Đánh thức khả năng của trẻ tự kỷ
Các chuyên gia khẳng định, để trẻ tự kỷ không trở thành gánh nặng với gia đình thì cần phải hướng nghiệp cho các em ngay từ giai đoạn điều trị.
Tình yêu thương - liệu pháp chữa trị cho trẻ tự kỷ |
Mở rộng vòng tay với trẻ tự kỷ |
Điều trị và phát hiện
Chăm sóc trẻ mắc hội chứng tự kỷ là công việc vô cùng khó khăn, vất vả. Với những người tự kỷ trưởng thành, để có được một công việc thích hợp là chuyện không hề dễ dàng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, người mắc chứng tự kỷ sẽ không còn là gánh nặng với gia đình khi được phát hiện các điểm mạnh. Tuy nhiên, để có thể khai thác và biến những khả năng đó thành tài năng thì cần phải áp dụng những phương pháp đặc thù.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt. |
“Một trong những phương pháp hiệu quả để phát triển tài năng của người mắc chứng tự kỷ là kích hoạt ngược” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt nói.
Theo phân tích của Giám đốc Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, phương pháp này về cơ bản là dùng hành động để chuẩn hóa hệ thần kinh vận động rồi dần dần giúp người tự kỷ phát triển tư duy và cảm xúc. Đánh thức hệ thần kinh bằng cách đan xen một cách hài hòa các hình thức vận động như: tung bóng, đội chai trên đầu, giữ thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp một bánh...
“Các hoạt động này đòi hỏi phải nhẫn nại và được kèm cặp thường xuyên, liên tục. Bởi vì người bình thường làm đã khó, người tự kỷ tăng động, giảm tập trung càng khó hơn. Lúc đầu phải tập đơn lẻ từng loại bài tập và bắt đầu từ đơn giản đến khó hơn và sau đó là bài tập phức hợp ghép 3 trong 1 (đội chai, tung bóng trên con lăn hoặc xe đạp 1 bánh)” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quốc Việt, với các trẻ mắc chứng tự kỷ, ngoài việc nuôi dạy trẻ trong môi trường yêu thương thì việc kết hợp các biện pháp khoa học. Đây chính là liệu pháp hiệu quả giúp trẻ mở lòng và tự tin thể hiện sở trường của bản thân.
Ở góc độ là người trực tiếp quan sát, trợ giúp người tự kỷ phát triển các kỹ năng, anh Vũ Văn Chức - Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, đồng thời là chủ nhiệm lớp kiêm người trực tiếp quan sát, hướng dẫn hoạt động rèn luyện người tự kỷ chia sẻ: "Người tự kỷ thường thích ngồi một mình, việc kèm cặp giúp họ hòa nhập cộng đồng, đưa họ đi biểu diễn, đi chơi tại nhiều nơi đông người giúp chúng quan sát, nhìn nhận về cuộc sống xung quanh. Mỗi người tự kỷ cần có một “bố” và một “mẹ” để được yêu thương và huấn luyện. Đã có rất nhiều người tự kỷ trong quá trình hòa nhập với cuộc sống được đánh thức khả năng riêng của mình.
“Dù chậm về trí tuệ, nhưng rất nhiều người tự kỷ lại nhanh nhẹn về chân tay và phù hợp với các môn nghệ thuật như: đàn, hát, hội họa, biểu diễn xiếc... Cũng có nhiều trường hợp tự kỷ còn rụt rè, khá kiệm lời nhưng có khả năng nhớ rất nhanh, thích tiếp xúc với ngoại ngữ... Điều này sẽ trở thành ưu điểm nổi trội, Trung tâm sẽ hướng vào đào tạo kiến thức để trở thành những chuyên gia tâm lý, chuyên viên giảng dạy, bởi những cá nhân kiệm lời thì rất giàu về đời sống tình cảm” - anh Vũ Văn Chức tiết lộ.
Kết quả bất ngờ...
Đến nay, việc dạy trẻ tự kỷ đã được hoàn thiện rất nhiều và có những kết quả đáng kinh ngạc. Khác với suy nghĩ của nhiều người về hình ảnh rụt rè, sợ sệt, thiếu nhanh nhẹn của trẻ mắc hội chứng tự kỷ thì nhiều em đã phát triển được những sở trường đặc biệt của bản thân.
Nói theo cách của Tiến sĩ Phan Quốc Việt thì: “Nó vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Chính tôi cũng không thể ngờ, một đứa trẻ ban đầu không kiểm soát được hành vi, thường xuyên la hét, cướp đồ ăn... lại có thể nhận thức về cuộc sống, tương lai có thể trở thành diễn viên xiếc, trợ giảng, diễn giả tại chính cơ sở nơi các em đã từng rèn luyện và học tập”.
Em Nguyễn Khôi Nguyên. |
Chứng minh về điều này, Tiến sĩ Phan Quốc Việt dẫn chúng tôi đến gặp trường hợp Nguyễn Khôi Nguyên (16 tuổi). Trước khi được gia đình gửi gắm đến Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, Nguyên bị tự kỷ dạng “tăng động giảm tập trung”, chỉ biết giằng giật đồ chơi, thức ăn của những trẻ xung quanh... Tuy nhiên, sau 2 năm được đào tạo bài bản theo các phương pháp của Trung tâm, cộng với sự nỗ lực của bản thân và tâm huyết của các thầy cô, Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc. Nguyên có thể ngồi ăn một cách lịch sự, biết nói cảm ơn, xin lỗi, biết phân biệt sáng - tối...
Đặc biệt hơn, Nguyên có năng khiếu về xiếc và có thể vừa đội chai vừa tung hứng 8 bóng đứng trên 3 con lăn hoặc đi trên xe đạp một bánh.
“Dự kiến, cuối tháng 4, Nguyên sẽ đại diện cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Phát triển Con người Tâm Việt tham dự Hội thảo khoa học quốc tế tại Thái Lan về các thành tích khoa học. Sau khi trở về nước, Trung tâm sẽ định hướng cho em học tiếng Anh và trở thành một diễn giả không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nhu cầu đặc biệt và tạo động lực cho giới trẻ” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt nói.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2016, nước ta có khoảng 200.000 người bị mắc hội chứng tự kỷ. Đáng chú ý là số lượng trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng này ngày càng tăng tính từ năm 2000 trở lại đây. |
Nguyễn Bình - Mỹ Hạnh