Nói thẳng đó là sự phủ nhận trắng trợn những nỗ lực, đóng góp của PVN
(PetroTimes) - Thật lạ khi gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng lại nói về PVN như là gánh nặng cho “siêu ủy ban” quản lý 1,5 triệu tỷ đồng và các dự án chưa hiệu quả của ngành Dầu khí là “đắp chiếu”. Hay nói một cách thẳng thắn thì đó là sự phủ nhận trắng trợn những nỗ lực, đóng góp của PVN trong suốt thời gian qua.
Người lao động PVDrilling làm việc trên giàn khoan |
Những ngày gần đây, câu chuyện xử lý các dự án chưa hiệu quả của ngành Công Thương lại “nóng” lên khi một loạt các cơ quan báo chí truyền thông đồng loạt đăng tải những thông tin về tiến độ xử lý các dự án. Tuy nhiên, có một thực tế hết sức đáng buồn là những thông tin được đăng tải đã không được phản ánh một cách đầy đủ, khách quan nỗ lực, cố gắng của các Tập đoàn, Tổng công ty trong việc xử lý các dự án chưa hiệu quả, thậm chí là quy chụp ác ý, phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, người lao động tại các đơn vị, trong đó có PVN.
Theo như cách tiếp cận của những bài báo này thì câu chuyện của 5 dự án chưa hiệu quả của ngành Dầu khí là chuyện của riêng PVN, PVN phải chịu toàn bộ trách nhiệm về cả 5 dự án này. Nhưng thực tế có phải vậy? Xin thưa là, PVN hay các đơn vị thành viên chỉ là cổ đông tham gia góp vốn tại các dự án hoặc bị “ép” nhận chuyển giao từ nơi khác về chứ không hẳn cả 5 dự án chưa hiệu quả đều do PVN “sinh ra”.
Thiết nghĩ, cần nhắc lại để bạn đọc có thêm thông tin như sau:
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương tại cuộc họp ngày 5/7/2017, PVN đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp, hướng tháo gỡ, xử lý các dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn.
Tại cuộc họp, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình xử lý các dự án yếu kém thuộc Tập đoàn. Và ngay tại cuộc họp, PVN đã quyết định thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án yếu kém, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia Tổ công tác. Các Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phương án, giải pháp cũng như các đề xuất đã và đang được triển khai trong quá trình xử lý các dự án yếu kém. Các phương án, giải pháp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã được PVN quyết liệt triển khai và sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả cụ thể. Các dự án chưa hiệu quả đã có chuyển biến tích cực, được lãnh đạo Đảng, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể:
Người lao động làm việc trong phân xưởng kéo sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: PVTEX |
Với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, sau gần 3 năm tạm ngừng hoạt động, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, với những giải pháp cụ thể, với nguồn nhân lực chất lượng cao được huy động từ các đơn vị thành viên thuộc PVN, ngày 20/4/2018, PVTEX đã chính thức cho khởi động và đi vào vận hành 3 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy, máy móc hoạt động ổn định, tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu vượt chỉ tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Theo dự kiến, PVTEX và đối tác sẽ đưa vận hành trở lại toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trong năm 2018.
Tính đến hết ngày 31/8/2018, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã sản xuất được 843 tấn sản phẩm sợi DTY, xuất bán cho khách hàng 496 tấn sản phẩm các loại; doanh thu đạt 18,89 tỉ đồng, lợi nhuận trước chi phí cố định 0,507 tỉ đồng.
Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, thực hiện Đề án xử lý các doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Bộ Công Thương, PVN đã phối hợp, chỉ đạo và cùng với các đơn vị là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam và Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) nỗ lực để hoàn thành công tác kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa nhà máy; đồng thời, BSR-BF và các cổ đông đã tìm kiếm, lựa chọn đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh để có kinh phí vận hành lại nhà máy. Đến ngày 12/06/2018, BSR-BF đã hoàn thành đàm phán và ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). Trên cơ sở hợp đồng được ký kết, đối tác Tocontap sẽ ứng tiền kinh phí để BSR-BF vận hành lại nhà máy, gia công sản phẩm. Hiện nay, do một số yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá sắn nguyên liệu cao nên công tác vận hành lại nhà máy chưa thực hiện được.
