Formosa dùng hóa chất cực độc để súc rửa đường ống xả thải
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, Formosa đã nhập 45 loại hóa chất để súc rửa đường ống xả thải. Quá trình súc rửa đường ống xả thải, Formosa đã vi phạm khi thực hiện không thông báo cho địa phương.
Đường ống khổng lồ dưới biển: Giải thích bất ngờ của Bộ TNMT |
Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển |
Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ cá chết hàng loạt |
Được biết, khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Formosa trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, khi súc xả đường ống Formosa phải có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào. Thế nhưng, khi thực hiện súc rửa đường ống, Formosa lại không thông báo, cũng không báo cáo các cơ quan ở địa phương.
Hình ảnh cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung. |
Lý giải về việc “âm thầm” súc rửa đường ống xả thải, tại cuộc họp liên ngành diễn ra tại Hà Tĩnh chiều 23/4, đại diện Formosa cho rằng, không biết có quy định này.
Bên cạnh đó, đại diện Formosa cho hay, nguồn nước thải súc rửa đường ống được thực hiện theo quy trình khép kín. Nguồn nước sau đó đưa vào tái tuần hoàn trong quá trình xử lý nước thải, không xả ra biển mà đưa vào khu xử lý nước thải công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, năm 2014 Formosa có văn bản đề nghị được xây dựng đường ống xả nước làm mát ra vịnh Sơn Dương, ống có đường kính 1,2m, chiều dài 1,3km, nằm cách mặt biển 12m. Việc xây dựng đường ống này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận từ năm 2014. Đường ống được xả thải hợp pháp, nguồn nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam được xả qua hệ thống đường ống này.
Danh sách 45 loại hóa chất do Formosa nhập về súc rủa đường ống. |
Còn theo đại diện Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Formosa được cấp giấy phép xả thải cuối năm 2015. Đây là giấy phép có điều kiện. Tức là phải đảm bảo các thông số, nồng độ bao nhiêu trước khi xả ra. Đương nhiên nước thải xả ra phải đạt các điều kiện.
Khẳng định hệ thống xả thải của Formosa là hợp pháp, nhưng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhất tỏ ra băn khoăn: “Chỉ có điều họ xả cái gì, xả như thế nào là một vấn đề khác”.
Liên quan đến 45 loại hóa chất mà Formosa nhập để súc rửa đường ống, một số chuyên gia độc học môi trường, nhận định các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều cực độc để chống gỉ và làm sạch bề mặt kim loại, chống ăn mòn, chất tách lưu huỳnh...
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ. |
Trong một diễn biến khác, đề cập đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, cần phải có một hội đồng độc lập thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa. Đặc biệt tập trung vào phần xả thải, ống thải luồn sâu dưới lòng biển. Như vậy mới biết được tác động của vào môi trường của việc xả thải xuống biển đến mức độ nào.
Việc cấp phép cho xả thải xuống biển đối với một khu công nghiệp lớn như Formosa cần phải xem xét lại, nhất là khi cá chết nhiều như vậy. Đặc biệt là vấn đề giám sát xả thải như thế nào. Quan trắc chất lượng nước thải cứ 3 tháng cơ quan chức năng mới làm một lần nhưng việc xả thải ra môi trường của doanh nghiệp thì ngày nào cũng làm. Vậy khi cơ quan chức năng không quan trắc thì vấn đề giám sát sẽ ra sao? Cần phải có hệ thống giám sát tự động do cơ quan chức năng quản lý chứ không phải do doanh nghiệp quản lý.
Còn Giáo sư Ngô Đình Tuấn - Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên Nước Việt Nam, pháp luật quy định rõ, các dự án đều phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, rất ít dự án công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn cộng đồng dù đây là điều bắt buộc trong luật.
Là chuyên gia đầu ngành, nhưng Giáo sư Ngô Đình Tuấn khẳng định chưa được tiếp cận báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa.
“Thực tế, chính quyền nhiều địa phương thấy món lợi ích kinh tế trước mắt do dự án mang lại mà nhắm mắt thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường. Doanh nghiệp cũng không dại gì công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giới chuyên gia góp ý do lo ngại vấp phải các ý kiến trái chiều, có thể làm chậm lại quá trình đầu tư. Các vụ việc giống như cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung, lấp sông Đồng Nai... chỉ toàn báo chí, người dân phát hiện chứ không mấy khi thấy cơ quan chức năng phát hiện” - Giáo sư Ngô Đình Tuấn nói.
Theo Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên Nước Việt Nam, cần phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa để người dân, giới chuyên môn đánh giá, thẩm định. Nếu làm báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách đàng hoàng, bài bản thì không lý do gì không dám công khai minh bạch. Bên cạnh đó, việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường chuẩn cũng chưa đủ mà công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá ra sao mới quan trọng. Không phải cứ đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường số liệu đẹp nhưng thực tế triển khai không theo thì rất nguy hiểm.
Thiên Minh