơn Trạch khi xưa. Tuy vậy, dù tuổi đã già nhưng điệu bộ của bà vẫn còn nhanh nhẹn, đôi mắt nhìn sắc lẹm, tinh ranh khiến những ai lần đầu đối diện cũng phải ngại ngần.
Bà Tám Lũy sống một mình trong căn nhà này, thỉnh thoảng có đám cháu đến trông nom. Đây quả là cuộc thăm viếng đầy phức tạp! Chúng tôi cũng không muốn khơi lại hết những tội lỗi mà bà gây ra trong cuộc đời. Chúng tôi muốn câu chuyện được tự nhiên và để bà chủ động bất cứ những gì muốn nói. Thật là khó khăn để bà trùm đã hoàn lương có thể kể lại quá khứ của mình! Khi mà hậu quả của nó còn đeo đẳng đến ngày hôm nay, vào thời điểm mà 2 người con trai của bà đang chờ ngày ra pháp trường thi hành án tử hình vì tham gia vụ cướp tiệm vàng năm 2006 ở xã Phú Hữu, Nhơn Trạch.
Nhìn xa xăm để hồi tưởng về quá khứ lỗi lầm, bà Tám Lũy không giấu được cảm giác rùng mình, ân hận. Bà nói: “Cuộc sống của tôi và các con đã trải qua những tội ác, sai lầm không thể xóa hết được! Bây giờ tui chỉ muốn tu tỉnh hoàn lương và cầu nguyện trời phật tha thứ cho tội lỗi của mình”.
Thông qua cuộc trò chuyện với bà Tám Lũy và lần giở lại chuyện xưa, cách đây khoảng 20 năm về trước, chúng tôi được biết vùng đất Nhơn Trạch (phía tây nam của tỉnh Đồng Nai) vốn nổi tiếng là “miền đất hứa” của những băng cướp khảo khấu ở vùng rừng thiêng nước độc, trong đó băng cướp do bà Tám Lũy cầm đầu là hoạt động dữ dội nhất. Do Nhơn Trạch có những tuyến sông nước quan trọng, với một đoạn sông Đồng Nai – Nhà Bè, là ranh giới giữa TP HCM và huyện Nhơn Trạch, và một đoạn sông Thị Vải, là ranh giới với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giữa 2 tuyến sông này, giới thuyền buôn ở các tỉnh miền Đông thường qua lại, nên băng cướp bà Tám Lũy nhắm vào đó để ráo riết hoạt động, bởi ở đây, chúng có thể dễ dàng kiếm được những “con cá lớn” cho những phi vụ phạm tội của mình.
Điều đó khiến lực lượng Cảnh sát hình sự tỉnh Đồng Nai luôn đau đầu khi chưa tìm ra giải pháp triệt để nhằm chấm dứt tình trạng nhức nhối này. Họ tự hỏi, bà Tám Lũy là ai, tung tích, lai lịch, thuộc hạ thế nào? Xin thưa rằng, bà ta tên thật là Trần Thị Liễu (còn có tên khác là Trần Thị Tép, sinh năm 1936), từng là một phụ nữ xinh đẹp, con gái rượu của võ sư, tướng cướp Trần Văn Rốp (tức Mười Rốp) ở vùng đất Phú Hữu, Nhơn Trạch vào thời Pháp thuộc. Từ nhỏ, Liễu đã tinh tường võ nghệ và kế thừa nghề cướp bóc của người cha dọc các vùng sông nước Nhơn Trạch – Cát Lái – Nhà Bè. “Thuở đó, tui thông thạo địa hình ở đây như lòng bàn tay, biết chút võ, lại có biệt tài bơi lội, giỏi chèo ghe thuyền nên ai cũng nể”, bà Tám Lũy hồi tưởng.
Lấy chồng khi 20 tuổi, con cái lại đông (bà đẻ theo kiểu sòn sòn, được 15 con), điều kiện sống túng thiếu lại ham thú cờ bạc đến điên cuồng khiến Liễu nhanh chóng sa chân vào con đường cướp bóc, nối nghiệp người cha của mình.
