Cửa tử từ bệnh “mở khóa đầu”
Đã từ nhiều năm nay, căn bệnh “mở khóa đầu” kỳ lạ này luôn luôn là nỗi khiếp đảm tột độ với người dân sống quanh mỏ than Mông Dương, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh. Căn bệnh mà có lẽ bất kỳ người nào bình tĩnh nhất khi chứng kiến xong cũng có thể bủn rủn chân tay.
Căn bệnh kỳ lạ này đã trở nên hiển nhiên đến nỗi nó là một phần tất yếu của cuộc sống nơi này. Nhiều cán bộ y tế của địa phương, nhiều nhà khoa học từ các nơi đã bỏ bao nhiêu công sức tìm kiếm, khảo sát để tìm ra căn nguyên đích thực của căn bệnh ấy nhưng kết quả vẫn chẳng đáng là bao. Sau một thời gian "im tiếng”, đến giờ, căn bệnh hãi hùng ấy trở lại ồ ạt như một đám mây đen ám ảnh những mái nhà vốn đã mịt mù bụi than nơi đất mỏ.
Hãi hùng bệnh “mở khóa đầu”
Ở đây, mỗi khi có một đứa trẻ sinh ra, người ta đều nín thở chờ đợi căn bệnh kỳ lạ này kéo đến. Nó như là một cửa ải chết chóc thứ hai sau giai đoạn “chửa cửa mả” mà rất nhiều đứa trẻ gặp phải từ khi lọt lòng mẹ đến khi được 3 tháng tuổi. Căn bệnh kỳ lạ này chẳng có một tên khoa học cụ thể nào, dựa vào đặc tính biểu hiện của bệnh, người dân tạm đặt cho nó cái tên nghe cũng rất hãi: “Bệnh mở khóa đầu”.
Như cháu Nguyễn Thái Bảo con trai anh Chính, chị Toán ở khu 1, thị xã Cẩm Phả thì khi sinh ra cháu nặng 3,2kg, hồng hào khỏe mạnh bình thường. Đúng buổi chiều hôm ấy, khi cháu Bảo được 28 ngày tuổi thì căn bệnh ập đến. Buổi sáng hôm đó, cháu Bảo dậy bú mẹ bình thường như những sáng khác. Cháu không quấy khóc hay có biểu hiện gì bất thường. Trái lại, cu Bảo lại rất ngoan, bú một mạch rồi ngủ im thin thít trong nôi. Thấy con ngủ ngoan, chị Toán yên tâm đặt con vào trong nôi rồi tranh thủ ra giếng giặt quần áo.
Chị Toán không ngờ rằng, trong thời gian con mình “ngủ ngoan” ấy chính là lúc hai nửa hộp sọ của cháu bắt đầu nở rộng ra từ thóp. Vết nứt ấy xuất phát từ đỉnh đầu, tách ra theo hình chữ thập xuống trán, ra sau gáy và xuống hai mang tai. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, vết rạn nứt ấy có thể rộng tới 2cm và tạo thành rãnh lớn trên đầu đứa trẻ. Kỳ lạ hơn nữa, trong thời gian hộp sọ nứt ra, đứa trẻ cứ im lìm ngủ rồi dần lịm đi. Ai không biết đều tưởng đó là biểu hiện của một đứa trẻ đang say giấc. Và khi vết nứt xuống quá nửa trán thì coi như vô phương cứu chữa.
“Thần y” với phương thuốc bí truyền
Cơn bạo bệnh của cháu Bảo con trai anh chị Chính, Toán là một trong rất nhiều trường hợp của căn bệnh “mở khóa đầu” ở đây. Có những gia đình, cứ sinh được đứa con nào là ngay lập tức đều mắc bệnh “mở khóa đầu”. Bởi vậy, nó là nỗi ám ảnh có khi còn lớn hơn cả nỗi lo cơm ăn áo mặc hàng ngày. Có một điều đặc biệt rằng, căn bệnh này tập trung nhiều nhất ở đất Mông Dương. Đi dọc theo con đường lớn từ mỏ than ra, chỉ cần cất tiếng hỏi, người dân có thể chỉ ngay cho chúng tôi những gia đình đã từng có con nhỏ bị bệnh này.
Theo hướng tay chị Toán, tôi tìm đến nhà “thần y” Lưu Thị Dếnh, người được truyền tụng rằng, đã cứu mạng không biết bao nhiêu người ở đây. Khác với tưởng tượng của tôi, người phụ nữ đặc biệt này có vẻ ngoài rất bình thường, không có vẻ gì thể hiện là một lang y chân truyền.
