Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ V)
(PetroTimes) - Quá mê mẩn trước sắc đẹp của Mỹ Hoa nọ, Bạch Hải Đường đã phạm phải sơ suất không thể sửa chữa.
Nhận được điện thoại báo, Triệu sung sướng đến nghẹt thở. Hắn ra lệnh báo động toàn bộ các trạm gác, bắt giữ tất cả những ai mặc đồ ký giả, nếu bỏ chạy cho phép bắn chết, còn đích thân Triệu chỉ huy ba mươi cảnh sát dã chiến trang bị cả súng bắn thuốc mê và trung liên cùng năm con chó đến khách sạn.
Quá mê mẩn trước sắc đẹp của Mỹ Hoa nọ, Bạch Hải Đường đã phạm phải sơ suất không thể sửa chữa, Đường không báo cho Tư Đen biết phòng sẽ thuê, vì thế khi cảnh sát ập đến thì Tư Đen lặng lẽ chuồn ngay. Ra khỏi vùng nguy hiểm. Tư Đen chĩa súng về phía khách sạn bắn hết bảy viên để báo động cho Đường. Đang đắm đuối với Mỹ Hoa, Bạch Hải Đường nghe tiếng súng, hắn vội mở cửa ngó xuống thì thấy cảnh sát đứng đầy dưới sân, mặt trước khách sạn bị vây kín. Đường chạy ra cửa sổ thấy dưới đó có những đống cát lớn, vòng quanh là bức tường thấp khoảng 2 mét, nếu vượt qua được thì coi như thoát.
Bọn Triệu chỉ chú ý canh chừng phía trước, vả lại Triệu hoàn toàn nghĩ rằng, Đường không thể nào chạy thoát khỏi khách sạn, trừ phi hắn biến thành chim, không chờ đợi đủ 10 phút, Triệu xua lính dắt chó xông lên lầu. Tuy nhiên, để đề phòng Đường bám ống máng tụt xuống phía sau khách sạn. Triệu cho hai tên đứng phục sẵn. Tình thế nguy cấp vậy mà Đường vẫn còn cố ôm hôn người đẹp.
- Tạm biệt em nghen, cảnh sát đến bắt anh đó. Anh là Bạch Hải Đường.
Dứt lời, Đường bế Xuân bỏ vô phòng toalét, khóa cửa lại rồi chạy lên tầng thượng. Ý định của Đường là quyết ăn thua với cảnh sát phen này. Hai khẩu súng ngắn với hai mươi viên đạn, đủ cho Đường cầm cự và Đường tin chắc, nếu Đường nổ súng, thế nào Tư Đen cũng “chia lửa”.
Khách sạn Thái Bình có bốn tầng lầu, nếu kể cả tầng trệt là năm. Đứng trên đó nhìn được khắp thị xã Long Xuyên. Đường kéo cửa chặn lối đi lên tầng thượng. Từ trên cao Đường thấy rõ Đại úy Triệu đang đứng trên chiếc xe Zeép có gắn loa, cầm máy bộ đàm chỉ huy lính. Trút tất cả căm hờn vào nòng súng, Đường nhằm Triệu nghiến răng bóp cò. Phát đạn đi không theo ý muốn. Viên đạn bắn thủng kính chắn gió, găm vào đùi Triệu. Lập tức các cỡ súng quét lên tầng thượng rèn rẹt. Đường không kịp bắn tiếp vì đã có tiếng phá cửa sắt, hắn nã liền mấy phát súng vào cửa, rồi chạy lại phía góc sân, ở đó có sẵn hàng chậu trồng các loại cây cảnh và những chiếc ô lớn để che nắng cho cây. Ngó xuống sân sau, thấy hai tên lính đang đứng, Đường tặc lưỡi rồi nhổ chiếc ô làm dù nhảy xuống.