“Tám Lũy là biệt danh của chồng tôi, tức ông Nguyễn Thanh Liêm. Mặc dù ông ấy hiền lành, lương thiện, hết sức khuyên nhủ vợ và không hề nhúng tay bất cứ vụ cướp bóc nào, thế nhưng tôi vẫn bướng bỉnh lấy biệt danh của chồng để lập băng cướp”, bà Tám Lũy nói thêm.
Được biết, tay chân, thuộc hạ của bà Tám Lũy là những đứa con ruột và người trong dòng họ với tổng số gần 25 người. Để đủ sức uy hiếp nạn nhân và “cạch mặt” lại các băng cướp khác, nữ tướng cướp Tám Lũy chỉ đạo thuộc hạ trang bị dao, lưỡi lê cùng nhiều vũ khí, đạn dược vốn còn sót lại từ thời chiến tranh với tổng cộng cả chục khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. Các loại vũ khí này được cất giấu ngay tại sào huyệt ở ấp Bến Đình, giồng Ông Đông
Các con của Liễu lần lượt lớn lên trong môi trường ấy, dần trở thành những tên cướp có hạng. Chúng quấy nhiễu giới thuyền buôn và những hộ dân sống dọc tuyến sông ở vùng đất Nhơn Trạch cho đến các địa bàn giáp ranh ở Nhà Bè, Thủ Đức (TP HCM), Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu… một cách không tiếc tay.
Thuở ấy, rộ lên tình trạng có nhiều người dân vơ vét tài sản rồi tổ chức vượt biên trái phép, theo hướng từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đi theo tuyến đường sông ra Nhơn Trạch rồi đến Bà Rịa – Vũng Tàu để ra biển. Thật không may, họ trở thành miếng mồi ngon để băng nhóm Tám Lũy chặn thuyền giữa đêm khuya, cướp tài sản.
Có vũ khí dự trữ và sẵn sàng tấn công nếu nạn nhân kháng cự, mỗi khi băng cướp Tám Lũy xuất hiện, hầu hết các nạn nhân đều chỉ biết cắn răng mà chịu đựng, mong sao giữ được mạng sống của mình. Nhờ thông thạo địa hình sông nước hiểm trở, mỗi khi tổ chức cướp, Tám Lũy chỉ đạo các con của mình ra tay dứt khoát rồi nhanh chóng tẩu thoát, khiến các nạn nhân phản ứng không kịp, còn lực lượng hình sự cũng đành bó tay.
Theo hồ sơ điều tra cho thấy đã có hàng trăm vụ cướp bóc, trộm cắp bằng thủ đoạn sử dụng vũ khí “nóng” do băng nhóm Tám Lũy gây ra khiến người dân vùng sông nước miền Đông không khỏi khiếp sợ. Các con trai của bà Tám Lũy ăn cướp khá tạp nham. Dọc theo tuyến sông nước, nhìn thấy bất cứ tài sản gì có giá trị là chúng chộp ngay. Mỗi khi bị cảnh sát phát hiện, truy bắt là chúng nổ súng chống trả quyết liệt…
Trong quá trình tìm hiểu về quá khứ của nữ tướng cướp Tám Lũy, chúng tôi đã được Ban Chỉ huy Công an phường Phú Đông cung cấp thêm một số chuyện ly kỳ. Kể lại với chúng tôi, một nhân chứng là Thiếu tá Đặng Văn Thông, Phó trưởng Công an xã Phú Đông phụ trách hình sự cho biết, không thể nói hết tội ác do băng cướp này gây ra. Một vụ điển hình là vào khoảng năm 1982-1983, người thân của ông Thông là Trung úy Công an tên S đang trên đường ghé thăm bà con ở xã Phú Đông thì bị thuộc hạ của bà Tám Lũy phục ngay ở đầu Cầu Cháy. Chúng nổ súng đe dọa rồi giật lấy giỏ tiền của ông S, sau đó nhảy xuống sông, lên ghe chờ sẵn tẩu thoát. Nhận được tin báo, lực lượng công an, xã đội huy động khẩn cấp xuống ngay sào huyệt để bắt nóng đối tượng. Bọn cướp táo bạo dùng súng bắn một loạt đạn về phía công an rồi tháo nhau chạy trốn mất hút. Ông Thông cho biết, sau vụ cướp đó, ông S hoảng vía luôn rồi bị thần kinh buộc phải rời khỏi lực lượng công an, về Long An sinh sống.
