Gặp gỡ cặp vợ chồng Việt “đông con cháu” nhất ở Christchurch - New Zealand
(PetroTimes) - Thành phố Christchurch ở New Zealand những năm 80 rất ít người Việt sinh sống và học tập, vợ chồng cô Hà - chú Truyền là một trong những người Việt đầu tiên đến đây lập nghiệp. Công việc in ấn tại khoa Sư phạm trường Đại học Canterbury đã đưa cô chú trở thành ông bà, bố mẹ đỡ đầu của rất nhiều du học sinh Việt tại đây.
Từ câu chuyện bà mẹ nuôi người New Zealand và 2.000 đô la
Chất chứa đằng sau những nụ cười và ánh mắt đầy tự hào của du học sinh Việt ở New Zealand là rất nhiều thử thách của một cuộc sống mới. Nơi đất khách, họ tìm đến và được sưởi ấm bởi tấm lòng của những người đồng hương để quên đi nỗi nhớ nhà da diết.
Và câu chuyện giúp đỡ các du học sinh Việt tại thành phố Christchurch nơi "xứ sở kiwi" của cặp vợ chồng già người Việt dưới đây là một ví dụ.
Chân dung cô Hà, chú Truyền – những người ông bà, bố mẹ đỡ đầu của rất nhiều thế hệ du học sinh Việt tại New Zealand. |
Khoa Sư phạm có những lớp Anh văn dành cho sinh viên quốc tế tham gia trước khi học chính thức. Khi ấy, trường đã đề cử chú Truyền giúp đỡ những sinh viên Việt Nam theo học tại các lớp này.
Ban đầu chú chỉ đơn giản là giới thiệu trường lớp, dẫn đi tham quan Christchurch hay dẫn về nhà để các bạn sinh viên được cô nấu cho ăn những món Việt.
Nhưng những mối nhân duyên ấy dần được mở rộng ra, nhóm trước giới thiệu nhóm sau, không chỉ sinh viên trường ĐH Cantebury mà còn các trường khác như Hàng không, Học viện Ara Canterbury, ĐH Lincoln… Những “đứa con”, “đứa cháu” của cô chú cứ thế đông dần.
Cộng đồng người Việt tại Christchurch ngày càng đông hơn sau những cái Tết. |
Cứ cuối tuần hay các dịp lễ tết, các bạn trẻ lại tìm tới nhà cô chú tụ tập nấu ăn, chuyện trò chia sẻ. Họ mong tìm được chút mùi vị quê hương, mùi vị của gia đình, cùng gìn giữ những phong tục truyền thống của dân tộc dưới mái nhà của cặp vợ chồng già ấy. Rồi những năm tháng xa quê hương dần trở nên ấm áp hơn.
Khi được hỏi lý do cô chú lại đồng ý giúp đỡ những cô cậu sinh viên ấy, người đàn ông đã ngoài 60 tuổi chân thành chia sẻ: “Thời điểm chú đến Christchurch có rất ít người Việt, phần lớn là du học sinh. Trong 6 tháng đầu tiên chú chỉ mới gặp 1 người Việt Nam, anh cũng là du học sinh.
Lúc gặp anh, chú mừng rớt nước mắt, cảm giác như kiểu đi xa rất lâu mới gặp được người đồng hương và được nói tiếng mẹ đẻ. Gặp được một người đồng hương nơi xứ người là cảm giác được trở về nhà. Chú hiểu lắm.
Không riêng gì cô chú, những người Việt ở đây luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay mà đùm bọc nhau”.
Tuy xa quê nhưng vẫn cảm thấy ấm áp. |
Những năm đầu tiên gây dựng cuộc sống mới tại Christchurch, gia đình cô chú Truyền cũng rất may mắn được cộng đồng dân địa phương nơi đây giúp đỡ. Ánh mắt cô Hà tràn đầy biết ơn khi nhắc về người mẹ nuôi của mình.
Cái thời 1 chai sữa chỉ có 20 cent, mà bà mẹ Kiwi (cách gọi thân mật người New Zealand) ấy đủ tin tưởng để đưa cô chú 2.000 đô la để đi chợ mua đồ sắm sửa cho nhà cửa. “Khoảng thời gian đó, 2000 đô la là rất lớn”.
