Giáo dục không chỉ là... "kỷ luật thép"!
Liên tiếp những vụ việc được ngành giáo dục nhờ công an vào cuộc khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Phải chăng giáo dục đang tận dụng triệt để phương châm “Yêu cho roi, cho vọt”?
Khoanh bừa cũng được điểm cao
Hiện tượng hy hữu trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua là một thí sinh thuộc cụm thi số 35 thuộc ĐH Vinh - em Nguyễn Sỹ Hùng, Trường THPT Tây Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - được điểm 10 môn Vật Lý nhưng lại trượt tốt nghiệp vì em bị điểm liệt môn Toán. Ngay lập tức trường hợp của thí sinh này trở thành tâm điểm của dư luận. Đa phần ý kiến đều chĩa vào khâu chấm thi, khi cho rằng cùng là môn tự nhiên thì không thể một môn được 10, còn một môn bị 0. Thế nhưng, câu trả lời của nam sinh này khiến mọi người phải “té ngửa” khi em nói: “Chính bản thân em cũng bất ngờ về kết quả này. Môn Toán em để giấy trắng nên bị điểm 0 thì đúng rồi, nhưng việc được điểm 10 môn Vật Lý thì em bất ngờ. Em chỉ làm được khoảng 20% bài thi, còn lại em hỏi thí sinh khác và… khoanh bừa”.
Clip xin lỗi của nhóm học sinh chế giễu kỳ thi THPT quốc gia |
Khi biết thông tin về trường hợp này, ngay lập tức cụm thi Vinh đã giao cho ông Thái Văn Thành - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh làm Trưởng ban đã kiểm tra công tác coi thi, chấm thi thí sinh Hùng.
Báo cáo của ban kiểm tra xác định, việc bố trí cán bộ coi thi, đánh số báo danh, phát đề thi cho thí sinh được tiến hành đúng quy chế. Kết quả kiểm tra các bài thi cho thấy, điểm thi các môn của Hùng đánh giá đúng với kết quả làm bài theo barem quy định, không có sai sót, môn Vật lý được chấm bằng máy tính, không có căn cứ xác định vi phạm quy chế thi trong trường hợp này. Còn việc thí sinh ngó bài nhau hay không thì không có cơ sở xác định.
Tuy nhiên, để minh bạch hơn trong kết luận, Đại học Vinh đã chuyển qua cơ quan công an điều tra vụ việc, động thái này được giải thích rằng “để đảm bảo tính khách quan và công bằng”. Khổ thân cho thí sinh, cậu ta đã trượt rồi còn bày đặt mời công an làm gì cho lớn chuyện.
Về phần thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng, ngay những ngày đầu trở thành tâm điểm dư luận, Hùng đã buồn rầu chia sẻ: Những ngày qua, em cảm thấy rất buồn, sự việc này đã khiến em vô cùng mệt mỏi.
Nam sinh Nguyễn Sỹ Hùng (Nghĩa Đàn - Nghệ An) |
Một vấn đề đặt ra là, với những tình tiết như vậy thì đã có thể kết luận về trường hợp của thí sinh Hùng hay chưa? Tại sao ngành giáo dục không dựa vào các quy chế có sẵn để xử lý tình huống này mà phải đến khâu tiếp theo là nhờ công an điều tra? Sự việc đang bị đẩy đi quá xa, khi động thái để công an vào cuộc điều tra chắc chắn sẽ tác động không tốt đến tâm lý của các thí sinh.
Cách đây không lâu, ngành giáo dục Huế cũng nhờ công an vào cuộc điều tra vụ một nhóm bạn trẻ làm clip chế giễu kỳ thi THPT quốc gia 2016. Trong clip, nhóm bạn trẻ đã thay nhau vào vai diễn thí sinh đi thi và có những lời nói chưa đúng chuẩn mực khi khi nhận xét bông đùa về kỳ thi. Ngay sau khi clip được đăng tải, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã phản ứng rất nhanh là mời công an vào cuộc điều tra.
