Hội nhập WTO: Đừng đùa với những điều luật chẳng giống ai
Các nước đang giao thương với chúng ta có thể thông qua những bộ luật được cho là… lạ hoắc. Cảm tưởng các điều khoản trong đó chỉ nhắm vào hàng hóa Việt. Thời điểm hội nhập WTO một cách đầy đủ đang đến gần, việc tìm hiểu cho kín kẽ, hoặc có cơ quan hỗ trợ nghiên cứu và cảnh báo luật là điều các doanh nghiệp cần phải tính đến.
Cảnh giác với luật Mỹ
“Chiếm 17,8% tổng số kim ngạch, Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) Việt hăm hở lao vào thị trường màu mỡ, mà hiếm khi để ý rằng, đất nước này kiện tụng nhiều nhất thế giới. Bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng có thể đi kiện và… bị kiện”, TTK VCCI Phạm Thị Thu Hằng đưa ra lời cảnh báo trong một Hội nghị về triển vọng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tổ chức mới đây.
Một ví dụ cụ thể xuất hiện ở Washington, đó là tiểu bang này vừa thông qua Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo thống kê của hãng luật lớn nhất thế giới Baker & McKenzie, đây là tiểu bang thứ 24 ở quốc gia Bắc Mỹ này đưa một đạo luật tương tự vào cuộc sống, với mục tiêu bảo hộ nội địa tối đa. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu bộ Luật trên không tồn tại một điều khoản: Tất cả DN trên toàn thế giới đang thực hiện bán hàng trên lãnh thổ bang Washington sẽ bị kiện nếu DN sử dụng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) không bản quyền trong tất cả quy trình hoạt động từ thượng tới hạ nguồn. “Xin được nhấn mạnh, là bản quyền về CNTT trong tất cả quy trình của doanh nghiệp đó, kể cả sản xuất, hỗ trợ kinh doanh lẫn quản trị văn phòng”, Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ Baker & McKenzie Vietnam, ông Trần Mạnh Hùng cảnh báo.
Điều này có thể hiểu, tất cả phần mềm chúng ta đang quen sử dụng “chùa”, không bản quyền hàng ngày để soạn thảo văn bản, chỉnh sửa hình ảnh… đều bị tuýt còi ở ít nhất 24 tiểu bang thuộc Mỹ. Tình trạng các DN ở những khu vực kém phát triển như Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi, Đông Âu vi phạm bản quyền như một căn bệnh trầm kha. Và thậm chí, DN còn coi việc sử dụng chui các phần mềm CNTT như một giải pháp giảm chi phí đầu tư ban đầu, cũng như vận hành bộ máy.
Tuy nhiên, tư duy sẽ phải thay đổi lập tức trong tương lai gần. Nguy cơ bị kiện là rất cao khi luật trên còn quy định, đối tượng được phép khởi kiện là những đối thủ của DN có trụ sở ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới; và Chưởng lý bang Washington, trong trường hợp không có nguyên đơn nào khởi kiện, còn có thể kiện DN để bảo vệ quyền lợi cho DN Mỹ đang kinh doanh trên địa bàn tiểu bang của họ. Giải thích một cách dễ hiểu, thì một công ty Thụy Sĩ đang cạnh tranh 1 loại hàng hóa với một DN Việt Nam trên thị phần Washington có thể khởi kiện lên chính quyền tiểu bang, nếu có bằng chứng cô kế toán của DN Việt Nam gõ văn bản bằng phần mềm Microsoft Word không bản quyền.
Rất nhiều diễn giả của buổi Hội thảo tin rằng, bộ luật mới sẽ gây tác động đến các mặt hàng châu Á xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bởi Washington luôn là thị trường lớn thứ hai Mỹ chuyên nhập khẩu hàng hóa từ châu Á. Bộ luật này chính là cơ hội để các nhà sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ tại các quốc gia có mức độ tuân thủ luật sở hữu trí tuệ thấp hơn.
Mỹ cũng là quốc gia sở hữu những công ty phần mềm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Động tác trên của 24 tiểu bang (và xa hơn nữa là trên toàn lãnh thổ) có thể hiểu là họ muốn bảo vệ cả những công ty phần mềm như thế.
Tự bảo vệ mình thế nào?
Theo TTK VCCI Phạm Thị Thu Hằng, những thị trường lớn, phức tạp (được nhiều quốc gia coi là đối tác chiến lược) kiểu Mỹ, EU hay Trung Đông thường bổ sung liên tục nhiều bộ luật nhằm bảo hộ doanh nghiệp sở tại. Bởi vậy, tốt hơn hết là các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm đến các công ty luật am hiểu thị trường trên nhờ tư vấn, đồng thời chủ động chuẩn bị một lộ trình đủ và đúng khi chúng ta gia nhập WTO một cách đầy đủ trong vài năm tới. Bổ sung ý kiến, bà Nguyễn Chi Mai – Trưởng ban Phòng vệ Thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương) cho rằng, về bản chất, các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá của Mỹ được nhìn nhận là một biện pháp bảo hộ của Chính phủ đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, giải pháp này khá tốn kém nên chỉ những chính phủ am hiểu Luật WTO như Mỹ mới vận dụng để bảo hộ DN trong nước.
Luật sư Tracy Phạm, một chuyên gia khác của Baker & McKenzie cung cấp thông tin khá thú vị, đó là nếu doanh nghiệp nào rơi vào sổ đen bất kỳ, thì coi như tương lai của họ trên thị trường giàu tiềm năng như Mỹ coi như đã mất đi 50% ưu thế. Nữ luật sư hoạt động lâu năm địa bàn châu Mỹ lý giải, kinh doanh là câu chuyện của chữ tín, nếu doanh nghiệp đánh mất chữ tín, thì cơ hội để trở lại một thị trường sẽ tốn kém và mệt mỏi. Người Mỹ rất kỵ chuyện sai lầm, với họ gần như không có chỗ cho sự sai lầm. Bởi vậy, chi phí cho kiện tụng thường cao chót vót và gây rất nhiều phiền hà cho DN khi vướng phải.
Sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ mang lại cho nhà xuất sản một lợi thế về giá nhưng không bình đẳng so với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm CNTT hợp pháp. Nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, các tiểu bang này đã cung cấp cho các DN bị bất lợi một phương thức hợp pháp để phục hồi tổn thất và ngăn chặn các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khi bán sản phẩm của họ mà không sử dụng phần mềm có bản quyền tại các tiểu bang cho đến khi các DN này hoàn toàn chịu tuân thủ theo bộ luật mới.
Tuy nhiên, luật được thai nghén để phục vụ con người chứ không phải để cai trị. Đó là lý do khiến rất nhiều điều khoản luật của nhiều thị trường đi ngược lại tư duy nước ngoài đang hoạt động kinh doanh, sản xuất hay sinh sống, nhưng lại được cộng đồng sở tại ủng hộ. Và tốt nhất, người ta đã cấm, thì chúng ta nên tuân theo, bởi còn rất nhiều thứ khó khăn hơn là việc bỏ thêm 1-2% chi phí ban đầu cho phần mềm để quản trị DN.
Hữu Tùng