Cô Hà tâm sự “Thời gian sau, cô chú ráng dành dụm một số tiền để mang đến trả lại bà vì ân nghĩa bà đã chăm sóc cho hai vợ chồng thì bà nói rằng đồng tiền này là tiền của cô chú. Những gì bà đã làm cho vợ chồng, thì hãy làm lại điều tương tự cho người khác”. Cả gia đình cô chú không ngờ sẽ có cơ hội “trả ơn” theo cách mà người mẹ Kiwi mong muốn.
“Tụi nó đối với cô chú cũng như con mình”
Rồi những cô cậu sinh viên ấy dần trưởng thành, có người thì ở lại làm việc, lập gia đình ngay tại Christchurch.
“Ngày một cháu sinh đứa đầu tiên nhờ cô vô bệnh viện chăm sóc, các cháu biết đấy, con gái trong những lúc như vậy rất cần mẹ ở bên cạnh. Tụi nó đối với cô chú cũng như con của mình.
Rồi những đứa con của tụi nó cũng kêu cô chú là ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại… Cô chú hạnh phúc lắm”, hai vợ chồng già nói rồi nhìn nhau cười rạng rỡ.
Ngày hội sinh viên quốc tế của ĐH Lincoln. |
Trong 2 cô gái đến Christchurch theo diện học bổng Chính phủ New Zealand dành cho sinh viên Việt Nam mùa đầu tiên, có một người đã trở thành con dâu của cô chú.
“Hồi đó, 2 bạn gái này đều chưa từng ra nước ngoài nên rất bỡ ngỡ, khóc miết. Chủ nhà homestay của 2 cô gái mới liên lạc cho chú, mong cuối tuần chú dẫn sang nhà để đi chơi, nấu ăn, nói tiếng Việt, tiếp xúc với chú thím cho đỡ nhớ nhà.
Cô chú có một cậu con trai khá bướng bỉnh, không chịu học, chịu nói tiếng Việt. Vậy mà một trong hai bạn gái kia lại là người Huế, nói giọng khá khó nghe.
Thỉnh thoảng khi chú bận, thì cậu con trai lại “bất đắc dĩ” thay ba tới rước cô người Huế này. Thế mà sau đó hai đứa nó thương nhau từ khi nào không hay”, chú Truyền kể lại chuyện tình dễ thương của cậu con trai.
Một cô con dâu Việt không chỉ là món quà duy nhất mà cô chú nhận được từ tấm lòng của mình.
Ngày cô sang Úc thăm cháu nội thì lên cơn tai biến, phải điều trị tại Úc hơn 6 tháng trời. Chú cứ thế đi đi, về về từ New Zealand sang Úc để chăm cô. Các cháu sinh viên lại tự động lại nhà nấu cơm cho chú ăn, thay phiên giữ nhà khi chú không hề mở miệng nhờ vả.
Cô Hà cùng cậu con trai với câu chuyện tình dễ thương. |
Cuộc sống du học sinh khó khăn là thế, vậy mà những cô cậu sinh viên ấy vẫn cố gắng dành dụm chút tiền ủng hộ chú vé máy bay. Có nhóm bạn khi nghe tin cô trở về New Zealand, thì từ Otago đã bay về Christchurch thăm, chỉ để ăn một bữa cơm với cô chú rồi bay về đi học.
Giờ đây, khi con cái của cô chú đã có một cuộc sống riêng, có sự nghiệp ở nước ngoài, chỉ hai ông bà già ở một mình trong căn nhà năm ấy, nhưng họ chưa từng cảm thấy cô đơn. Nhất là những ngày cuối tuần thì luôn thật bận rộn với những đứa con, đứa cháu sinh viên của mình.
“Cô chú có con cái nhưng chúng đều ở xa, nếu cô chú có chuyện gì xảy ra thì chính những đứa con ở Christchurch là đến bên cô chú đầu tiên.
Các con, các cháu cứ nghĩ rằng mình đến để tìm nơi an ủi. Nhưng thực ra chính chúng đem đến cho chú niềm hạnh phúc, được an ủi tuổi già khi mà con cái không ở gần”.
Cứ thế, câu chuyện về gia đình Việt đông con cháu nhất ở Christchurch như một niềm an ủi và hy vọng của sinh viên Việt Nam đến với thành phố Christchurch xinh đẹp.
Tất cả cùng nhau viết tiếp câu chuyện tình người ấy, cùng nhau đùm bọc để giữ lòng người luôn ấm nơi bầu trời gió lạnh xứ Kiwi.