Theo thông tin mới nhất Petrotimes nhận được, vào giữa tháng 10/2018, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) - đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) sẽ khởi động lại nhà máy. Nhà máy khi khởi động lại sẽ đạt 65% công suất, sản xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm (trong 2 tuần đầu); sau đó được kiểm tra máy móc và nâng công suất. Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, BSR-BF sẽ sản xuất 7.000m3 Ethanol cho Tocontap và số lượng 35.000m3 còn lại như trong hợp đồng đã ký sẽ sản xuất vào năm 2019.
Với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước, trước hết phải nói rằng đây là dự án mà mà đơn vị thành viên của PVN là PVOIL góp vốn và cũng chỉ góp 29% vốn, còn lại là của các cổ đông khác, trong đó có cổ đông nước ngoài là Công ty TNHH Toyo Thai New Energy góp 49% vốn. Chính vì vậy, việc hoạt động của Nhà máy NLSH Bình Phước do các cổ đông, trong đó có cổ đông nước ngoài quyết định chứ không phải của PVN.
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy, đến nay nhà máy đã sẵn sàng để vận hành trở lại.
Theo đó, các cổ đông của OBF là Toyo Thai New Energy, PVOIL, Licogi 16 đã góp thêm vốn để chuẩn bị cho việc vận hành lại nhà máy; liên danh nhà thầu VSP-Licogi 16 đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy giai đoạn 1; OBF đã tuyển đủ các nhân sự chủ chốt thuộc khối trực tiếp và gián tiếp ở mức tối thiểu và thực hiện đào tạo để có thể phục vụ nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành nhà máy; công tác tiêu thụ sản phẩm và vận hành nhà máy cơ bản được thống nhất.
Đối với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ, dự án đang triển khai dở dang, mới hoàn thành được 78% khối lượng công việc thì phát sinh chi phí và thiếu vốn nên đang tạm dừng triển khai từ cuối năm 2011. Do PVOIL chỉ góp 39% vốn điều lệ, còn lại là các cổ đông ngoài ngành Dầu khí nên không quyết định được các vấn đề của dự án. Theo thống nhất của các cổ đông, hiện nay Chủ đầu tư đang triển khai thực hiện phương án tìm kiếm đối tác trên nguyên tắc đối tác đầu tư sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai tiếp dự án, đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
FSO Chí Linh trong ụ tàu Nhà máy Đóng tàu Dung Quất |
Riêng với trường hợp của Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), phải nói đây là dự án PVN nhận chuyển giao từ Vinashin theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, từ khi được chuyển giao về PVN, với trách nhiệm của mình, PVN đã quyết liệt vào cuộc, tái cơ cấu hiệu quả hoạt động của đơn vị. Trong năm 2017, DQS đã cơ bản thoát khỏi tình trạng thua lỗ, đời sống của cán bộ, công nhân viên về cơ bản đã được cải thiện, người lao động có việc làm đều đặn... Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, lại đang lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế và truyền thông, việc DQS “trụ” lại, từng bước vươn lên là điều đáng ghi nhận với những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, người lao động DQS.
