Lời giải cho giá vàng trong nước
Hết tháng 8 là gần 3 tháng thị trường liên tục chứng kiến những “cơn sóng” của vàng. Sang những ngày đầu tháng 9 giá vàng trong nước giữ ở mốc 46 triệu đồng/lượng. Đến nay vẫn có rất nhiều dự đoán giá vàng trong nước sẽ phải trở về ngang bằng với giá vàng thế giới, tuy nhiên đến thời điểm này điều đó chưa xảy ra, vậy ai đang ghìm giá vàng trong nước không cho xuống?
Lấy ngày 12/8, thời điểm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho nhập khẩu 5 tấn vàng. Ngày đó giá vàng thế giới ở mức 1.754,7USD/oz, tương đương 43,97 triệu đồng/lượng thì giá vàng trong nước bán ra 45,3 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 1,33 triệu đồng/lượng.
Đến ngày 16/8, giá vàng trên thị trường quốc tế vọt lên 1.765USD/oz, tương đương 44,2 triệu đồng/lượng (quy đổi theo tỉ giá USD bán ra của Vietcombank), giá vàng trong nước cũng lên theo và đạt mức bán ra 44,75 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 550 nghìn đồng/lượng.
Ngày 31/8 giá vàng trong nước quanh mức 47,37 triệu đồng/lượng và giá vàng thế giới là 1.830USD/oz, tương đương 45,93 triệu đồng/lượng (quy đổi theo tỉ giá USD Vietcombank công bố sang ngày 31/8). Như vậy giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 1,44 triệu đồng lượng.
Thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới nhưng tại sao lại có mức chênh lệch quá cao như vậy? Điều này trái với quy luật của một thị trường liên thông.
Thị trường vàng Việt Nam đã có những giai đoạn nằm ngoài “quỹ đạo” của thị trường thế giới, điều đó được chứng minh khi giá vàng trong nước thời gian qua luôn cao hơn giá vàng thế giới, có thời điểm cao hơn trên 2 triệu đồng/lượng. Điều này là bất bình thường vì Việt Nam không phải nước sản xuất vàng mà là quốc gia nhập khẩu vàng, có tới 95% lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam được nhập khẩu, do đó giá phải phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới.
Nguyên nhân được giới kinh doanh vàng trong nước đưa ra là do thị trường Việt Nam khan hiếm vàng, theo quy luật của thị trường, hàng hóa nào khan hiếm sẽ tăng giá. Đại điện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng lớn ở Việt Nam lấy con số thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam để chứng minh cho điều này; Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý đạt 2,73 tỉ USD trong khi nhập khẩu chỉ đạt 492,1 triệu USD.
Đến năm 2010, nhập khẩu đạt hơn 1,1 tỉ USD, trong khi đó xuất khẩu lên tới 2,82 tỉ USD. Như vậy lượng xuất khẩu kim loại quý mà chủ yếu là vàng của Việt Nam luôn cao hơn lượng nhập khẩu nên lượng cung cho thị trường trong nước luôn thiếu. Đó cũng là lý do mà Bộ Tài chính vừa đưa ra quy định tăng thuế xuất khẩu vàng để hạn chế việc xuất khẩu vàng nguyên liệu. Với mức thuế trong quy định mới này thì các DN chỉ đảm bảo có lời khi xuất khẩu vàng vào thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, những số liệu mà Hội đồng Vàng thế giới thống kê về Việt Nam lại chứng minh điều ngược lại. Theo đó, lượng vàng hiện có tại Việt Nam (lấy lượng vàng nhập khẩu trừ đi số đã xuất khẩu) khoảng 1.000 tấn, tương đương với 45 tỉ USD. Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia tích trữ vàng lớn nhất toàn cầu với số lượng chiếm 23-29,5% của tổng số vàng thế giới trong suốt 5 năm qua. Cũng theo báo cáo này, mỗi năm Việt Nam mua khoảng 20 tấn đồ trang sức bằng vàng và là một trong 20 nước mua nhiều đồ trang sức vàng nhất thế giới. Như vậy, lý do thị trường vàng trong nước khan hàng không thuyết phục.
