Biến “đất lành” thành bãi rác
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều bãi rác thải công nghiệp được chôn trộm ở những vùng đất trống gần các khu công nghiệp, nhà máy.
Bản lĩnh Khe Chàm |
Những bãi chôn trộm rác thải công nghiệp được phát hiện này đều có một lượng lớn rác thải khó phân hủy, được chôn lấp từ nhiều tháng trước nhưng không ai phát hiện.
Bãi rác thải công nghiệp chôn trộm xuống lòng đất được phát hiện ở tỉnh Hải Dương. |
Liên tục phát hiện
Việc phát hiện những bãi rác thải công nghiệp được chôn trộm xuống những vùng đất trống với một lượng rác thải công nghiệp khó phân hủy không còn là điều quá bất ngờ trong những năm qua. Thế nhưng, điều đang nói là những phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng không làm giảm đi tình trạng các công ty, xí nghiệp chôn trộm rác thác. Những tháng gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những bãi rác công nghiệp có khối lượng hàng nghìn tấn rác thải rắn được chôn lấp kéo dài nhiều tháng.
Cụ thể, ngày 14/3/2018, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về Môi trường (Công an tỉnh Lâm Đồng) bắt quả tang Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt (đóng tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chôn trái phép khoảng 40.000 tấn chất thải rắn. Từ việc bắt quả tang một xe ben đổ trộm rác thải, cảnh sát phát hiện Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt đã chôn lấp trái phép khoảng 30.000m3 chất thải rắn, tương đương 40.000 tấn chất thải.
Cũng trong tháng 3/2018, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện một bãi chôn rác thải công nghiệp trái phép rộng hàng chục nghìn m2 tại lò gạch thủ công, bãi bồi ngoài đê sông Thái Bình, thuộc thôn Đại Lã, Nam Sách, Hải Dương, chứa khoảng 10.000 m3 rác thải công nghiệp.
Còn bao nhiêu rác chôn trộm chưa phát hiện?
Những bãi rác thải công nghiệp chôn trộm thời gian qua được phát hiện đa phần đều do người dân báo cho cơ quan chức năng bắt quả tang và xử lý. Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát (nơi phát hiện bãi rác thải công nghiệp ở tỉnh Hải Dương) cho biết, sự việc phát hiện bãi rác thải này được người dân báo chính quyền vào ngày 10/3, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc và tìm ra bãi rác thải lớn như vậy chôn dưới lòng đất.
Cũng từ vụ việc phát hiện 40.000 tấn rác thải công nghiệp được chôn lấp ở tỉnh Lâm Đồng, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về Môi trường tiếp tục điều tra thì phát hiện thêm nhiều vụ chôn rác trái phép khác.
Nếu không có những lần bắt quả tang hay do người dân báo thì những bãi rác công nghiệp đã chôn dưới lòng đất bao giờ mới phát hiện. Còn bao nhiêu bãi rác thải công nghiệp dưới lòng đất mà chưa được phát hiện? Dư luận vẫn còn nhiều nghi ngại vào năng lực của các cơ quan chức năng.
Từng địa phương phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi trả lời chất vấn các ĐBQH. Bộ trưởng Hà thừa nhận, ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông đó là vấn đề nổi lên hiện nay. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất phát các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp; các làng nghề truyền thống… Để giải quyết vấn đề này, cần xác định từng địa phương phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình. Mỗi địa phương phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước, rác thải và có công nghệ thích hợp xử lý phân tán hoặc xử lý chung; cần huy động, thu hút sự giam gia sâu rộng hơn của người dân trong vấn đề giảm thải và xử lý ô nhiễm môi trường. Nếu người dân phân loại rác ngay từ các hộ gia đình thì công tác thu gom, xử lý sẽ dễ dàng hơn, các công nghệ của những quốc gia tiến tiến khi vận hành ở Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao hơn. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải, trong đó đã nói đầy đủ từ quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, đặc biệt là chú trọng đến công nghệ xử lý rác. |