Đạo đức xã hội: Trăn trở từ câu chuyện lễ nghĩa học đường
(PetroTimes) - Trong buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Hàng hải mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có những lời dặn dò thật chí tình, chí lý về cách rèn luyện tinh thần của người trẻ. Thủ tướng nêu rõ quan điểm, vấn đề quan trọng nhất với học sinh, sinh viên trong thời đại mới, vượt lên tất cả phải là kính thầy thương bạn, hiếu thảo mẹ cha và rèn luyện đạo đức, nêu cao lễ nghĩa trong xã hội…
Chấn hưng chữ “Lễ”
Từ lời căn dặn của Thủ tướng, người viết chợt nhớ đến một vị lãnh đạo Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch. Còn nhớ thời điểm đó, ngay trong buổi đầu tiên gặp gỡ báo chí, vị này đã đặt ra vấn đề đạo đức xã hội và ngỏ ý mong muốn được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội (QH)… Về lý do vì sao cần thiết lồng ghép vấn đề lễ nghĩa vào nghị trường, vị lãnh đạo này lập luận: QH là cơ quan quyền lực cao nhất, QH do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ QH mới có quyền thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Vì vậy, trong rất nhiều việc ngành văn hóa phải làm, song điều phải làm ngay là cần nêu cao ngọn cờ đạo đức trong xã hội. Văn hóa là gốc của mọi hưng thịnh, mọi rắc rối trong xã hội hiện đại! Chấn hưng văn hóa rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ của các Đại biểu QH cũng như ngành Giáo dục đào tạo và Truyền thông.
Chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam |
Trở lại câu chuyện của Thủ tướng, chấn hưng giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc, bồi đắp nguyên khí quốc gia để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu chính là thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Bình tâm suy nghĩ, có lẽ người Việt Nam chúng ta không ai là không được học về đạo đức, từ lúc vỡ lòng. Đạo đức với một em bé có khi chỉ là gặp người lớn phải khoanh tay chào, phải thưa gửi lễ phép. Đạo làm con là phải hiếu thuận với cha mẹ; hay đạo làm quan là phải biết thương dân… Với bất kỳ ai, ở đâu và trên cương vị nào, có lẽ chuẩn mực đạo đức sẽ chỉ khác nhau ở hành vi và cách thể hiện.
Cùng với thời gian thì chuẩn mực cũng có sự thay đổi và có quan niệm khác nhau thậm chí có lúc trái ngược nhau. Vậy, phải thể hiện như thế nào cho đúng chuẩn mực đạo đức?
Theo Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, ông Lâm cho biết, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, đặc biệt trong một bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên thời gian qua là nỗi lo lắng của cả xã hội. Vấn nạn bạo lực học đường, trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, trộm cắp, vô lễ, hành hung thầy cô giáo…có xu hướng gia tăng. Phân tích về nguyên nhân, ông Lâm cho rằng trước hết là do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục. Việc nuôi dạy con cái ngay từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành là việc rất công phu và khoa học, nó hình thành nên giá trị của mỗi con người.
Xây dựng nền giáo dục bình đẳng
Rõ ràng đạo đức của giới trẻ, học sinh, sinh viên đang thách thức năng lực của nền giáo dục và cả xã hội. Vấn đề là xã hội, các cơ quan quản lý có dám vào cuộc mạnh mẽ với nạn “vô đạo đức” không? Nếu chúng ta vẫn coi nặng giáo dục suông, nặng về kiểu “vận động quần chúng” một cách hình thức thì có lẽ chẳng bao giờ ngăn chặn được.
Ảnh minh họa về bạo lực học đường |
Theo Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Hà Nội Amsterdam Lê Thị Oanh: Khi xã hội không nỗ lực xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, dân chủ, kỷ cương và đổi mới theo kịp các nền giáo dục tiên tiến thì mọi nỗ lực dạy dỗ người trẻ đều thất bại. “Qua trao đổi công việc, chúng tôi biết rằng nhiều cơ sở giáo dục đã làm và nhận thấy việc trang bị cho thế hệ trẻ đầy đủ kiến thức sống, kỹ năng sống an toàn lành mạnh, không bị lệch lạc về đạo đức, có niềm tin vào bản thân và xã hội; ở một thời điểm nhất định còn quan trọng hơn cả kiến thức nhà trường. Chất lượng công dân tương lai, những người có kỹ năng, có đạo đức là nhân tố cốt lõi quyết định sự bảo toàn và phát triển đất nước, quyết định chất lượng cuộc sống và là nền tảng vững chắc để xây dựng những giá trị xã hội, là nguồn lực quan trọng nhất đắp xây cuộc sống thanh bình và hạnh phúc cho mọi gia đình, tạo sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.”
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố giáo dục không thể tách rời là xã hội - gia đình - nhà trường đang ngày càng lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đạo đức người trẻ ngày càng đáng lo ngại, tình trạng học sinh hỗn láo, bạo lực gia tăng trong nhà trường. Xã hội, gia đình và nhà trường chưa tạo cho học sinh những nhận thức đúng về chuẩn mực văn hóa ứng xử giữa người với người; thậm chí giữa thực tế đời sống xã hội và đời sống trong gia đình có nhiều điều trái ngược, mâu thuẫn với những điều nhà trường cố gắng vun đắp, dạy dỗ các em.
Điều đó khiến các em dần đánh mất niềm tin vào những giá trị đạo đức làm nền tảng cho nhân cách người trẻ. Trong khi đó, kỹ năng sống của người trẻ chưa tốt, các em không có cách giải quyết vấn đề thích hợp mà chủ yếu hành xử theo bản năng. Cùng với đó vẫn chưa có các biện pháp hay quy định về pháp luật để xử lý kỷ luật đủ mạnh để học sinh biết tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục. Thực tế đó đang khiến xã hội phải tiếp nhận những "sản phẩm" giáo dục có tri thức nhưng thiếu kỹ năng, lệch lạc và đạo đức và hụt hẫng về niềm tin.
Đã đến lúc ngành giáo dục phải nhận thức rõ phần trách nhiệm của mình trong việc góp sức nâng cao đạo đức xã hội. Xã hội – Nhà trường - Gia đình phải cùng chung sức gìn giữ và phát huy truyền thống nhân nghĩa, hiếu học, cần cù, trung thực của người Việt. Từ đó, thầy cô giáo sẽ là những người thầy cả về tri thức và tinh thần để vun đắp cho các em một niềm tin vào những giá trị đạo đức tốt đẹp làm kim chỉ nam cho mọi hành động của các em trong gia đình và ngoài xã hội. Đó mới là con đường để trò giỏi, con ngoan trở thành những thành viên tốt trong xã hội, những công dân sẵn sàng cống hiến trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. |
Nhật Anh