Lại phá rừng làm công nghiệp
Cách đây 13 năm, UNESCO đã công nhận “Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng” gồm các vùng đất ngập nước phía nam Duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Thái Bình, sông Hồng và sông Đáy, thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.
Đây cũng là nơi mà một số chim nước di cư, trú đông bị đe dọa trên toàn cầu, được ghi trong danh mục đỏ IUCN trú ngụ như: cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa, quắm đầu đen…
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cũng xác định, vùng đất ngập ven biển Thái Thụy (Thái Bình) là nơi có hệ sinh thái ngập mặn với nhiều giá trị cần được bảo tồn. Khu rừng như bức tường xanh trải dài dọc bờ biển, bảo vệ đê biển và che chắn các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền.
Mới đầu năm nay, nhân Ngày Đất ngập nước thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã về trồng thêm cây rừng cho rừng ngập mặn tại hai xã Thụy Hải, Thụy Xuân.
150 ha rừng ngập mặn sắp bị phá bỏ |
Ấy vậy mà hiện nay, tỉnh Thái Bình đang có dự án phá bỏ 150ha rừng ven biển ở huyện Thái Thụy để làm khu công nghiệp, dịch vụ. Việc làm này vừa tùy tiện phá vỡ khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, vừa gây hại cho đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương.
Dù mới khởi động dự án nhưng người dân sở tại đã phát hiện những sai phạm trong quá trình thẩm định tác động đến môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấy 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xóa bỏ 150ha rừng ngập mặn của UBND tỉnh Thái Bình trình Bộ TN&MT cho thấy, có nhiều số liệu sai lệch, như số hộ nuôi thủy sản có đất bị thu hồi tới 354 hộ nhưng chỉ nêu 80 hộ.
150ha rừng ngập mặn được trồng bằng nguồn vốn dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ và các dự án tài trợ. Sau hơn 30 năm được trồng và chăm sóc, những cánh rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê biển trên địa bàn các xã Thụy Hải, Thụy Xuân đã cao 5-6m. Nếu phá bỏ 150ha rừng ngập mặn, khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh kết hợp triều cường, nước biển sẽ tràn qua đê, xâm nhập nội đồng, tàn phá hệ thống đê biển, các đầm nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, dự án lại chưa nêu cụ thể, chi tiết các tác động xảy ra khi mất rừng.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình được giao làm chủ đầu tư dự án. Ban này đã thuê Trung tâm Quan trắc - Phân tích TN&MT (Sở TN&MT tỉnh Thái Bình) lập số liệu ĐTM. Và bản ĐTM trình lên Bộ TN&MT khẳng định “có khoảng 80 hộ gia đình bị thu hồi đất nuôi thủy sản. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên thu hồi không đạt hiệu quả cao”. Vì vậy, phần kết luận đánh giá: mức tác động là nhỏ.
Ông Bùi Ngọc Hiện, Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân khẳng định: Số liệu chỉ có 80 hộ không chính xác. Ông Nguyễn Dương Luân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cũng nói: “Riêng Thụy Hải đã có 297 hộ nuôi thủy sản rồi”. Như vậy, có tới 354 hộ nuôi thủy sản của 2 xã có đất bị thu hồi. Con số này gấp 4,5 lần so với số liệu ĐTM của dự án.
Tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư nhưng chỉ có 5 người dự, gồm chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, trưởng và phó thôn, những hộ nuôi thủy sản chịu tác động trực tiếp không được mời. Sau đó chưa có cuộc nào tham vấn với các hộ nuôi thủy sản có đất bị thu hồi. Nhưng hồ sơ trình Bộ TN&MT thẩm định ĐTM của dự án lại nêu “kết quả tham vấn cộng đồng tại địa phương trong quá trình thực hiện ĐTM cho thấy người dân nhất trí với chủ trương thực hiện dự án để phát triển công nghiệp dịch vụ”. Đó là sự dối trên, lừa dưới!
Ông Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam khẳng định: “Số liệu sai, kết quả đánh giá tác động cũng sai. Luật quy định phải tham vấn những người chịu tác động trực tiếp. Tôi cảnh báo rừng ngập mặn là một hệ sinh thái cực kỳ nhạy cảm, động vào nó không phải chuyện đùa. Mất nó có thể mất luôn cả tôm”.
Ông Đỗ Trần Chinh - Giám đốc Trung tâm Quan trắc - Phân tích TN&MT lại tiết lộ một thông tin bất ngờ là số liệu trong ĐTM không phải được điều tra thực tế tại địa phương. “Chúng tôi làm ĐTM trên cơ sở số liệu chủ dự án cung cấp. Chúng tôi có đi điều tra những việc đó đâu” - ông Chinh nói. Còn ông Đặng Văn Thái - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình (chủ đầu tư dự án) cũng thừa nhận là ông đã chỉ đạo kiểm tra lại và thấy số liệu chỉ có 80 hộ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng là sai.
Những cái sai chồng chất, trong đó phá rừng để làm công nghiệp và dịch vụ là không thể chấp nhận. Người dân Thái Thụy mong mỏi cấp có thẩm quyền sớm xóa bỏ dự án này khi nó còn trong quá trình thẩm định.
Hoài Anh