Có lẽ thuyết phục nhất là những nguyên nhân do giới đầu tư vàng đưa ra; Thứ nhất, là do độ chênh lệch giữa giá mua và bán vàng trong nước quá hẹp, chỉ từ 5.000-10.000 đồng/chỉ, nếu trừ đi các chi phí khác thì DN kinh doanh vàng chẳng được lời bao nhiêu. Do đó, giá vàng trong nước được chính các DN kinh doanh vàng đẩy cao lên nhiều so với giá thế giới để DN nhập khẩu vàng đảm bảo lợi nhuận. Còn giá mua vào và bán ra tại thị trường trong nước chỉ được tính đến sau khi DN kinh doanh vàng đã cắt lời từ việc hưởng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.
Thứ hai, để giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do sức mua vàng trong dân lớn vì vàng luôn được coi là nguồn tích trữ tốt nhất, mang tính truyền thống của người dân. Dù trong thời điểm vàng tăng giá cao người dân vẫn đổ xô đi mua vàng, điều đó cho thấy niềm tin của người dân với vàng vẫn rất cao. Đánh vào tâm lý ham mua của người dân giới đầu tư vàng đẩy giá lên cao so với giá thế giới để kiếm lời từ việc nhập khẩu vàng.
Nguyên nhân thuyết phục nhất được đưa ra là do giới đầu cơ trong nước làm giá. Đến nay, 5 tấn vàng được NHNN cho nhập khẩu thêm đã về Việt Nam nhưng giá vẫn tăng cao và mức chênh lệch không thay đổi. Như vậy “đòn” nhập khẩu vàng chỉ là liều thuốc “hạ sốt” tạm thời cho thị trường mà không khỏi “bệnh” hoàn toàn. Việt Nam chưa kiểm soát được lượng vàng nhập lậu về qua biên giới nhưng so sánh lượng nhập khẩu với lượng cung trên thị trường hiện nay cho thấy điều đó hoàn toàn có căn cứ. Việc đẩy giá chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên cao, dù chỉ 100.000 đồng/lượng là vàng nhập lậu đã sinh lời lớn.
Thông thường, để ghìm đà giảm của giá vàng phải có một hay nhiều tổ chức, DN đứng mua gom với số lượng lớn. Tại thị trường Việt Nam thì không có việc đó mà chỉ có những cái “bắt tay” giữa một số nhà đầu cơ để ghìm giá. Với giới đầu cơ, nếu để giá vàng trong nước xuống ngang bằng giá thế giới thì lợi nhuận từ lượng vàng nhập khẩu chính ngạch sẽ thấp và đồng nghĩa với việc hạn chế vàng nhập lậu. Thị trường Việt Nam đang cần cái “bắt tay” giữa những DN kinh doanh vàng lớn để cùng đưa giá vàng trong nước về mặt bằng giá vàng thế giới. Lúc đó lợi nhuận có thể được tính đến bằng việc nới rộng chênh lệch giá mua vào và bán ra, tuy không nhiều nhưng mang tính bền vững cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tại sao những DN kinh doanh vàng lớn không “bắt tay” nhau cùng hạ nhiệt thị trường để tạo sự lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vàng. Câu trả lời chỉ có thể là: Các DN kinh doanh vàng lớn trong nước và “giới đầu cơ” là một và họ đang làm giá trên thị trường vàng. Khi các DN này nắm lượng hàng hóa lớn và cũng là những đơn vị duy nhất được quyền nhập khẩu vàng nên họ có trong tay đủ các công cụ để điều khiển thị trường. Hiện một số “ông lớn” như DOJI, SJC, PNJ, AJC… đang xin nhập khẩu thêm vàng đợt 2 sau lần NHNN cho nhập 5 tấn vào ngày 9/8 vừa qua. Với mức chênh lệch “khủng” giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới như hiện nay thì những DN được nhập khẩu vàng này lại có được những khoản lợi nhuận khổng lồ…
Kông Lý