Hai gã cảnh sát tưởng như ngủ mê khi thấy từ trên lầu 4 một người đang rơi từ từ xuống bằng chiếc ô. Bằng sự tính toán hết sức chính xác, khi còn cách mặt đất chừng năm mét, Đường bỏ ô rơi đúng vào đống cát. Ngay khi còn nằm trên đống cát, Đường đã nổ súng. Gã cảnh sát đứng gần nhất bị vỡ mặt chết luôn. Lăn một vòng tránh đạn của gã thứ hai, Đường bóp cò, viên đạn găm trúng tay cầm súng của hắn, Đường đứng dậy chỉ có cảm giác hơi nhức ở đầu gối, nhưng không hề gì. Chỉ vài bước chân, Đường đã đến được bức tường. Nhanh như vượn, Đường nhảy lên vắt người qua lớp mảnh chai cắm chi chít… gã cảnh sát bị đạn bắn trúng cổ tay chỉ kịp nhìn thấy một màu xám bạc bay qua tường, gã đứng ngây người ra quên hết cả vết thương đang tuôn máu…
Nhìn cây ô lớn nằm chỏng chơ và tên cảnh sát bị đạn bắn giữa mặt… Xuân chợt thấy nhẹ người. Lúc này cô mới lờ mờ hiểu rằng, có một tình cảm nào đó của cô với tên tướng cướp nổi danh đang xảy ra. Nếu bữa nay, Đường bị bắt hay bị bắn chết, cô sẽ ân hận mãi.
Đêm hôm đó, Xuân không sao chợp mắt được. Cô cứ nằm mân mê chiếc nhẫn mà mơ tưởng tới một người con trai tuy cô mới được gặp có ít phút mà đã chinh phục trái tim của cô bằng hành động hào hiệp, quả cảm và mọi việc xảy ra như một cuốn phim chưởng nào đó.
Một ngày sau, khi dư âm về vụ Bạch Hải Đường nhảy từ lầu 4 khách sạn Thái Bình xuống vẫn còn lan truyền ở thị xã Long Xuyên và Xuân chưa kịp về Cần Thơ thì Bạch Hải Đường lại đến khách sạn đúng lúc Xuân đang trang điểm để chuẩn bị đi.
- Chào cô Mỹ Hoa! – Giọng nói quen quen vang lên sau lưng cô. Xuân quay lại, cô há miệng định kêu nhưng Bạch Hải Đường đưa tay lên miệng cười hiền lành:
- Bữa đó tiếc quá, chưa được tâm sự nhiều với cô. Mời cô ra xe, khách sạn này không phải là tổ ấm của tôi nữa rồi.
Không kịp phản ứng trước đề nghị đột ngột của Đường, cô vội vã ra đi cùng với Đường trước bao cặp mắt ngạc nhiên và không ai để ý tới lão chủ tiệm đang quay điện thoại báo cảnh sát.
Đêm hôm đó, lần đầu tiên Xuân ngủ với một tên tướng cướp chính cống trên chiếc tàu đậu giữa sông Tiền…”.
Hiếu ngừng lời và chợt cảm thấy mình đã nói quá những điều hiểu biết về Bạch Hải Đường, anh ta ngượng nghịu:
- Xin các anh cảm phiền, dăm câu chuyện ba láp đó chắc không giúp gì được cho các anh.
Sơn lắc đầu:
- Không, có ích cả đấy, chúng tôi cần phải hiểu rõ con người hắn. Sau ngày giải phóng, Đường ở đâu? – Sơn hỏi.
Hiếu khẽ thở dài:
- Trước khi tôi được gọi tập trung học tập, Đường có đến thăm và đưa cho vợ tôi năm cây vàng rồi bỏ đi đâu mất. Tôi cứ nghĩ chú ấy đã qua Thái Lan hoặc Malaysia. Không dè…?”.
***
Đêm đã khuya lắm rồi mà Thiếu tá Năm Sang vẫn không sao ngủ được, hai mí mắt nặng trĩu cứ sập xuống, nhức nhối, nhưng đầu óc lại tỉnh rụi. Có lẽ trời sắp sáng, thỉnh thoảng có tiếng rú ga gấp gáp của những chiếc xe Honda lôi vượt cầu Hoàng Diệu đi ra bến đò và những tiếng máy đuôi tôm từ dưới kênh Long Xuyên vọng lên.
