Điều chưa biết về bài thơ “Em ơi, Hà Nội Phố”
Một điều ít ai biết là ca khúc nổi tiếng “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc không phải chỉ từ một bài thơ có 21 câu mà chính xác là một trường ca trữ tình dài 443 câu, chia thành 24 đoạn…!
Phần đông công chúng biết đến ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Nhưng ít ai biết nguồn cơn của bài hát đi cùng năm tháng này lại là một trường ca trữ tình mang đầy tâm sự về Hà Nội. Nhà thơ Phan Vũ viết “Em ơi, Hà Nội phố” trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, quận Ba Đình rất gần nhà máy điện Yên Phụ, mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom bão đạn năm 1972.
Nhà thơ Phan Vũ vốn là bạn bè than thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên ông hay đi cùng họa sĩ Phái. Họa sĩ Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố.
Ông kể: “Trong một đêm lang thang giữa những góc phố vắng tanh, hiu quạnh gần Nhà máy điện Yên Phụ, cảm xúc mong nhớ Hà Nội bình yên đã thôi thúc tôi viết những dòng thơ này. Cảm xúc chi tiết trong thơ đều xuất phát từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa đông Hà Nội…”.
Nhà thơ Phan Vũ |
Đỉnh điểm nhất là khi nhà thơ bắt gặp khoảnh khắc những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B52 vào tấn công thành phố. Nhà thơ đã vội vàng ghi lại theo sự tình cờ, không xếp đặt. Sau đó, “Em ơi, Hà Nội Phố” đã được chỉnh sửa nhiều lần bởi những cảm xúc bất chợt như thế.
Nhà thơ Phan Vũ nhớ lại, trong một quá trình dài gần nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần bởi những lần chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy hình dáng thân thương thì tôi lại muốn thêm vào đó…”.
Để rồi đúng như nhà thơ đã từng nhận xét: Mỗi đoạn của “Em ơi, Hà Nội Phố” là một gam màu, một mảnh ghép, khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12 năm 1972 với những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu”.
Thế nhưng, “Em ơi, Hà Nội Phố” chỉ thực sự được đông đảo công chúng biết đến qua ca khúc “Em ơi, Hà Nội Phố” mà nhạc sĩ Phú Quang đã gửi lòng mình vào từng nét ca từ.
Trong những ngày tháng 3 này, nhớ về 45 năm trước, nhạc sĩ Phú Quang đã không khỏi bồi hồi. Ông kể đó là những năm 80 của thế kỷ trước, vào một buổi chiều tôi, Trần Tiến và anh Phan Vũ gặp nhau. Anh Vũ đọc chúng tôi nghe “Em ơi! Hà Nội phố”, tự nhiên thấy xúc động quá. Tôi nói rằng: Anh viết cho anh. Nhưng nghe anh đọc, em cứ nghĩ em viết cho em. Em sẽ có một bài hát từ bài thơ này”. Anh Phan Vũ hỏi tôi đã có nốt nào chưa?. Tôi trả lời vẫn chưa có nhưng em linh cảm sẽ có một bài hát. Mà em dám chắc với anh là bài hát sẽ hay.
2 ngày sau đó, bài hát “Em ơi! Hà Nội phố”, thơ Phan Vũ ra đời.
"Em ơi, Hà Nội Phố" trong bức họa của chính nhà thơ Phan Vũ |
Theo nhạc sĩ Phú Quang thì: “Lúc mới ra đời, ca khúc ngoài những ý kiến yêu thích, cũng có những ý kiến trái chiều nữa. Đôi lúc, con người ta không biết yêu những điều nhỏ bé. Phải yêu thứ gì lớn lao hơn cơ. Tôi nghĩ rằng, không yêu những điều nhỏ bé, sao yêu được những điều lớn lao?”.
Đến bây giờ, trong gia tài của mình dù có đến hơn 500 ca khúc, nhưng khi nhắc đến “Em ơi, Hà Nội phố” nhạc sĩ Phú Quang thừa nhận: “Em ơi! Hà Nội phố” là ca khúc nổi tiếng đầu tiên của tôi, là ca khúc đầu tiên mà mọi người biết đến cái tên Phú Quang.
Còn về phần trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” sau mấy chục năm vắng bóng lưu lạc với nhiều dị bản, thì ngày 4/3 công chúng sẽ được thưởng thức trọn vẹn trường ca với nhà thơ Phan Vũ lúc 19h, tại Petite Note Coffee, số 351/4 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM.
Huyền Anh