Cũng phải nói về thế “tiến thoái lưỡng nan” mà DQS đang phải đối diện. DQS là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, thuộc ngành công nghiệp cơ bản của đất nước. Không chỉ ở Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới, ngành công nghiệp nặng đều được nhà nước bảo hộ để chống lại sự cạnh tranh không bình đẳng đến từ phía nước ngoài thì Việt Nam lại không. Thâm chí, do lịch sử để lại, báo cáo tài chính của DQS không thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của các gói thầu, nên DQS bị loại từ vòng sơ loại. Đây là điều cực kỳ bất lợi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Cùng với đó là khó khăn về cơ chế thuế. DQS là doanh nghiệp trong nước, nên khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp của Việt Nam thì phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng đóng mới và sửa chữa tàu biển thì lại thuộc danh mục không chịu thuế. DQS đã phải chấp nhận “cuộc đấu” 10% về thuế. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi khi đàm phán, DQS sẽ có rất nhiều lợi thế về giá cả, cũng như chi phí.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, DQS đã thắng thầu và hoàn thành nhiều gói thầu sửa chữa lớn. Có thể kể đến đó là việc hoàn thành sửa chữa tàu Chí Linh của Vietsovpetro, là việc tiếp nhận sửa chữa 1 sà lan của Australia, là việc tham gia đóng mới những module cho Samsung… Ngoài ra, DQS còn tham gia xây dựng nhà máy lọc dầu ở Arập Xêút; đóng mới tàu cá cho Ấn Độ; đóng mới tàu hàng khô cho Canada, Singapore…
Với những kết quả như trên thì rõ ràng không thể quy chụp các dự án chưa hiệu quả của ngành Dầu khí đang “đắp chiếu” được. Những dự án này sau hơn 1 năm triển khai quyết liệt các giải pháp, phương án xử lý, đều có những chuyển biến hết sức tích cực. PVTEX bước đầu đã khởi động được 3 dây chuyền sản xuất, tiến tới khởi động loại toàn bộ nhà máy và đã có lợi nhuân. Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước và Dung Quất đã sẵn sàng khởi động trở lại. Trong khi đó, DQS bước đầu đã hoạt động ổn đinh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và đã có lợi nhuận. Sự yếu kém của DQS về bản chất là do đang phải trả nợ cho quá khứ, cho sự yếu kém, thiếu hiệu quả của quá khứ chứ không phải câu chuyện bây giờ. Còn riêng với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ, như đã đề cập, đây không phải là chuyện riêng của ngành Dầu khí mà quyền quyết định “sinh mệnh” của dự án nằm trong tay các cổ đông, trong đó có cổ đông nước ngoài.
Người lao động dầu khí làm việc trên "sa mạc lửa" Sahara |
Về tính hiệu quả hoạt động của PVN thì xin nói ngay, PVN vẫn đang là doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước hằng năm, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đảm bảo bảo toàn vốn Nhà nước… Không chỉ vậy, PVN còn được Đảng, Chính phủ xác định là ngành kinh tế giữ vai trò chủ lực, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế và cũng là công cụ điều tiết vĩ mô, là cấu phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hoạt động của PVN trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành đã giữ vị trí, vai trò định hướng, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Số liệu được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận: Trong giai đoạn 2007-2017, PVN duy trì mức tăng trưởng bình quân 15-20%. Nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hằng năm. Tổng tài sản toàn Tập đoàn là 760 ngàn tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất gần 440 ngàn tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm. Hệ số nợ/tổng tài sản (hợp nhất tại thời điểm 30/9/2016) là 0,4 lần, bảo đảm an toàn cao cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), PVN đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và an ninh - quốc phòng…
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt 61,8 ngàn tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch 7 tháng và bằng 83% kế hoạch năm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo PVN ngày 12/10/2017 đã nhấn mạnh: Ngành Dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong thời gian gần đây, đóng góp của ngành Dầu khí rất lớn cho nền kinh tế, luôn vào top đầu về nộp ngân sách Nhà nước. Mỗi 1 triệu tấn dầu đóng góp khoảng 0,25% GDP.
Như vậy, không thể nói PVN là “gánh nặng” của “siêu ủy ban” như cách nói của một số cơ quan báo chí truyền thông được. Thậm chí với vị trí, vai trò và quy mô phát triển như hiện nay cũng như các, đóng góp hàng góp năm, PVN sẽ là đơn vị nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội mà Đảng, Chính phủ giao cho “siêu ủy ban”!
Vậy nên, cách nói, cách tiếp cận vấn đề của một số cơ quan báo chí về việc xử lý các dự án chưa hiệu quả của PVN cũng như những lo ngại về hiệu quả hoạt động của PVN sau khi chuyển về “siêu ủy ban” là không khách quan, không phản ánh trung thực, đầy đủ thông tin về vấn đề, thậm chí là đã phủ nhận toàn bộ những nỗ lực, cố gắng và đóng góp của tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí suốt thời gian qua.
Đúng là quá trình hoạt động của PVN có những vấn đề tồn tại, sai sót nhưng đó là những tồn tại, sai sót xuất phát từ sai phạm cá nhân và đã được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, không thể mãi cứ lấy câu chuyện của quá khứ để đánh giá những nỗ lực, cố gắng của những con người hiện tại.
Người dầu khí không cần sự tán dương, tô vẽ mà chỉ cần sự công tâm và trách nhiệm trong đánh giá những nỗ lực, cố gắng mà thôi!
Thanh Ngọc