Anh nhẹ nhàng ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài ban công. Trời sáng bạc. Ngôi sao Hôm đỏ đục như mắt người mất ngủ đang nhạt dần. Có tiếng súng nổ từ xa vọng về. Năm Sang chợt đưa tay lên ôm ngực, anh thấy nhói lên tưởng như viên đạn từ tiếng nổ đó bắn vào. Lại tên nào vậy… Sang “búa” hay Thạch “râu”; Lâm “trọc” hay Bạch Hải Đường? Trước mặt anh như hiện lên tên khổ người cao lớn và bộ mặt rỗ chằng chịt của tên tướng cướp Tư “rỗ”, thủ lãnh băng cướp “Lá bùa đen”. Rồi hình ảnh Bảy Khê, thủ lãnh băng cướp “Rồng lửa”, hai tay hai súng “côn rulô” bắn trúng từng quả xoài trên cây, bắn thủng từng lon bia do bọn đàn em tung lên trời; rồi Thạch “râu” thủ lãnh băng cướp “Nhạn trắng”, bắt các cô gái ngồi vào chậu, chúng đổ bia chai vào cho tắm và cả bọn múc bia nhậu nhẹt… Nhưng đọng lại vẫn là tên tướng cướp Bạch Hải Đường “Tên tướng cướp trí thức”, “Tên cướp huyền thoại”, “Tên cướp số một”, “Tên cướp của thế kỷ XX” – Đủ các danh hiệu mà bọn lưu manh du đãng đặt cho hắn. Bữa trước, khi tổ chức tang lễ cho đồng chí Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế – Công an Tân Phước bị hy sinh trong khi vây bắt bọn cướp. Năm Sang đã dẫn hầu hết số trinh sát của đội trọng án và thường án xuống viếng. Trước vong linh người đã khuất, anh đã thề sẽ cùng đồng đội dẹp hết các băng cướp ở đất Long Xuyên, đem lại sự bình an cho dân. Đưa đám xong, một ông già đến gặp Năm Sang, ông hất hàm:
- Nè, mày còn nhớ tao không?
Năm Sang ngẩn người ra một lúc lâu mà vẫn không nhớ nổi:
- Đó, thấy chưa – Ông cười – Tụi bay thành quan cách mạng hết rồi. Nè, hồi bảy hai, ai đưa chú mày vượt sông Hậu?…
- Trời, chú Bảy – Năm Sang thốt lên, anh ôm lấy ông già hồi trước vẫn đóng xuồng ba lá đưa anh đi công tác.
- Chú tha lỗi cho con…
- Nói vậy thôi, chớ tao biết tụi bay bận việc. Nè, tao hỏi thiệt – Ông nhìn thẳng vào Năm Sang, ánh mắt giận dữ – Tụi bay có thương bà con không hả?
- Dạ, thưa chú Bảy, tụi con làm điều chi sai, chú Bảy cứ dạy.
Ờ, ngày xưa, bà con, cô bác đùm bọc cho tụi bay để tụi bay đánh Mỹ ngụy. Đất nước thống nhất rồi, sao tụi bay để ba cái thằng cướp nó hoành hành dữ quá. Ban đêm dân không dám ra đường, đàn bà con gái không dám mặc cái áo đẹp. Mà nói chi dân, đến công an tụi bay còn bị cướp đánh chạy tứ tán. Bữa qua ở thị trấn, hai công an tụi bay, thấy cướp giật đồng hồ chạy, không dám hó hé… Năm Sang, lá gan của mày bé bằng lá đa quá. Khi cướp đến thì chả thấy công an đâu, khi cướp đi thì cảnh sát mũ mãng nghiêm chỉnh, kéo nhau vô quán…
- Thưa chú, tụi con đâu có dám biếng nhác, ngơi nghỉ một ngày, một giờ. Ngặt vì dẹp không xuể. Ngày xưa chú còn lạ gì đất An Giang này. Tụi con đánh cũng hết mình lắm chớ.
Năm Sang kéo Sơn, Kha, Quân, Minh và một số anh em lại gần:
- Chú coi, chúng nó sức vóc thế này, tuổi mới 19, 20 mà đây nè. Thằng Sơn đây, bắt Tư “rỗ”, bắt Bảy Khê, thằng Quân đây đánh gục Sáu “đầu bò”, thằng Kha đây bắt sống Lãng “xì ke”… Giờ chỉ còn Bạch Hải Đường… Dạ, thế nào tụi con cũng nắm đầu nó đưa về cho chú và bà con coi đó.
Ông Bảy tươi nét mặt:
- Thôi, đừng giận qua nghe, bực quá, nói xằng dăm câu. Nè, Năm Sang đây biết qua là người thế nào, chớ các chú thì chưa biết. Trong đám bay, thằng nào giỏi võ, thử với qua một chút coi.
Ông quay qua Năm Sang:
- Hay bữa nào tao về chỗ mày, có ít miếng võ ông cha để lại phòng thân, tao truyền cho tụi bay.
