Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lên Sài Gòn kí tặng sách
Sáng nay, ngày 16/7, từ Cà Mau nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã lên Sài Gòn tham dự buổi kí tặng sách tại Trung tâm sách Kim Đồng (248 Cống Quỳnh, Quận 1) nhân hai tác phẩm “Biển của mỗi người” và “Xa xóm Mũi” của chị được tái bản.
Việc hàng trăm bạn đọc xếp hàng lần lượt chờ xin chữ kí của nhà văn là một bất ngờ với những người tổ chức. Bởi, hai cuốn sách Biển của mỗi người và Xa xóm Mũi là những tác phẩm từng ra mắt bạn đọc vào năm ngoái.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh của NXB Kim Đồng tại TP.HCM cho biết, lúc 8 giờ anh không tránh khỏi cảm giác lo âu lẫn hồi hộp khi được bảo vệ thông báo chỉ có hai chiếc xe của khách. Tuy nhiên, một tiếng sau, tâm trạng ấy đã được giải tỏa khi nữ nhà văn xuất hiện, kéo theo hàng trăm bạn đọc có mặt trong không gian đầy ấm cúng.
Bạn đọc tự động mua sách rồi xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy.
Rất đông bạn đọc xếp hàng chờ xin chữ kí của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. |
Điều này cho thấy sức hút của nữ nhà văn đến từ Cà Mau. Bên cạnh đó, sức hút ấy còn đến từ hai tác phẩm Biển của mỗi người và Xa xóm Mũi, được tái bản trong diện mạo hoàn toàn mới với bìa jacket và phần minh họa của họa sĩ Phạm Quang Phúc.
Đúng giờ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ngồi vào bàn kí tặng sách, nhất định không tham gia giao lưu. Tuy nhiên, trong quá trình kí tặng sách, thỉnh thoảng chị lại hỏi han rồi cười với bạn đọc. Bên cạnh những độc giả trẻ, khá nhiều độc giả lớn tuổi cũng kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt được diện kiến và xin chữ kí của nhà văn mà mình yêu thích.
Hai tác phẩm được tái bản và giới thiệu lần này, là những tác phẩm mang đậm dấu ấn của Nguyễn Ngọc Tư với những trăn trở, đau đáu về cuộc đời, về con người.
Trong lần tái bản này, hai tác phẩm "Xa xóm Mũi" và "Biễn của mỗi người" được mang một diện mạo hoàn toàn mới, bắt mắt hơn. |
Xa xóm Mũi là tập truyện gồm 11 truyện ngắn viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, như: Tắm sông, Ông ngoại, Giàn bầu trước ngõ, Áo Tết, Những con mèo bé nhỏ...
Mỗi câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống thôn quê dân dã, ấm áp tình người cũng những câu chuyện cảm động về tình cảm dành cho ông bà, cha mẹ của những cô bé, cậu bé đến từ vùng đất Mũi - “xứ phù sa, sông có mùi thơm hơi ngòn ngọt của bẹ dừa nước mọc chồm chồm ra ngoài bãi.”
Bằng giọng văn tâm tình, đậm chất Nam Bộ cùng lối viết “đặc trưng” của Nguyễn Ngọc Tư, mỗi câu chuyện trong Xa xóm Mũi đã mở ra một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, với những chiều tắm sông “nhảy ùm cái xuống”, “vẫy vùng cho sướng người”, những giàn bầu cho trái mập mạp, “từng miếng bầu trong veo, ngọt lịm..."
Không có ý định giao lưu nhưng trong quá trình kí tặng, Nguyễn Ngọc Tư vừa trò chuyện và mỉm cười với bạn đọc của mình. |
Dày hơn tập truyện Xa xóm Mũi, tập sách Biển của mỗi người gồm 21 bài tản văn. Chỉ với hơn 100 trang, những câu chữ giản dị và chân chất bỗng như đang cựa quậy, nỉ non về những phận người đầy buồn bã.
Trong tập tản văn này, người đọc nhận ra ở Nguyễn Ngọc Tư một thái độ thung dung, tự tại, buồn mà như không buồn. Chị cũng xác định vị thế của mình khi viết, ấy là “chỉ kể và kể, không để tình cảm của chính mình chan vào”. Nhưng rồi rốt cuộc chị thất bại thú nhận, “tôi đã không làm được”. Vậy nên, có rất nhiều gương mặt người đi qua rồi ở lại trong cái nhìn khắc khoải của Tư.
Bên cạnh các độc giả trẻ, nhiều độc giả lớn tuổi cũng kiên nhẫn xếp hàng để được diện kiến nhà văn mình yêu thích. |
Đó là người phụ nữ đi tìm bình minh có cỏ có hoa sau những mệt mỏi phố thị, là chị gái Sài Gòn với cái đầu trọc bóng vì “giận thằng chồng mê vợ bé”. Cũng có khi, đó là một người chị ở chợ “bươn chải lặn lội lo cho năm miệng ăn trong nhà, chồng ở không nằm chéo nguẩy, nhậu say mà lấy việc đánh vợ làm vui”. Hay cô gái tên Mai chọn cách lấy chồng xứ xa để “kiếm ít tiền mua vài công đất” báo hiếu cha mẹ…
Những mảnh đời như vậy không hiếm trong cuốn sách nhỏ của Tư. Đôi lúc chỉ xoáng qua nhưng lại làm người viết, rồi người đọc không thôi đắng đót.
Với giọng văn mượt mà, tình cảm nhưng không kém phần gai góc. Tất cả tạo nên bức tranh để ta vừa đọc, vừa nhìn, vừa tưởng tượng và cả trào lên những mạch rung cảm vốn bị chôn vùi nơi phố thị. Ở đấy là cảm xúc của một người “biết khao khát, tìm kiếm và trải nghiệm” những vẻ đẹp bình dị, thân thuộc…
‘Chú bé đeo ba lô màu đỏ’: Hành trình khám phá đầy nhân ái Sau truyện dài “Ba nàng lính ngự lâm” và tập truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn “Thế gian màu gì?”, nhà văn Nguyễn Đình Tú tiếp tục cho ra mắt truyện dài “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” dành cho tuổi thiếu niên. |
‘Rau răm ở lại’: Rồi đắng cay sẽ qua đi Con người đến với nhau vì chữ tình, và cũng vì chữ tình mà đau khổ, mà day dứt khôn nguôi. Vở kịch “Rau răm ở lại” đọng lại trong lòng người xem bằng cảm giác như thế. |
Sơn Hồ