Tìm giải pháp phòng chống thiên tai
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hằng năm là 20.000 tỉ đồng (chiếm 1-1,5% GDP).
Cảnh báo còn hạn chế
Tại hội thảo “Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” ngày 3-10 tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, những năm gần đây một số thiên tai rất cực đoan. Những thiệt hại do lũ ống, lũ quét trong những năm qua có xu thế ngày càng nghiêm trọng, rất đáng lo ngại.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng các đề án, chương trình nhằm phòng chống thiên tai hiệu quả.
Tính đến tháng 5-2017, đã có 63/63 tỉnh, thành xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là thiếu kinh phí để triển khai đề án tại địa phương và hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng chưa cao.
Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế |
Về công tác cảnh báo, dự báo, các đơn vị dự báo đã tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo đến cấp huyện. Tính đến tháng 9-2017, có 79 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh được xây dựng. Tuy nhiên, độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế, phạm vi rộng. Số lượng các trạm đo chuyên dùng còn rất ít, mật độ thưa.
Đến hết năm 2016, đã xây dựng bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/50.000 cho 14 tỉnh; bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất tỷ lệ 1/50.000 của 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Tuy nhiên, tỷ lệ bản đồ quá nhỏ không thể hiện rõ, chưa cảnh báo được vùng nguy cơ cao khi có tình huống mưa lớn, mới chỉ cảnh báo trên diện rộng.
Dựa vào cộng đồng và người dân
Chia sẻ về vai trò của công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Hirotada Matsuky, Giám đốc Bộ phận quan hệ quốc tế, Phòng Quy hoạch sông ngòi, Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết, ở Nhật Bản, chi phí đầu tư cho phòng ngừa, nghiên cứu và phát triển chiếm tỷ lệ rất lớn trong đầu tư cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai chủ yếu do địa phương thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền quốc gia để phát triển bền vững ở cấp địa phương, quốc gia. Địa phương chịu trách nhiệm chính trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và người dân. Trung ương có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ những giải pháp cũng như những công nghệ hiện đại trong phòng chống thiên tai.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, những đề xuất, các sáng kiến trong phòng chống thiên tai như cách thức cung cấp thông tin, cảnh báo thông tin… cần được thúc đẩy, nhất là vai trò của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý khi điều hành quản lý rủi ro thiên tai, thảm họa.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; trong đó ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỷ lệ chi tiết, xác định được các vị trí tiềm năng xảy ra nguy cơ.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi. Đào tạo và tăng cường nhận thức cho chính quyền các cấp và lấy người dân làm trung tâm…
Để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, việc này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương; cần có cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.
Muốn phòng chống thiên tai hiệu quả, trước hết cần liên tục đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó là tích lũy thông tin về mực nước, công trình đập… trên cơ sở đó vận dụng vào hoạt động cảnh báo sớm. Ngoài ra, giải pháp quan trọng nhất là từng bước nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai. (Ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản) |
Nguyễn Trung