Bà Dếnh năm nay 58 tuổi, vốn nghề bán hàng tạp hóa chứ không kiếm sống bằng nghề thầy lang. Vừa rót nước mời khách, bà Dếnh vừa thuận miệng kể: “Ông cụ thân sinh ra tôi vốn là thầy thuốc người Trung Quốc, vì thời thế loạn lạc mà phải lánh thân sang Việt Nam kiếm sống. Tôi là con gái duy nhất của cụ, trên tôi còn có 4 người anh trai nữa. Năm 1979, khi đó bố tôi đã 78 tuổi, sức khỏe yếu nên ông muốn tìm về bản quán Trung Quốc để sống những ngày cuối đời. Các anh trai tôi đồng ý theo cụ đi tìm quê, còn tôi phận gái đã lấy chồng nên khó có thể dời bước theo bố. Trước khi đi, cụ truyền lại cho tôi bí quyết để chữa căn bệnh “mở khóa đầu” này. Tôi nhanh ý lĩnh hội được ngay và sử dụng bài thuốc chữa “mở khóa đầu” đã mấy chục năm nay”.
Nói về phương thuốc của mình, bà Dếnh bật mí: “Quan trọng là đốt thuốc vào đúng huyệt đạo để khóa đầu khép lại. Thuốc thì rất đơn giản, chỉ có lá ngải cứu sấy khô, lông nhím và vảy tê tê xay nhuyễn, trộn đều. Thuốc ấy được đốt lên rồi thôi vào huyệt đạo”.
Vì chỉ ở Mông Dương mới tìm được thầy, được thuốc trị bệnh nên khi sinh nở, tuyệt không có ai dám bén bảng đi xa nửa bước khỏi mảnh đất này. Như vợ chồng anh Nguyễn Văn Khang và chị Trần Thị Hoa ở khu 1, phường Mông Dương. Anh Khang, 35 tuổi quê Nghĩa Lộ, Yên Bái tìm ra đất Mông Dương làm công nhân mỏ than đã hơn chục năm nay. Vợ anh sức yếu, không chịu được khí bụi trong lò nên chỉ lui cui bán nước mía đầu cổng xí nghiệp kiếm ăn.
Anh Khang kể: “Đận sắp sinh cháu gái thứ hai cuối năm 2007, tôi tính toán rồi quyết định đưa vợ về quê Yên Bái để tiện sinh nở, đỡ tốn kém mà lại có ông bà nội, ngoại chăm sóc. Ở quê được ít hôm, sắp đến ngày sinh nở thì mới bàng hoàng nhớ ra rủi ro từ căn bệnh mở khóa đầu. Lỡ sinh nở ở quê, đứa nhỏ gặp bệnh thì chỉ có nước chết vì tìm đâu ra thầy thuốc”. Thế là anh Khang lại tức tốc về quê, đưa vợ trở lại Mông Dương ngay tắp lự. “Và run rủi thế nào, con gái tôi sau sinh 2 tháng thì bị mở khóa đầu nặng. Bà Dếnh phải đốt thuốc 4 lần mới khỏi hẳn”, chị Hoa nhớ lại, giọng vẫn còn thảng thốt.
Căn bệnh ám ảnh cả đời người
Con của chị Hoa, chị Toán là những người may mắn thoát bệnh. Thực tế, trong 3 tháng đầu mới sinh con thì bố, mẹ hầu như không ngủ. Vợ chồng thay nhau thức đêm để theo dõi cơn bạo bệnh có thể bất ngờ ập tới. Nhưng oái oăm thay, có những đứa trẻ cũng vì căn bệnh này mà phải sống thực vật suốt đời.
Ngồi buồn thiu trong căn nhà cấp 4 ở khu 5, phường Mông Dương, anh Đỗ Văn Cửu, 45 tuổi quặn lòng nhìn đứa con trai dị dạng đang khò khè thở trên giường. Anh Cửu kể: “Vợ chồng tôi vốn quê gốc Thái Bình, theo nhau vào đây làm công nhân mỏ than khi tuổi mới mười tám đôi mươi. Khi đó, nào ai biết mảnh đất này lành dữ thế nào, quần quật kiếm kế sinh nhai nên nào có để ý đến bệnh mở khóa đầu bí hiểm ấy đâu”.
Anh Cửu lấy vợ, sinh cháu đầu lành lặn, cháu thứ hai bị mở khóa đầu khi chỉ còn đúng 2 ngày nữa là tròn 3 tháng tuổi. “Cả họ hàng nhà tôi kẻ nam, người bắc có ai biết đến căn bệnh quái ác này đâu. Đến lúc gọi mãi thằng Việt không thức giấc, hõm đầu nở toác ra thì hàng xóm mách cho tôi biết và đi tìm thầy chữa trị”, anh Cửu nói.