Kết quả cũng nhanh không kém khi clip vừa ra hôm trước, sáng sớm hôm sau nhóm bạn trẻ đã đăng đàn… xin lỗi. Đáng nói là, ngay sau khi xuất hiện clip nhóm học sinh xin lỗi thì đã rất nhiều ý kiến phản ứng, thậm chí bức xúc cho rằng: Vụ việc không đến mức cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều ý kiến đồng quan điểm, clip này không có gì là chế giễu. Đây là clip giúp các bạn trẻ bớt căng thẳng sau khi thi xong, clip chỉ mang tính chất giải trí đem lại tiếng cười mà thôi.
Phải khẳng định việc làm của các em là sai trái nhưng chẳng lẽ ngành giáo dục không có một biện pháp nào khác mà phải nhờ công an vào cuộc điều tra? Hành động này đã khiến các em học sinh phải “co rúm”, đăng đàn xin lỗi ngay tắp lự.
Khiên cưỡng là rách việc
Phải thừa nhận, việc để cơ quan điều tra vào cuộc là cách giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất, nhất là đối với những sự việc phức tạp. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục sự xuất hiện liên tiếp của các cơ quan điều tra đôi khi cũng khiến bị phản tác dụng. Một trong những cách xử lý tình huống được cho là kịp thời trong thời gian kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua là việc Bộ GD&ĐT xử lý thông tin lộ đề thi Văn khi các em thí sinh vừa thi xong môn này. Ngay khi có thông tin lộ đề, Bộ GD&ĐT đã kịp thời có câu trả lời cho báo giới và dư luận cả nước rằng: Không có chuyện lộ đề thi và đã nhờ công an vào cuộc điều tra kẻ tung tin lộ đề.
Rõ ràng, đây là một cách xử lý tình huống khá tốt của Bộ GD&ĐT. Và không có gì phải phán xét về sự vào cuộc của cơ quan điều tra trong sự việc này.
Thế nhưng, đối với những sự việc liên quan đến giáo dục học sinh thì dường như ngành giáo dục lại đang quá lạm dụng vào kỷ luật thép. Không phải đến bây giờ, mà trước đây trong nhiều vụ việc thì chỉ cần có một nghi ngờ thì nhiều thầy, cô sẵn sàng gọi công an đến để “điều tra” học sinh, ngay trong môi trường giáo dục vì những lý do như nghi ngờ ăn cắp… Vô hình trung thay vì giáo dục, lúc cần vai trò của những người thầy nhất thì chính nhà trường lại đẩy các em vào những chấn động tâm lý không đáng có.
Đó là một trong những cách xử lý tình huống rất đáng buồn của giáo dục hiện nay. Về vấn đề này PGS Văn Như Cương từng nhận xét: Giáo dục là phải biết khi nào cần nhu, khi nào cần cương nhưng hãy nhớ rằng, nhu thường thắng cương. Đối với học sinh, các em là đối tượng còn quá non nớt, cần những sự chỉ bảo ân cần chứ không phải lúc nào cũng roi vọt. Roi vọt như thế là phản tác dụng khi chỉ cần một quyết định sai, có thể gây ám ảnh trong tâm lý của các em suốt một đời.
Vậy nên, những chuyện như vừa qua thì tại sao nhà trường không rút ra từ những sự việc này để giảng giải cho các em hiểu về tính trung thực, không riêng gì trong thi cử mà cả trong cuộc sống? Một điều phải thừa nhận rằng, lỗ hổng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là chưa biết cách chỉ bảo cặn kẽ cho học sinh không chỉ về lòng tự trọng, về phẩm giá con người, tính chịu trách nhiệm hay hiểu biết pháp luật…Và thay vì nghĩ đến tâm lý học sinh là điều tiên quyết thì ngành giáo dục dường như lại đang muốn khép học sinh vào cách giáo dục răn đe.
Sự nghiệp trồng người luôn khó và trước nay nó luôn là nhiệm vụ cao cả nên luôn nhận được sự kỳ vọng từ dư luận xã hội. Nhưng việc quá lạm dụng cơ quan công an vào cuộc trong môi trường giáo dục thời gian vừa qua đương nhiên khiến dư luận xã hội phải lo ngại đặt câu hỏi: Phải chăng, đây là điều bất thường của ngành giáo dục? Nếu cứ theo cách xử lý này, thì e rằng ngành giáo dục đã quên mất chức năng và nhiệm vụ của mình!
Huyền Anh