Ông Thông còn kể thêm một vụ cướp táo tợn của băng cướp Tám Lũy vào năm 1983 mà ông trực tiếp chứng kiến. Khi ấy, ông Đông chỉ mới 12 tuổi đầu, theo người bác ruột ra ngoài đồng ruộng ở giồng Ông Đông để cắt lúa. Sau khi hai bác cháu cắt được gần chục bao lúa rồi hè nhau vác lên bờ rạch. Lúc này nhóm cướp Tám Lũy giả vờ đi chày lưới rồi cho ghe cập bờ. Chúng phóng lên cướp sạch các bao lúa. “Bác cháu tôi xót của nên chạy theo để truy hô thì bị bọn chúng ngồi trên ghe cầm súng bắn mấy phát đạn, cũng may là né kịp, suýt tí nữa toi mạng”, ông Thông bồi hồi nhớ lại.
Sự hoành hành của băng cướp Tám Lũy khiến lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai phải lập ban chuyên án để bằng mọi giá phải triệt phá cho bằng được. Phải mất nhiều năm xuống vùng Nhơn Trạch điều tra, đến đầu những năm 90, nhờ các trinh sát thiện chiến bám riết địa bàn vùng sông nước, ngày đêm mai phục ở nơi chúng gây án, nên lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai và huyện Nhơn Trạch mới bóc gỡ được băng cướp này. Các đợt tấn công truy quét ráo riết của cảnh sát ở vùng Nhơn Trạch đã lần lượt đưa các tên cướp liều lĩnh vào khám. Trong chiến dịch đánh án với bọn cướp Tám Lũy giữa vùng sông nước, hai chiến sĩ cảnh sát đã phải hy sinh, một số khác thì bị thương do bị dính đạn. Còn tên Nguyễn Văn Tùng, con trai của Tám Lũy, kẻ đã bắn chết một trinh sát hình sự, đã dùng súng tự sát ngay sau khi bị bắt.
Cuối cùng, băng cướp tan rã, kho vũ khí cùng sào huyệt bị triệt phá, bà Tám Lũy và các con trai cùng với thuộc hạ lần lượt sa lưới và chấp hành mức án tù nghiêm khắc nhất. Sau thời gian chấp hành án trong trại giam và được sự khoan hồng của luật pháp, Tám Lũy và các con đã được cảm hóa, giáo dục, được tạo cơ hội để làm lại cuộc đời. Họ lũ lượt trở lại vùng đất Nhơn Trạch để bước vào cuộc sống đời thường. Ăn năn hối cải những việc đã làm, trở lại sào huyệt cũ, được chính quyền địa phương giúp đỡ, bà Tám cất lại căn chòi rồi làm chuồng trại nuôi heo, gà vịt, nấu rượu, trồng rau để sống qua ngày, tu tỉnh làm ăn lương thiện và không ngừng khuyên nhủ các con của mình hoàn lương.
Nước mắt người già
Tiếp chuyện với bà Tám Lũy, chúng tôi không hỏi nhiều về chuyện tái phạm của những đứa con trai tù tội, điều đó có thể sẽ khơi lại những kỷ niệm đau buồn để rồi những giọt nước mắt của bà mẹ lại một lần nữa ướt đẫm trên khuôn mặt đã có quá nhiều nỗi đau do sai lầm của quá khứ. Bà Tám Lũy chỉ tâm sự với chúng tôi rằng: “Tôi cảm thấy ghê sợ mỗi khi ai nhắc lại băng cướp Tám Lũy. Mọi tội lỗi hãy để cho tôi gánh hết, vì tôi có quá nhiều tội lỗi trong quá khứ nên không nuôi dạy các con nên người”.
