Bên trong bãi rác khổng lồ gây mùi hôi cho khu Nam Sài Gòn
Sau 11 năm hoạt động, bãi rác Đa Phước ngày càng phình to, trở thành một "núi" rác cao 27 m, bên cạnh là những hồ nước thải đen kịt.
|
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh, TP HCM) có diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Năm 2016, người dân gửi đơn kêu cứu nhiều nơi vì mùi hôi phát tán ở khu Nam Sài Gòn. TP HCM sau đó đã có kết luận mùi hôi phát sinh tại bãi rác này. Gần một tháng nay, khi mùa mưa bắt đầu, người dân phía quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh lại đồng loạt "kêu trời" vì bị mùi hôi thối tấn công từ hướng bãi rác. |
|
Khu xử lý chất thải có công suất thiết kế 10.000 tấn rác mỗi ngày đạt tiêu chuẩn quốc tế, do Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư. Đây là khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM. Từ trên cao, nơi đây giống như một mỏ than khổng lồ đang được khai thác. Thực chất đó là lớp bạt phủ màu đen lên phần rác đã xử lý ở các bãi chôn lấp. |
|
Hiện thành phố có 8.900 tấn rác mỗi ngày. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận 5.000 tấn. Bãi này có thiết kế 24 triệu tấn, đã tiếp nhận 13 triệu tấn và núi rác đã cao 27 m. Sau 11 năm hoạt động, bãi rác đang ngày càng phình to, biến thành một "núi" rác khổng lồ trùm kín bạt đen. |
|
Mỗi ngày, hàng nghìn xe chở rác từ nhiều nơi ở TP HCM vào đổ, rời đi liên tục, có nhiều máy móc, công nhân làm việc nhộn nhịp. |
|
Ở khu vực hướng ra Quốc lộ 50 là hai hồ lớn có diện tích hàng nghìn m2 chứa nước thải đen kịt, được đắp bờ bao khá cao. Giữa năm ngoái, VWS bị Tổng cục môi trường xử phạt 1,5 tỉ đồng, yêu cầu chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ nước thải đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2. |
|
Cạnh hồ chứa nước thải là khu xử lý bùn đỏ, phần lớn diện tích khu vực này đang là bãi bùn cát khá khô ráo. Kế đó là nhà xưởng phân loại tái chế rác thải. |
|
Một khu vực khác là các ô lớn có diện tích hàng nghìn mét vuông, là nơi chứa nước rỉ thải. Các ô này đang được thi công đắp bờ kè bằng đất, bên ngoài trải bạt để chứa rác khi những "núi" rác còn lại quá tải. Nhìn từ trên cao, cách bãi rác không xa là những tòa nhà cao tầng của các cư dân đang khổ sở vì mùi hôi. |
|
Theo quy trình, rác đem về đây được xử lý bằng công nghệ Posi-Shell, sử dụng chất phụ gia keo trộn chung với xi măng và bột vôi rồi phun lên bề mặt của rác. Tiếp đó, họ phủ bạt, kéo những tấm bạt lớn trải lên bề mặt rác vừa được san đều và xịt hoá chất. Chủ đầu tư cho rằng, quy trình này có tác dụng giảm bớt tối đa mùi hôi, ngăn nước rỉ rác thẩm thấu vào tầng nước mặt, diệt côn trùng và phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra trong bãi chôn lấp. |
|
Hàng rào thép cao hơn 3 m, che kín bao quanh bãi rác tách biệt với khu dân cư. Nhiều bảng cấm quay phim, chụp hình được treo ở hàng rao và cổng chính dẫn vào bãi rác. Người dân trong khu vực cho biết, mùi hôi thối xuất hiện tùy thời điểm theo hướng gió. |
|
Từ cổng chính có thể thấy "núi rác" cao hàng chục mét với xe cộ đang hoạt động trên đó. |
|
Xe chuyên dụng chở rác thường xuyên ra vào vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước khiến con đường luôn bụi bặm. |
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, dựa vào hệ thống quan trắc, đơn vị đã dự liệu được thời điểm bãi rác Đa Phước sẽ phát tán mùi hôi khi có gió mùa. Do đó, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư triển khai các giải pháp đã làm trước đây, cùng một số yêu cầu bổ sung để giảm mùi. Các đơn vị chức năng sẽ theo dõi, giám sát mùi tại đây 3 lần một ngày. |