- Dạ, thưa chú Bảy, nếu chú ưng, ngày mai con sẽ cho anh em đến học.
Thấy Năm Sang và anh em cảnh sát hình sự nói chuyện với ông Bảy, bà con Tân Phước xúm đến. Thôi thì đủ các thứ đề nghị, yêu cầu, thậm chí có người còn kêu: “Nói ông Mười Việt đuổi Trưởng Công an huyện về nuôi heo”.
Nhớ lại buổi đó, Năm Sang thấy ấm lòng, và anh nhớ tới lời Bác Hồ: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Quả thật, không có bà con, cô bác giúp một tay thì ba mươi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự chớ đến ba trăm người cũng chưa chắc làm được trò trống gì. Ôi, cái khó của thời bình cũng phức tạp lắm, dù nó không phải suốt ngày đêm chui trong hang núi, bom đạn địch đánh đất đá tơi như bột, đêm chịu đói băng đồng lội rạch đi móc nối cơ sở. Cái khó bây giờ nói chung cũng ly kỳ, không kém gì khi đối mặt với kẻ thù.
Năm Sang quay trở vào nhà, anh bật đèn rồi mở tủ lấy ra tập hồ sơ về Bạch Hải Đường từ thời ngụy để lại. Nhìn tấm hình Bạch Hải Đường đầu cắt cua, hai con mắt tròn thô lố mở to như thách thức và khắp người xăm chằng chịt đủ thứ, chữ nghĩa và hình chim cò, rồng rắn. Năm Sang thấy ghê ghê. Quả là chỉ có chế độ như chế độ cũ mới sản sinh ra được những loại người thú quái đản này. Hừ, nếu chế độ cũ đẻ ra tướng cướp Bạch Hải Đường, Tư “rỗ”, Bảy Khê… thì cách mạng đã có những con người như Phạm Thanh Sơn, Bùi Hữu Kha, Võ Thái Quân, Hoàng Minh, Trường Thanh… và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác của Phòng Cảnh sát hình sự, để chấm dứt sự tồn tại của chúng.
Hồ sơ về Bạch Hải Đường do cảnh sát chế độ cũ để lại không nhiều, nhưng nếu đọc hết thì cũng thấy khá rõ được sự thực của hắn.
Bạch Hải Đường sinh tháng 6-1950 và có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Truyện , tuổi Canh Dần và là con cả. Dưới Truyện còn có 4 cô em gái nữa. Tuổi thơ của Bạch Hải Đường là cả một chuỗi ngày vất vả. Mới chỉ 6 tuổi, Bạch Hải Đường đã phải kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng cách đi nhặt vỏ chai, lon bia… Và có thể nói, cuộc sống giang hồ bắt đầu đối với hắn là ngay từ tuổi ấu thơ. 13 tuổi, Bạch Hải Đường đã phải đi làm phụ giúp cho lơ xe chính trên các chuyến xe đò của Hãng Tam Hữu chạy từ Long Xuyên về Sài Gòn… Chính do cuộc sống lang thang và đụng chạm với đủ loại người thuộc tầng lớp đáy của xã hội, đặc biệt là cám băng nhóm trộm cắp, cướp giật, cho nên Bạch Hải Đường sớm trở thành kẻ mưu mẹo, lì lợm, lạnh lùng, và không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm được miếng ăn. Ngoài học võ Thiếu Lâm của ông Sáu Giảng, Bạch Hải Đường còn học võ ở nhiều lò khác thuộc các tỉnh miền Tây. Khi lâm trận, Bạch Hải Đường không múa may hoa mỹ mà thường dùng các ngón đòn độc để hạ đo ván đối thủ.
Năm 19 tuổi, Bạch Hải Đường đã lấy vợ. Người vợ đầu tiên của Đường tên là Hồ Thị Lãnh và sau đó theo vợ về sống tại Thốt Nốt (Cần Thơ). Tại đây, Bạch Hải Đường làm nghề chạy xe lôi và thi thoảng lại phải trốn chui, trốn lủi để tránh bắt quân dịch. Hai đứa con trai lần lượt ra đời chỉ trong 2 năm và những năm tháng vất vả kiếm sống nuôi con này của Bạch Hải Đường lại là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời, bởi hắn sống bằng chính mồ hôi của mình.
