Giảm lãi suất: Từ kỳ vọng đến thực tế
Liên tiếp tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ những tháng gần đây, định hướng giảm dần mặt bằng lãi suất được đặt ra. Tính hiện thực của nó đang định hình, nhưng để rõ nét hơn cần những điều chỉnh trong cơ chế điều hành.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 30% số doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, mà nguyên do chính là lãi suất vay vốn quá cao. Con số này được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra mới đây là dẫn chứng điển hình cho khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm nay. Để tháo gỡ nút thắt giảm lãi suất đang được đặt ra và bắt đầu có những chuyển động mới trên thực tế.
Điểm hẹn tháng 9
Ngày 3/8, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bắt đầu tiếp nhận nhiệm vụ mới, đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Thông điệp đầu tiên được ông đưa ra là một điểm hẹn: “Sẽ kéo lãi suất cho vay xuống 17-19% trong tháng 9”. Và ngay trong tháng 8 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để thực hiện định hướng đó.
Trên thực tế, những ngày gần đây thị trường đã bắt đầu đón nhận việc điều chỉnh lãi suất cho vay từ một số ngân hàng thương mại. Đơn cử như các gói tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Phát triển Nhà TP HCM (HDBank)… Việc điều chỉnh này được giải thích là từng bước giảm dần lãi suất có chọn lọc ở một số nhóm đối tượng, khi chưa có điều kiện để có thể mở rộng.
Điều kiện cụ thể nhất với các ngân hàng thương mại là chi phí đầu vào. Từ quý II/2011 đến nay, thị trường ghi nhận lãi suất huy động đầu vào ở mức cao. Quy định trần lãi suất 14%/năm, nhưng thực tế nhiều trường hợp phải đàm phán với người gửi tiền với mức từ 17%/năm đến trên 18%/năm – điều này cũng đã được các cơ quan chức năng thừa nhận ở tình trạng lãi suất vượt trần.
Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, lãi suất huy động VND đã bắt đầu giảm nhẹ. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 7 lãi suất huy động VND đã giảm từ 0,5-0,8%/năm so với cuối tháng 6/2011. Tìm hiểu trên thực tế, tình trạng lãi suất huy động vượt trần cũng đã có dấu hiệu dịu bớt, khi các mức “đàm phán” chỉ còn trên dưới 17%/năm…
Phía sau những chuyển động trên cho thấy, cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng vẫn quyết liệt nhưng không còn quá căng thẳng như trong quý II vừa qua. Lượng tiền gửi VND tiếp tục giữ xu hướng tăng nhẹ, trong khi tiền gửi USD tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7 được cho là tích cực phía sau ý đồ của chính sách; cụ thể là, sự dịch chuyển của nguồn vốn ngoại tệ sang VND sau chính sách áp và siết trần lãi suất tiền gửi USD.
Và đáng chú ý hơn, tính đến ngày 20/7, tăng trưởng tín dụng đã giảm 0,19% so với tháng 6/2011; tính chung từ đầu năm mới chỉ tăng 7,57%. Đây là một tốc độ rất chậm so với chỉ tiêu khoảng 20% cho năm nay, một phần phản ánh tác động của chủ trương thu hẹp tín dụng, một phần đáng chú ý là lãi suất vay vốn quá cao đã hạn chế các nhu cầu. Để cải thiện tốc độ và mở rộng tín dụng theo chỉ tiêu đã đề ra, giảm lãi suất là một cú hích cần thiết.
Giả định những giải pháp
Trở lại với định hướng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa đưa ra, để kéo được lãi suất cho vay về khoảng 17-19%, nhà điều hành sẽ phải triển khai những giải pháp cơ bản.
Dĩ nhiên, điều kiện đầu tiên để triển khai vẫn là tín hiệu của lạm phát. Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm: Sẽ giảm dần lãi suất theo tín hiệu này. Tháng 8, nhiều dự báo đang hướng về khả năng lạm phát sẽ đạt đỉnh và dần hạ nhiệt.
Với định hướng trên, có thể dự tính Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước điều chỉnh các lãi suất điều hành, tiếp sau việc hạ lãi suất nghiệp vụ thị trường mở từ 15%/năm xuống 14%/năm vào ngày 4/7 vừa qua. Bên cạnh đó, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán có thể cũng sẽ được đẩy nhanh, sau giai đoạn "nhúc nhắc” suốt 7 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20/7/2011 mới chỉ tăng có 3,57% so với cuối năm 2010, trong khi chỉ tiêu năm nay là 15-16%.
Thêm vào đó, một số kiến nghị từ các thành viên thị trường thời gian qua cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% đối với các trường hợp cụ thể, khi họ có điều kiện vốn thuận lợi, có các hệ số an toàn cao thay vì "cào bằng” như hiện nay. Nếu kiến nghị này được xem xét, một nguồn vốn lớn từ các thành viên vừa tăng mạnh vốn điều lệ, từ những trường hợp có hệ số an toàn vốn (CAR) cao sẽ được giải phóng; theo đó, thị trường sẽ có cạnh tranh cho vay, mà trực tiếp là cạnh tranh giảm lãi suất…
Tuy nhiên, lo ngại đặt ra khi lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu dồn lại 5 tháng cuối năm (còn tới hơn 12%) có tạo thêm áp lực đối với lạm phát?
Trước câu hỏi này, một số ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể triển khai một giải pháp đối ứng: Tăng dự trữ bắt buộc để hút tiền về, nhưng có sự điều hòa lợi ích để hạn chế ảnh hưởng của nó.
Tăng dự trữ bắt buộc là liệu pháp mạnh chống lạm phát. Đi cùng với đó là áp lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc ở mức chấp nhận được để bù đắp chi phí cho các tổ chức tín dụng, tránh tác động dây chuyền tới lãi suất cho vay. Mặt khác, với các ngân hàng thanh khoản yếu, khó trụ với giải pháp này, nhà điều hành xem xét tái cấp vốn với lãi suất bằng chính lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc đó; từ đây để tránh tình trạng một số nhà băng khó khăn thanh khoản “gây rối” trên thị trường. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét bỏ hoặc nới giới hạn 85% vốn huy động dùng để cho vay để tránh tù đọng vốn và ảnh hưởng chi phí của các tổ chức tín dụng…
Các giải pháp và việc triển khai cụ thể vẫn còn ở phía trước. Nhưng kỳ vọng lãi suất giảm đang đứng trước cơ hội sẽ hiện thực một cách rõ nét hơn khi tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ vào cuộc ngay trong tháng 8 này. Điều chỉnh và cân nhắc, linh hoạt ứng xử với các áp lực (đặc biệt là với mối quan hệ lãi suất và lạm phát) cũng đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh ở quan điểm điều hành: Chuyển từ thắt chặt sang chặt chẽ, sử dụng các công cụ kỹ thuật để điều tiết thị trường một cách hợp lý, hạn chế những chốt chặn cố định và các mệnh lệnh hành chính.
Minh Vũ