Ngư dân mở đường làm du lịch biển đảo
Ngư dân nhiều tỉnh miền Trung đang tìm một hướng đi mới: Thoát nghèo, làm giàu nhờ phát triển mô hình liên kết làm du lịch biển đảo.
Thu nhập tăng gấp 4-5 lần
Phường Hải Thành (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển. Ngoài việc thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại và khắc phục sự cố môi trường, địa phương đã vận động bà con tìm giải pháp sinh kế ổn định cuộc sống lâu dài.
Ông Phan Văn Hà, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đồng Thành cho biết, lâu nay người dân phường Hải Thành chủ yếu khai thác hải sản vùng ven bờ và dịch vụ du lịch. Sau sự cố môi trường biển, hầu hết người dân lâm vào cảnh lao đao thất nghiệp. Chính vì vậy, ông Hà đã kêu gọi và tập hợp 20 ngư dân thành lập Hợp tác xã Dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đồng Thành.
Theo ông Thành, do ăn nên làm ra, ngày càng có nhiều ngư dân xin tham gia hợp tác xã của mình. “Với mô hình này, những ngư dân quanh năm chỉ biết con cá, con mực, con tôm thì giờ đây đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch lịch thiệp và mến khách” - ông Thành vui vẻ nói.
Ngư dân miền Trung đang chuyển hướng từ đánh bắt hải sản sang mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch |
Anh Trần Ngọc Hà, một thành viên của hợp tác xã chia sẻ: “Mô hình chuyển đổi ngành nghề rất phù hợp với nguồn vốn của gia đình. Mặt khác, công việc cũng bảo đảm đời sống và không còn vất vả như ra khơi”.
Trong khi đó, 2 năm nay, tại bãi ngang Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - nơi có nhiều thắng cảnh đẹp hoang sơ, độc đáo - trở thành những điểm hấp dẫn du khách đến vui chơi, khám phá. Những người phát hiện tiềm năng du lịch nơi đây không ai khác chính là ngư dân Nhơn Lý và chính họ đã tổ chức các tour đưa những đoàn du khách đến nơi này để tham quan theo nhu cầu. Hiện tại, Nhơn Lý có hàng chục hộ mở rộng đầu tư, liên kết với nhau thành những chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ du khách, đem đến thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm.
Không chịu kém cạnh, ngay từ năm 2012, mô hình du lịch homestay do ngư dân xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng thu hút hàng nghìn du khách trong các kỳ nghỉ lễ và vào mùa du lịch biển. Theo vợ chồng anh Nguyễn Tung và chị Nguyễn Thị Hiệp - ngư dân kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tiên tại xã đảo Tân Hiệp - năm 2016, trừ các khoản chi phí, vợ chồng anh thu nhập được 150 triệu đồng. “Do du khách ngày càng đông, thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2017 của nhà mình cũng đã đạt được gần bằng con số trên. Nếu so sánh với thu nhập từ nghề ngư dân thì gấp 4-5 lần, lại không có nhiều rủi ro cả về người và tài sản” - anh Tung nói.
Tránh tự phát, đào tạo bài bản cho ngư dân
Theo UBND xã Tân Hiệp, Cù Lao Chàm có 33 gia đình hoạt động dịch vụ homestay thì Bãi Hương chiếm tới 12 hộ, thôn Cấm và Bãi Làng mỗi nơi 8 hộ, riêng Bãi Ông chỉ có 5 hộ. “Thấy nhiều hộ làm ăn được nhờ dịch vụ du lịch nên nhiều hộ khác cũng đang tiến hành làm theo. Tuy nhiên, tùy từng địa điểm du lịch mà chính quyền sẽ có những tư vấn, khuyến cáo để tránh việc tự phát và làm ăn thua lỗ” - đại diện chính quyền xã Tân Hiệp nói.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết: Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có 50 chiếc tàu (của 30 hộ ngư dân) chuyên chở khách du lịch tham quan các điểm như Kỳ Co, Hòn Sẹo, Bãi Dứa và Eo Gió, tạo đà phát triển cho địa phương theo hướng thương mại, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, ngư dân đầu tư mỗi tàu vài chục đến cả trăm triệu đồng để tổ chức tour đưa khách đi bãi Kỳ Co, Eo Gió và một số đảo tham quan, nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Chính quyền địa phương đã phối hợp với đoàn liên ngành của tỉnh Bình Định về hướng dẫn các thủ tục kinh doanh du lịch cho các hộ ngư dân làm du lịch, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ phục vụ khách du lịch cho ngư dân. Buộc các hộ kinh doanh du lịch phải ký cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông đường thủy trong hoạt động vận chuyển khách du lịch” - ông Dũng cho biết thêm.
An An