‘Lời nguyện cầu chín năm trước’: Nỗi đau của xứ ngoài rìa
“Lời nguyện cầu chín năm trước” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Masatsugu Ono. Tác phẩm gồm bốn câu chuyện xảy ra ở một làng chài ven biển với những con người quanh năm sống một cuộc đời lặp lại, đơn điệu u buồn của biển.
Nhà văn Masatsugu Ono sinh ra tại một vùng quê nghèo, vì nuôi mộng văn chương đã rời làng quê lên thành phố học văn học Pháp. Dù đắm chìm trong thế giới văn chương Pháp, phong cách văn chương của Ono vẫn đậm đặc tính Nhật Bản, với những nét chậm rãi, tinh tế, đẹp đẽ và u buồn.
Lời nguyện cầu chín năm trước là tác phẩm mới nhất của Ono. Tác phẩm bao gồm bốn câu chuyện xảy ra tại một làng chài ven biển trên đảo Kyushu, một vùng đất dường như khép kín cửa với thế giới bên ngoài. Giữa trập trùng những lớp sóng ấy, biết bao nhiêu nỗi đời riêng tư đã dần hiện ra.
Ấy là cuộc đời của một bà mẹ trẻ đơn thân với đứa con lai mắc chứng tự kỉ. Một gã nát rượu cô đơn. Một phó giám đốc nhu nhược, sắp lên chức ông ngoại nhưng vẫn sợ bị bố và các anh trai mắng. Đó là một bà lão tám mươi, bỏ chồng từ hồi trẻ, đến lúc sắp gần đất xa trời nhưng vẫn không thôi bị ám ảnh bởi người mẹ chồng vốn là một pháp sư...
Tập truyện "Lời nguyện cầu chín năm trước" của nhà văn Masatsugu One. |
Bốn câu chuyện, bốn số phận khác nhau, nhưng bầu không khí bao bọc xung quanh họ là một bầu không khí của nỗi đau buồn và sự cô đơn. Giữa biển khơi, từng buổi chiều rơi xuống ánh hoàng hôn buồn thảm thiết, nỗi tâm tư cũng từ ấy mà được tỏ bày. Sanae trong truyện ngắn Lời nguyện cầu cho những nỗi đau sau khi biết người con trai bị bệnh tự kỉ đã cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Cô bắt đầu nghĩ ngợi rất nhiều về những câu chuyện xảy ra trong quá khứ.
Kí ức trở lại một cách mạnh mẽ phía sau một lớp mù sương như hư ảo. Kí ức của một lời nguyện cầu nơi đất khách xa lạ, của một người hàng xóm có người con trai bệnh tật đã ám ảnh Sanae. Từ những lời nguyện cầu ấy, kí ức về mối tình đắm đuối với chàng trai ngoại quốc, về cuộc sống giữa Tokyo thời trẻ dại đã có cơ hội ùa về, càng lúc càng dữ dội khiến tâm trạng cô càng lúc càng trở nên hoang mang, sầu não.
Giữa biển khơi, vào một ngày trưa nắng, trong cơn mê mụ của kí ức, Sanae đã buông tay người con trai của mình một cách hoàn toàn vô thức, để đuổi theo những mảnh kí ức mông lung của mình. Đến khi chợt tỉnh lại, cô mới nhận ra rằng, giờ đây chỉ còn cô và con trai có thể nương dựa vào nhau trước những nỗi đau và mất mát này.
Ono kể những câu chuyện về làng chài ven biển xa xăm này bằng lối văn dung dị chân thành, diễn tả được những nét tính cách đặc trưng của con người Nhật Bản, lại khơi mở những nét riêng đặc sắc của những người dân miền biển, vừa mộc mạc vừa bản năng. Nó giống như loại tiểu thuyết tự thuật, rất gần gũi với những gì xảy ra trong đời sống hàng ngày của đời sống con người. Những nỗi đau thật đến nỗi người đọc thực sự có thể chạm vào, có thể ôm ấp và cùng nguyện cầu.