Nói về giai đoạn hoàn lương của của bà Tám Lũy và những người con trai với một vài chuyện đáng chú ý, Trung tá Nguyễn Chính Tần, Trưởng Công an xã Phú Đông cho rằng, bà Tám Lũy giờ về già thì đã hoàn lương rồi, chính thức “gác kiếm” gần 20 năm nay, không còn tổ chức trộm cướp gì nữa. Tuy vậy, điều đáng buồn là những người con của bà, sau khi ra tù, vẫn còn vài người chưa bỏ được thói hư, tật xấu, tiếp tục tái phạm.
Nhắc đến những hậu duệ của bà Tám Lũy, Trung tá Nguyễn Chính Tần không khỏi phiền muộn: “Trong nhóm con trai của bà Tám Lũy sau khi thụ án rồi ra tù, đã có đến 6 người con sau một thời gian hoàn lương rồi trở lại thói quen lười biếng, đỏ đen cờ bạc, không những la cà nhậu nhẹt, đánh người dã man mà còn chống người thi hành công vụ, khiến chúng tôi hết sức vất vả khi xử lý. Thêm vụ mới đây, cháu nội của bà là Nguyễn Thanh Lý (26 tuổi, con trai của Nguyễn Văn Tùng) đi ăn trộm vặt cũng bị chúng tôi bắt được”.
Theo Trung tá Tần, duy nhất trong đám con trai của bà Tám Lũy, chỉ có người con trai cả là ông Nguyễn Văn Cư (tức Hai Cư) làm ăn đàng hoàng. Hai Cư mở công ty san lắp mặt bằng, làm ăn cũng khấm khá, con cái học hành tử tế, có tiền ông hay giúp đỡ mẹ và các em, nhưng với chứng nào tật nấy của các em trai ngỗ ngược thì ông cũng đành bó tay. Hai người trong số những đứa con trai của bà Tám Lũy là Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Thâu đã theo vết xe đổ của người mẹ. Chúng lêu lổng chơi bời từ bé, vùi đầu vào cờ bạc và thể hiện bản chất côn đồ như mẹ mình thuở xưa. Theo bạn bè xấu tụ tập, la cà đánh nhau phá làng phá xóm, “hậu duệ” của tướng cướp Tám Lũy dần thể hiện bản chất hung tàn. Sau khi ra tù rồi hoàn lương được một thời gian, chúng tiếp tục sa chân vào con đường tội ác. Vào tháng 10-2006, hai anh em Hoàng, Thâu rủ rê cùng hai đồng bọn khác tham gia vào vụ cướp tiệm vàng Kim Hồng ở xã Phú Hữu, Nhơn Trạch. Bọn chúng dùng súng bắn chết chủ tiệm vàng một cách không ghê tay. Sau vụ đó, Hoàng và Thâu nhanh chóng bị Công an Đồng Nai bắt và bị tòa kết án tử hình (đang chờ ngày thi hành bản án). Người dân xã Phú Đông vẫn nói rằng, đó là nghiệp chướng mà bà Tám Lũy để lại cho những đứa con của mình.
Theo kể lại, trong ngày đưa 2 đứa con của bà ra trước phiên tòa xét xử lưu động ở huyện Nhơn Trạch vào năm 2009, bà Tám Lũy đến dự khán mà người mềm nhũn, những giọt nước mắt lăn dài. Vì quá sợ hãi khi đối mặt với mức án tử hình của 2 con, nên bà Tám Lũy thậm chí không bước vững mà phải nhờ con cháu dìu đi. Phiên tòa khiến nhiều người dân Nhơn Trạch thở phào nhẹ nhõm, vì trừ được một mối họa lớn cho sự an nguy của người dân trên địa bàn.
Giờ thì vùng đất Nhơn Trạch đã được trả lại sự bình yên để tập trung vào công cuộc phát triển công nghiệp. Những người dân vùng sông nước đã có thể ăn no, ngủ kỹ vì không còn phải lo sợ về băng cướp này. Tuy nhiên, bất kể nhiều năm đã qua đi, thì băng cướp Tám Lũy vẫn được coi là một trong những băng cướp nguy hiểm nhất của Nhơn Trạch, để lại những ký ức hãi hùng không dễ gì xóa được đối với nhiều người dân.
Thế Vinh