Mê tín vây bủa mộ chị Sáu
Gần 12h đêm, mặc dù barie tại cổng nghĩa trang Hàng Dương đã hạ xuống chắn ngang lối vào, song từng đoàn khách vẫn lách qua hai bên, rầm rập tiến vào nghĩa trang. Họ vác theo những túi đựng vàng mã, đội những mâm chứa đầy hoa quả, xôi, gà, thủ lợn, rượu bia, thậm chí cả nguyên con lợn đã quay đi về hướng mộ chị Võ Thị Sáu.
Giữa đêm tối mênh mông tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió vi vu của hàng dương, mộ chị Sáu rực sáng bởi những đám lửa cháy bùng bùng xung quanh do khách thập phương đốt vàng mã. Ngôi mộ khá to, rộng, song vẫn không đủ chỗ để người ta đặt lên đó rất nhiều đồ cúng lễ. Vì vậy, hai chiếc bàn gỗ dài đã được đặt dọc hai bên mộ chỉ để đồ cúng lễ không bị rơi. Ngoài hoa quả, xôi gà, lợn quay, bia rượu, trên mộ chị Sáu còn có đủ loại đồ dùng, từ son phấn, gương lược… đến các tư trang cá nhân. Người ta chen chúc nhau xì xụp khấn vái cầu mong đủ thứ từ sức khỏe, bổng lộc, tiền bạc, nhà cao cửa rộng đến con cái. Bà Nguyễn Thị Tơ, đến từ Bắc Giang bảo rằng: "Cô Sáu còn thiêng hơn cả bà Chúa Kho, bà cầu mong cô Sáu phù hộ cho buôn bán suôn sẻ, giàu có. Vì vậy bà đã cất công vác cả tải vàng mã vào đây và chất thành đống to để đốt cho cô. Mong cô Sáu phù hộ độ trì”.
Anh Lê Văn Quang, nhân viên Ban Quản lý Nghĩa trang Hàng Dương cho biết: Gần hai năm nay, du khách đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương và mộ chị Sáu ngày càng đông. Tuy nhiên, họ không chỉ đến viếng ban ngày mà hầu hết đều ra nghĩa trang lúc nửa đêm. Họ không gọi chị Sáu mà gọi bằng cô Sáu và đến đây không chỉ để thắp hương mà còn cầu xin cô phù hộ sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn, giàu sang, thậm chí nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn còn cầu xin con cái. Ai xin cô cái gì cũng được. Cứ như thế, người ta truyền tai nhau và ngày càng nhiều du khách đến đây cùng rất nhiều đồ lễ và chủ yếu là khách từ các tỉnh phía Bắc. Anh Bùi Thế Trung bay từ Hà Nội vào vui vẻ kể với tôi: "Đêm qua ra đây xin cô Sáu hai con đề, hôm nay thắng được hơn 6 triệu. Đêm nay lại ra xin tiếp cô Sáu”.
Khác với họ, chúng tôi mỗi người một bông hoa hồng trắng lặng lẽ đặt lên mộ chị và cùng nhau hát bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” với những giọt nước mắt xúc động giữa sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhiều người: “Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội, vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ thôi”. Tự nhiên, hình ảnh chị Võ Thị Sáu trẻ trung với bông hoa lêkima trắng thơm ngát cài trên mái tóc hiên ngang đi giữa hai hàng súng của kẻ thù làm chúng phải khiếp sợ như hiện lại trong tôi. Chị Sáu đẹp, thánh thiện, khí phách hiên ngang như thế đã hy sinh cho chúng ta được sống trong hòa bình, tự do. Vậy mà người ta vác cả con lợn quay to tướng, cả thùng bia, rượu ngoại và hàng bao tải vàng mã đến đây để đốt và xin chị đủ thứ. Đó là còn chưa kể, mùa thu cây trút lá, gió chướng thổi ào ào, những đống vàng mã kia rất dễ thiêu cháy cả Nghĩa trang Hàng Dương.
Để ghi nhớ công ơn của Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu và các chiến sĩ cách mạng đang yên nghỉ tại đây và để Nghĩa trang Hàng Dương đẹp hơn, huyện đảo Côn Đảo đã cho xây dựng bức phù điêu và tượng chị Võ Thị Sáu bằng đá trong quần thể nghĩa trang để du khách có dịp chiêm ngưỡng. Đồng thời, Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu cũng xây mới trong một công viên cùng tên. Hàng trăm ghế đá do các doanh nghiệp, cá nhân tặng cũng làm cho Nghĩa trang Hàng Dương và các di tích trên đảo thêm đẹp và trang trọng. Tuy vậy, chuyến ra Côn Đảo đầu tháng 11 vừa rồi cứ làm tôi suy nghĩ và day dứt.
Côn Đảo ngày càng đẹp, giàu có và đông du khách hơn. Nhưng hàng ngày hàng tạ vàng mã đốt tại Nghĩa trang Hàng Dương cùng gà, lợn, rượu, bia… mà du khách mang đến đây không chỉ tốn kém tiền của, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc giáo dục truyền thống lịch sử cho lớp trẻ mà còn không đúng với tính chất một khu di tích bảo tồn lịch sử cách mạng hiện đại Việt Nam. Mộ chị Võ Thị Sáu đang bị lạm dụng bởi mê tín quá mức. Các cơ quan chức năng của huyện Côn Đảo cần sớm chấn chỉnh và có biện pháp ngăn chặn.
Trần Thị Sánh