Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng “Tiến quân ca”
Sáng ngày 7/7, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã xác nhận các thành viên đã thống nhất sẽ hiến tặng ca khúc "Tiến quân ca" cho Quốc hội.
Khi còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã có tâm nguyện rằng ca khúc “Tiến quân ca” không còn thuộc về riêng tác giả mà thuộc về dân tộc, Tổ quốc. Gia đình hiến tặng ca khúc này cũng theo di nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Cụ thể, vào năm 2010, bà Nghiêm Thúy Băng - vợ của cố nhạc sĩ Văn Cao đã thay mặt gia đình gửi thư ngỏ tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) để bày tỏ về nguyện vọng hiến tặng ca khúc này nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Bộ VH-TT&DL.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2015, từng có nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Phó Đức Phương thu tiền bản quyền tác phẩm này trong một số chương trình diễn ra tại Hà Nội.
Cố nhạc sĩ Văn Cao |
Sau đó, Thanh tra Bộ VH-TT&DL và Cục Bản quyền tác giả đã phải yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng thu tiền bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" với lý do: năm 2010, bà Nghiêm Thúy Băng - vợ cố nhạc sĩ Văn Cao - có thư ngỏ gửi bộ trưởng Bộ VH-TT&DL được hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca” cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước.
Tuy nhiên, các con của cố nhạc sĩ Văn Cao như Nguyễn Nghiêm Bằng, Văn Thao đều cho rằng đó chỉ là ý kiến của riêng bà Nghiêm Thuý Băng, còn việc có hiến tặng Tiến quân ca hay không cần phải có sự thống nhất của các thành viên trong gia đình.
Chia sẻ với báo chí, ông Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao) cũng từng bày tỏ: “Gia đình chúng tôi sẵn sàng hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, Nhà nước, nhưng Nhà nước chưa có xác nhận việc này. Bộ VH-TT&DL không thể đứng ra giải quyết vấn đề hiến tặng ca khúc "Tiến quân ca", vì ca khúc này đã được Quốc hội lựa chọn làm Quốc ca nước Việt Nam từ năm 1946.
Vì vậy, vấn đề này phải do Quốc hội, Nhà nước đứng ra trao đổi với gia đình chúng tôi. Gia đình chúng tôi vẫn có ý hiến tặng ca khúc Tiến quân ca nhưng phía Nhà nước nhận lại ca khúc này như thế nào thì cần phải công khai rõ ràng mọi vấn đề”.
Ông cũng cho hay: “Trong đơn hiến tặng công khai, có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên có quyền thừa kế hợp pháp trong gia đình và có chứng thực của bên Tư pháp. Trong đơn cũng ghi rõ gia đình không hề đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào, gia đình hiến tặng một cách vô tư. Sau khi hiến tặng, Nhà nước có quyền sử dụng ca khúc dưới mọi hình thức”.
Ngày 15/7 tới tại Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), lễ tiếp nhận ca khúc “Tiến quân ca” sẽ diễn ra với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia đình cố nhạc sĩ. Tại đây, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng sẽ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao và tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho vợ ông.
Quốc ca không phải là để cho họ kiếm tiền Tuần qua, câu chuyện văn hóa khiến nhiều người quan tâm nhất chính là thắng lợi đầu tiên của “cuộc chiến đòi quyền lợi” cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK của Trung tâm Quyền tác giả Văn học (VLCC). “Té nước theo mưa”, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cũng tiến hành thu phí bản quyền một số sản phẩm âm nhạc, nhưng lần này, đối tượng được thu phí lại là… Quốc ca. |
Anh Anh