Những nhân vật của Ono đều là những kẻ khuyết tật trong trái tim, vừa sống trong cuộc sống, vừa chạy trốn cuộc sống bằng rượu, thuốc lá, thuốc ngủ... Ở đây, buông thả cũng là một cách để các nhân vật kháng cự lại nỗi đau đớn của chính mình, và cũng là cách ngòi bút của Ono thể hiện sự bao dung, lòng trìu mến với những nỗi đau ở xứ ngoài rìa, rất xa xôi với những nền văn minh hiện đại này.
Trong tập truyện ngắn này, biển cũng đã trở thành một nhân vật có sức mạnh xoa dịu kì diệu. Giữa những nỗi đau đớn của con người, biển vẫn chập chờn, xôn xao những lớp sóng. Biển lặng yên ngắm nhìn con người, nhận lấy những hờn dỗi, những dằn vặt và ám ảnh mà con người ném vào lòng biển khi đơn độc, không thể chia sẻ cùng ai. Biển có lẽ là nơi nương tựa, cũng là nơi khiến những người dân vùng đảo này sợ hãi nhất.
Mỗi người viết văn đều có những mảnh đất để khơi gợi cảm hứng và tỏ bày yêu mến khi viết. Ở Murakami là đất Tokyo hoa lệ, náo nhiệt, cô độc, ở Kawbata là cố đô Kyoto cổ kính, mặc trầm,... và với Ono, ấy là vùng biển Kyushu. Vùng đất mà Ono đã sống suốt những năm thơ bé và đem theo nỗi nhớ thương đằng đẵng ngay cả khi sống ở Tokyo. Chính điều đó đã khiến văn chương của Ono thấm đẫm chất thơ, sầu muộn và lưu luyến trong mênh mang nỗi đau và sự hoài nhớ.
Tập truyện về vùng biển đảo Kyushu của Ono rất dễ khiến độc giả gợi nhớ đến bộ phim nổi tiếng Still the Water (Futatsume No Mado) của đạo diễn Naomi Kawase, được trình chiếu tại liên hoan phim Cannes năm 2014. Bộ phim của Naomi lấy bối cảnh là một làng chài ven biển, với những người dân cả đời chỉ sống mãi ở hòn đảo.
Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh vùng biển mênh mông, khi êm dịu khi dữ dội, mà ở đó, con người sống trong lòng biển, sinh ra, lớn lên, trải qua biết bao nhiêu những biến cố, và rồi chết đi đều gắn liên với biển.
Sự liên tưởng ấy càng dễ khiến Lời nguyện cầu chín năm trước của Ono nhận được nhiều những gặp gỡ, chia sẻ của độc giả, bởi sự gần gũi, và sự khơi gợi.
Ono dù giảng dạy văn học Pháp tại trường đại học ở Tokyo, công việc chủ yếu vẫn là nghiên cứu và giảng dạy, nhưng ông vẫn miệt mài viết văn, bởi ông khao khát được nhìn thấy bản chất chân thật nhất của con người. Lời nguyện cầu chín năm trước, truyện ngắn đầu tiên của tập truyện đã được trao giải Akutagawa danh giá lần thứ 152.
Dương Thụy tâm sự cùng giới trẻ qua 'Tắm heo & tắm tiên' Sau những tác phẩm văn học đầy lãng mạn, nhà văn Dương Thụy vừa có buổi ra mắt tập sách mới nhất - tập tản văn “Tắm heo & tắm tiên”, như những lời tâm sự tới giới trẻ ngày nay. |
‘Nàng Aura’ và câu chuyện quái dị về dục vọng con người Một tác phẩm cực ngắn nhưng “Nàng Aura” của nhà văn Carlos Fuentes được xem là một trong những tiểu thuyết hiện đại hay nhất của Mexico, với nhiều những gợi mở suy tưởng về đam mê thực sự của con người. |
‘Nhụy khúc’: Cuộc điều tra về kí ức và sự quên Nếu đúng như Milan Kundera nói, khi đối mặt với sự quên, tiểu thuyết là một lâu đài có “hệ thống phòng vệ vô cùng thảm hại” thì có lẽ nhà văn trẻ Đinh Phương với “Nhụy khúc” đang cố gắng chống lại điều đó bằng cách từ bỏ nỗ lực xây dựng hệ thống phòng vệ ấy. |
Phong Linh