Vén bức màn bí mật lớn nhất trong lịch sử hàng hải Australia
Cuộc tìm kiếm con tàu ngầm nặng 800 tấn chở theo 32 thủy thủ và 3 sĩ quan của Hải quân Australia cuối cùng cũng kết thúc sau 103 năm. Ngày 21-12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne thông báo tìm thấy xác tàu ngầm HMAS AE1 mất tích từ Thế chiến I, nằm tại độ sâu khoảng 300m gần đảo Duke York thuộc quốc đảo Papua New Guinea.
Bức màn bí mật
Như vậy, một trong những bí ẩn lớn nhất của Hải quân Australia cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng. Các tài liệu ghi rằng, HMAS AE1 biến mất ở Rabaul, Papua New Guinea vào tháng 2-1914 khi trên tàu có 35 thành viên thủy thủ đoàn người Australia và Anh, không để lại bất cứ dấu vết nào. Đây là tàu trọng tải 800 tấn và là 1 trong 2 chiếc tàu ngầm lớp E được tạo ra cách đây hơn 1 thế kỷ, con tàu biến mất một cách bí ẩn trong hải trình ngoài khơi Thái Bình Dương trong Thế chiến I, không hề phát ra một tín hiệu kêu cứu nào.
Rất nhiều năm sau đó, số phận của tàu ngầm HMAS AE1 trở thành một trong những câu hỏi tưởng chừng không có lời giải của Hải quân Hoàng gia Australia.
Cho tới tháng 12-2017 vừa qua, con tàu được phát hiện trong vùng nước sâu hơn 300m sau chuyến tìm kiếm lần thứ 13 bắt đầu tuần trước. Chuyến tìm kiếm sử dụng Fugro Equator - con tàu tìm kiếm cũng được Australia dùng để tìm máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia. Sau những nỗ lực, họ thấy đống đổ nát của con tàu nằm ở độ sâu khoảng 300m, theo AFP.
Tàu ngầm HMAS AE1 xuất hiện ngày 9-9-1914 |
“Đây là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lịch sử ngành hàng hải Australia. Sự biến mất bí ẩn của AE1 trong năm 1941 từng là thảm kịch của đất nước”, Bộ trưởng Marise Payne khẳng định.
Đội tìm kiếm do Peter Briggs chỉ huy, sử dụng thiết bị không người lái hoạt động dưới nước để quét các vùng nước, tìm kiếm xác tàu. Hiện, giới chức Australia hy vọng sẽ sớm điều tra được nguyên nhân dẫn tới việc con tàu gặp nạn. Chính phủ Australia cũng nỗ lực liên lạc với người thân của những thủy thủ đoàn đã tử nạn. Australia sẽ phối hợp với cơ quan chức năng Papua New Guinea để làm lễ tưởng niệm ngay tại vị trí xác con tàu đắm.
Tàu ngầm “non trẻ”
Tàu ngầm HMAS AE1 ra mắt tại Barrow in Furness, Anh ngày 22-5-1913 và được gia nhập Hải quân Australia ngày 28-2-1914, dưới sự chỉ huy của Trung úy Thomas Fleming Besant. Đây là con tàu ngầm hai lớp E đầu tiên được chế tạo riêng cho Hải quân Hoàng gia Australia non trẻ, được điều khiển bởi các sĩ quan Hải quân Hoàng gia và đội thủy thủ hỗn hợp rút từ Hải quân Hoàng gia Anh và Austrlia.
AE1 rời bến cảng nước Anh vào tháng 3-1914, di chuyển qua kênh đào Suez và cập cảng Sydney ngày 24-5-1914. Khi Thế chiến I nổ ra, AE1 cùng với chiếc tàu “chị em” của nó là HMAS AE2 và lực lượng Hải quân Australia tham chiến tại Thái Bình Dương.
Trong một cuộc tuần tra ngày 14-9-1914 ở phía đông đảo Duke of York, Papua New Guinea cùng với tàu khu trục HMAS Parramatta, khi tàu Parramatta tiến hành tuần tra độc lập theo hướng nam thì AE1 tiến về hướng đông. Thời tiết khi đó được miêu tả là khá mù mịt và tầm quan sát là 9-10 hải lý. Trước đó khoảng 9 giờ, hai tàu vẫn trao đổi tín hiệu với nhau. Khi thời tiết chuyển biến xấu, Parramatta báo cáo rằng AE1 đang bị che khuất bởi mây mù… Đến 15 giờ 20 phút ngày 14-9-1914, tàu Parramatta báo cáo không nhìn thấy AE1. Parramatta cho rằng, AE1 đã quay trở lại bến cảng mà không thông báo cho Parramatta.
“Sự mất mát của HMAS AE1 với 32 thủy thủ, 3 sĩ quan trở thành thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia Australia”, theo trang navy.gov.au. |
Đến 20 giờ ngày 14-9, tàu AE1 vẫn không quay trở lại, tàu HMAS Parramatta và một tàu tuần dương hạng nhẹ được bố trí đi tìm kiếm tàu này. Song con tàu chở theo 35 thủy thủ mất tăm không một dấu vết, thậm chí không có cả vệt dầu trôi nổi trên mặt nước, như một sự “quỷ quái” nào đó.
Trang web của Hải quân Australia nhận định: “Sự mất mát của HMAS AE1 với 32 thủy thủ, 3 sĩ quan trở thành thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia Australia, đồng thời làm hỏng cuộc hải trình nhằm chiếm các thuộc địa ở New Guinea và Nam Thái Bình Dương của Đức”.
Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đầu tiên được tiến hành vào năm 1976 nhằm xác lập vị trí của con tàu, ngoài ra còn hàng chục cuộc tìm kiếm quy mô khác sau đó, song mãi cho tới năm 2017 thì không một cuộc tìm kiếm nào cho kết quả. Tháng 12-2017, cuộc tìm kiếm sử dụng tàu Fugro Equator đã xác định tàu AE1 ở vào độ sâu khoảng 300m ngoài khơi đảo Duke of York của quốc đảo Papa New Guinea.
Mai Lâm