Khoảng đầu năm 1970, Bạch Hải Đường lại đưa vợ con về Long Xuyên và vẫn hành nghề chạy xe lôi. Nhưng cũng từ ngày về Long Xuyên, Bạch Hải Đường đã gặp một số đại ca có máu mặt tại đây như Nguyễn Văn Năng, Tư Đen… Cả bọn kết thân với nhau và chúng tôn Bạch Hải Đường lên làm thủ lĩnh… Và ngay sau đó, nhóm này đã gây ra hàng chục vụ trộm cướp ở Long Xuyên. Chúng đột nhập vào nhà những nhân vật tai to mặt lớn trong chính quyền, những đại gia, rồi cả nhà của cảnh sát, sĩ quan quân đội, dân biểu hạ viện, rồi đột nhập cả kho xăng, căn cứ quân sự… Chúng lấy từ tivi, tủ lạnh, xe máy, tiền bạc, tư trang, cho tới cả những chiếc máy xay sinh tố… Nghĩa là chúng lấy tất cả những gì có thể mang đi được, và bán được. Có thời gian như tháng 5-1971, Bạch Hải Đường và đồng bọn lấy được 20 chiếc xe máy. Tháng 6-1971, một tên trong nhóm bị bắt, Đường phải ẩn náu một thời gian ngắn, rồi tiếp tục hành nghề. Bạch Hải Đường đã thực hiện nhiều vụ trộm nổi tiếng và mang tính chất “trêu ngươi” chính quyền và cảnh sát. Đó là vụ đột nhập nhà Lê Phước Sang, dân biểu hạ viện Sài Gòn; nhà Nguyễn Văn Triệu, Phó chỉ huy Cảnh sát thị xã Long Xuyên… Trong quãng thời gian tung hoành ở An Giang, Bạch Hải Đường gặp một người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Lệ và yêu nhau say đắm. Từ khi gặp Lệ, Bạch Hải Đường quên phắt người vợ cũ và lao vào cuộc tình mới như thiêu thân say ánh đèn. Lệ quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Khoảng năm 1972, Lệ lúc đó mới 21 tuổi và là cô gái rất đẹp. Lệ và Đường yêu nhau theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Hai người có với nhau một đứa con trai và đặt tên là Trò. Lệ yêu Bạch Hải Đường mãnh liệt và rất thương Bạch Hải Đường, nhưng lại là cô gái có máu ghen khủng khiếp. Chính vì máu “Hoạn Thư” này mà Lệ đã lấy trộm một khẩu súng của Đường rồi đem tố cáo với Đại úy Cảnh sát Nguyễn Văn Triệu, để Triệu tổ chức vây bắt Đường. Sau cái lần phản bội đó, cuộc tình của hai người chấm dứt.
Anh lật giở từng trang bản khai của Bạch Hải Đường khi bị cảnh sát ngụy bắt trước đây. Bản khai các vụ cướp của Bạch Hải Đường rất ngắn gọn – Năm Sang thầm nghĩ – Tên hỏi cung này chắc hài lòng, vì có một đối tượng “ngoan” thế này:
- Hỏi: Anh có cướp nhà ông Trần Sơn, là dân biểu ở Cần Thơ không?
“Trả lời: Có
“Hỏi: Anh lấy đi bốn mươi lượng vàng?
“Trả lời: Đúng
“Hỏi: Số vàng đó để ở đâu?
“Trả lời: Xài hết rồi…”.
Khủng khiếp thiệt – Năm Sang lẩm bẩm – Hắn cướp ngót một ngàn xe Honda, hàng trăm lượng vàng… vậy tiền vàng hắn để đâu cho hết.
Mà theo anh biết, Bạch Hải Đường hầu như không bao giờ ném tiền vào các cuộc nhậu nhẹt, chơi bời. Trên đời, gái là thú vui duy nhất của hắn, và nếu là loại “bóc bánh trả tiền” cũng chỉ được hắn trả cao lắm 5 chỉ vàng cho một ngày đêm.
Gập lại tập hồ sơ về Bạch Hải Đường, Thiếu tá Năm Sang bỗng nhớ tới một người, đó là Thượng úy Phạm Thanh Sơn, Đội trưởng Đội Trọng án. Ông tự hỏi mình, không biết giờ này Sơn đang ở đâu? Nghĩ đến Phạm Thanh Sơn, trong ông bỗng dấy lên một cảm xúc khó tả… Đó là sự lo lắng, thương yêu và xen lẫn chút cảm phục.
(Xem tiếp kỳ sau)
N.N.P