Hơi thở mới của ‘Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ’
Xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983, đến những năm cuối của thập niên 80, “Chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ” được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc. Mới đây, tác phẩm được Tao Đàn mua bản quyền và được nhà văn Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn so với bản trước đó.
Đoạt Giải Nobel Văn chương, nhưng Chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ của nhà báo Svetlana Alexievich là một tác phẩm phi hư cấu. Tác giả của nó trong thập niên 70 đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc, ghi chép và phỏng vấn, chuyện trò với hàng ngàn phụ nữ Liên Xô cũ.
Những phụ nữ thành phố, những người ở nông thôn, những phụ nữ bình thường và những trí thức, những người cứu chữa thương binh và những người cầm súng, những nhân viên dân sự, những du kích, những bà mẹ, những cô gái trẻ, những con người đã đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Các câu chuyện kể là chất liệu giúp Svetlana viết nên cuốn sách này.
Tác phẩm "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" |
Tác giả Svetlana Alexievich kể lý do bà viết cuốn sách: “Hẳn không thể biết trên thế giới đã có bao nhiêu sách viết về chiến tranh. Gần đây tôi đã đọc ở đâu đó rằng trái đất đã biết đến 3.000 cuộc chiến tranh. Mà sách viết về chúng còn nhiều hơn… Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh là do những người đàn ông kể cho chúng ta”. Bởi vậy, bà viết một cuốn sách về chiến tranh qua góc nhìn phụ nữ.
Chiến tranh trong ký ức của phụ nữ không phải là những chiến công, chiến thuật, là anh hùng… Nó được vẽ nên bởi những câu chuyện hết sức riêng tư của mỗi cá nhân.
Người phụ nữ tham gia chiến tranh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Họ bị cắt đi mái tóc dài. Họ không có đồ lót cho phụ nữ để dùng, họ thèm đi giầy cao gót, thèm quàng một chiếc khăn màu đỏ, thèm được tắm rửa… Quân trang, vũ khí của chiến tranh đều được thiết kế cho nam giới. Sức vóc nhỏ bé của người phụ nữ phải mang cây súng vượt quá đầu, phải đi đôi giầy to lớn thường xuyên gây vấp ngã của nam giới…
Chân yếu tay mềm là vậy, nhưng họ vẫn là những người chiến sĩ, là xạ thủ, phi công lái máy bay, y tá, cứu thương… Họ hy sinh sức khỏe, tuổi xuân, gia đình, tình cảm… và hy sinh cả nữ tính cho cuộc chiến.
Sự khủng khiếp, ghê rợn của chiến tranh được khắc họa. Cảnh thịt người nằm trắng ởn, cảnh dòng sông mùa băng tan để lộ ra những xác người, cảnh nữ y tá ở chiến trường phải cắn vào thịt nơi có vết thương của thương binh để chữa trị…
Nam giới nhìn nhận chiến tranh bằng những sự kiện. Còn nữ giới, dường như họ nhìn chiến tranh qua cảm xúc. Những câu chuyện mà các nữ cựu binh kể lại đều là những xúc cảm, ấn tượng về những phút đã qua trong cuộc đời họ. Họ chỉ muốn thức đêm mà không muốn trải qua giây phút ban ngày, đơn giản vì chỉ trong đêm họ mới nghe được tiếng chim hót thay vì tiếng súng như ban ngày.
Họ nhìn thấy vườn anh đào nở hoa. Họ nằm giữa cánh đồng nghe tiếng những bông lúa mì rì rào trong gió, và mong ước mãi được yên bình như vậy. Họ xếp hàng để hít hà mùi một cô gái vừa từ hậu phương ra tiền tuyến, bởi họ cho rằng cô gái ấy mang mùi của quê nhà… Với phụ nữ, không chỉ có con người phải chịu đau đớn bởi chiến tranh. Cùng với con người còn là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời…
Cuốn sách là tầng tầng lớp lớp các câu chuyện đan xen nhau, không trùng lặp, câu chuyện nào cũng gây xúc động. Nhưng những câu chuyện khiến người đọc ám ảnh nhất là khi người phụ nữ đối mặt với giết chóc trong chiến tranh. Bản thân người phụ nữ sinh ra sự sống, nên họ không thể tha thứ được cho hành động giết người. Có nhiều phụ nữ trở về sau chiến tranh như những người thắng cuộc, song mang nặng nỗi ám ảnh giết chóc. Họ cảm thấy căm thù, vì trong chiến tranh chính tay họ đã phải giết bao người.
Tác giả Svetlana Alexievich là nhà văn đồng thời cũng là một nhà báo điều tra. |
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ không chỉ kể chuyện những người phụ nữ đã hy sinh gian khổ như thế nào trong chiến tranh. Cuốn sách còn là lời tố cáo chiến tranh. Tất cả những câu chuyện của những người phụ nữ đều chứa đựng những đau khổ, vô nghĩa của chiến tranh. Bản thân tác giả Svetlana Alexievich không ít lần đưa ra quan điểm chiến tranh là phi nhân.
Trong nhật ký, bà từng viết: “Phải viết một cuốn sách về chiến tranh, sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm thần”.
Svetlana Alexievich sinh năm 1948 là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo viết văn bằng tiếng Nga. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học vì văn của bà tạo nên “tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng dũng cảm trong thời đại của chúng ta”.
Sau Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich còn viết nhiều sách về đề tài chiến tranh: Những nhân chứng cuối cùng (1985) viết về cái nhìn của trẻ em và phụ nữ về chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn Quan tài kẽm (1989) viết về mặt trái chiến tranh Afghanistan. Cuốn Tiếng vọng từ Chernobyl (xuất bản 1997) phơi bày nỗi kinh hoàng của người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl (Ukraine)…
Ngoài Nobel Văn chương, Svetlana Alexievich nhận nhiều giải thưởng khác như: giải Leninsky Komsomol ở Nga, giải PEN Award, Giải Peace Prize of the German Book Trade, Giải Médicis essai (Pháp), giải National Book Critics Circle (Mỹ)…
‘Xuân yến’: Giữa buổi yến tiệc của mùa thanh xuân “Xuân yến” là cuốn sách mới được dịch ở Việt Nam của An Ni Bảo Bối, một giọng văn đặc biệt khác lạ giữa buổi bình minh những nhăng nhố của đời sống này. |
‘Lũ mục đồng’: Bước vào thế giới của những giấc mơ Bước vào thế giới của “Lũ mục đồng” - tác phẩm của nhà văn Le Clézio, Nobel năm 2008 là bước vào thế giới của những giấc mơ. Tám câu chuyện trong tập truyện ngắn xét đến cùng là những biến ảo, những sắc màu của cùng một cơn mơ. |
‘Hãy đi đặt người canh gác’: Cơn vỡ mộng của sự trưởng thành Những tưởng “Giết con chim nhại” là tác phẩm duy nhất của Harper Lee - nhà văn vĩ đại của văn học Mỹ. Thực tế, dù được xem là tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại nhưng “Giết con chim nhại” lại được viết sau “Hãy đi đặt người canh gác”. |
Thành Vinh