Anh Cửu nhớ lại rằng, người chữa bệnh cho con anh hồi ấy là một thầy lang tên Cẩn (nay đã mất) ở làng bên. Vì đầu con anh nứt to quá, tình trạng trầm trọng nên phải đốt năm lần bảy lượt cháu mới tỉnh lại. Lúc đó, anh Cửu mừng chết đi sống lại nhưng oái oăm thay, thân thể và đầu óc của con trai anh đã vĩnh viễn không thể phát triển được nữa. Chân tay cháu teo tóp héo úa không giữ nổi cái đầu phình to một cách kỳ dị.
Để đến bây giờ, anh Cửu vẫn dằn vặt rằng: “Nói thực với chú, đến giờ tôi vẫn không hiểu bệnh mở khóa đầu là do nguyên nhân gì và tôi cũng không dám chắc rằng con tôi ngớ ngẩn hoàn toàn vì di chứng của căn bệnh ấy. Nhưng một điều chắc chắn, cái thứ bệnh chết chóc này sẽ ám ảnh suốt đời tôi, cho đến khi tôi xuống mồ”.
Chứng bệnh vẫn còn là ẩn số
Để tìm hiểu rõ ràng hơn nữa về căn bệnh nguy hiểm kỳ lạ này, chúng tôi tới Trạm Y tế phường Mông Dương. Anh Vũ Quang Huy – nhân viên trạm y tế cho biết: “Tình trạng một số trẻ em sơ sinh độ tuổi từ 1-3 tháng bị mắc chứng “mở khóa đầu” ở trên địa bàn phường là có thật, đã xảy ra từ nhiều năm nay và thời gian gần đây lại có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, người dân hầu hết đều chữa trị khỏi bệnh theo những phương thuốc dân gian chứ không đưa đi viện chữa trị”. Chính vì thế, Trạm Y tế phường Mông Dương không thể thống kê chính xác được số trẻ em từng bị mắc phải căn bệnh này. Nhưng theo tôi, hiện có khoảng trên 10% trẻ em sinh ra ở đây đã từng bị mắc bệnh”.
Lý giải chí lý và có vẻ khoa học hơn một chút, anh Huy cho rằng: “Có thể nguyên nhân căn bệnh này là do độ chênh nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây rất lớn, trên 10 độ, nên gây xuất huyết não, tăng áp lực nội sọ, làm nứt sọ trẻ sơ sinh vốn rất mỏng manh. Thế nhưng, đó mới chỉ là phỏng đoán cá nhân thôi chứ chưa có kết luận nào của cơ quan y tế có chức năng”.
Với mong muốn tìm lời giải đáp từ những chuyên gia y tế đầu ngành, chúng tôi đã liên hệ với rất nhiều y, bác sĩ từ các cơ sở khám chữa bệnh nhưng hầu hết đều cho rằng, họ không biết và không có thông tin gì về chứng bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Thị Liên – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Xanh-pôn cho biết: “Tôi cho rằng, bệnh “mở khóa đầu” có thể là một tên gọi khác của bệnh xuất huyết màng não. Thóp thở của trẻ thường căng mạnh, rãnh sọ mở lớn. Tình trạng này thường xảy ra với trẻ dưới 2 tháng tuổi do trẻ thiếu yếu tố đông máu ở trong máu. Những bệnh nhi dạng này khi phát bệnh thì ngay lập tức được truyền máu, tiêm vitamin K để cầm máu. Tiếp đó phải hút bớt tủy sống trong não ra để giảm áp lực nội sọ. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến di chứng, nhẹ thì suy giảm trí nhớ, sức khỏe khi trưởng thành, nặng thì trẻ bị bại não dẫn đến bại liệt toàn thân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã nhiều năm nay, có rất ít những đoàn khảo sát chuyên môn về tìm hiểu, nghiên cứu tìm nguyên nhân để chữa trị dứt điểm căn bệnh này bằng phương pháp khoa học tiên tiến. Những thầy lang gia truyền nếu có chữa được bệnh cũng sẽ không bao giờ có thể là yếu tố an toàn tuyệt đối với một căn bệnh vừa nguy hiểm, vừa bí hiểm này.
Và nỗi hoang mang bệnh tật vẫn nghiễm nhiên tồn tại nhiều năm qua nơi mảnh đất vốn không phải thiếu ánh sáng văn minh.
Vũ Minh Tiến