Y phục xứng kỳ đức
(PetroTimes) - Ở đời, ai cũng muốn có “danh”, có “phận”. Nó không chỉ là nhu cầu tự thân, khát vọng có một vị trí và danh xưng xứng đáng mà còn là động lực thúc đẩy con người phấn đấu không ngừng tiến bộ. Thế nhưng gần đây, chữ “danh” đang dần một biến tướng và méo mó bởi chính những con người từng được xã hội tôn trọng, quý mến.
“Chạy” danh hiệu
Đến hẹn lại lên, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) lại tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ nhân dân (NSND) cho những nghệ sĩ có đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, cứ đến dịp xét tặng danh hiệu, những tranh cãi xung quanh câu chuyện phong tặng luôn “dậy sóng” dư luận.
Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung trượt danh hiệu trong đợt phong tặng
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, năm nay có đến 890 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu NSƯT, NSND. Đây là con số khá ấn tượng khi đặt trong bối cảnh “hẩm hiu” của nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là các ngành nghệ thuật sân khấu. Nghệ thuật “đói” công chúng, nghệ sĩ “đói” khán giả, nhưng con số này cũng đã cho thấy các nghệ sĩ trong cuộc còn đặt niềm tin khá lớn vào giá trị của các hình thức tôn vinh.
Trong các hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần này có khá nhiều vị lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL như Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Ngô Hoàng Quân; Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Trần Quốc Chiêm. Một điều đáng mừng của đợt xét danh hiệu lần này là sự có mặt của nhiều những nghệ sĩ có tuổi đời còn rất trẻ. Thế nhưng những nghệ sĩ trẻ được phong NSND cũng là những nghệ sĩ đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc của các nhà hát như: Tự Long - Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội; Trung Hiếu - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong khi đó, những gương mặt nổi trội, có nhiều đóng góp cho sân khấu Việt Nam như các nghệ sĩ Chí Trung, Xuân Hinh, Minh Hằng, Thanh Ngoan… lại không có trong danh sách vì… không “đủ điều kiện”.
Người đẹp có danh hiệu để… làm - chuyện - khác?! | |
Danh hiệu và huy chương | |
Đằng sau danh hiệu hoa hậu là những… bê bối |
Ngay sau khi danh sách được công bố, trong giới nghệ thuật đã xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người lên án Hội đồng thẩm định, có người tranh cãi kịch liệt với những đồng sự trong cuộc đua danh hiệu và cũng không ít người đã không ngần ngại bày tỏ tham vọng sẽ tiếp tục “phấn đấu” cho tới khi nào được gọi tên thì mới chịu yên. Nực cười hơn khi với thành tích vượt trội trong lĩnh vực nghệ thuật múa, nhưng biên đạo Tuyết Minh bị “gạt” hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT vì lý do đạo đức… Trong khi các mặt báo mấy ngày nay lại sôi nổi bàn chuyện chạy huy chương, chạy danh hiệu NSƯT, NSND. Có người nói 10 triệu, có người nói 20 triệu. Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL thì nói “làm gì có”, thế nhưng thực hư thế nào, có lẽ người trong giới đều hiểu. Như vậy có thể thấy, cái “danh” đối với người làm nghệ thuật cũng có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, chứ không hẳn là một hình thức tôn vinh mà nhiều người mong muốn.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Hằng bị loại vì "không đủ điều kiện"
Chưa hết câu chuyện “chạy” huy chương và danh hiệu trong giới nghệ thuật, gần đây, dư luận lại phải “lao đao” vì một cách “chạy danh” khác - đó là câu chuyện bầu cử của Hội Nhà văn. Vì phát huy tính dân chủ nên đại hội có tới 25 người… tự ứng cử, khiến danh sách lên tới con số 45 người. Và trong số 6 người lọt vào BCH Hội Nhà văn, người trẻ nhất góp mặt cũng ở độ tuổi 50. Và như thế, những tiêu chí ban đầu được đặt ra để có thể có được BCH đáp ứng những kỳ vọng của anh em nhà văn, đặc biệt là phải có gương mặt trẻ xem như phá sản… Dư luận hồ nghi rằng, với những khuôn mặt cũ, Hội Nhà văn sẽ mang lại luồng gió mới, hơi thở mới như thế nào trong năm năm tới.
Coi chừng háo danh
Lại nói về việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ - sản phẩm của Liên Xô (cũ) nay chỉ còn Nga, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là còn giữ hình thức phong tặng này. Đây là một hình thức Nhà nước ghi nhận công lao đối với các nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng đối với sự bảo tồn và phát triển các ngành nghệ thuật phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc nghệ sĩ Việt đang “đổ xô” xin được xét tặng NSƯT, NSND đang khiến nghệ thuật trở thành “bàn đạp” để mưu cầu danh lợi, để có được danh xưng do nhà chức trách ban phát.
Sự háo danh, cầu danh không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật, sân khấu mà còn phổ biến trong cả những lĩnh vực như giáo dục, khoa học, kỹ thuật. Chúng ta đang đánh giá con người qua những bằng cấp, học hàm, học vị phía trước tên của nọ chứ không phải năng lực và cống hiến của họ đối với xã hội. Vì thế, ngành giáo dục đang xuất hiện những quan chức cả đời không dạy học nhưng vẫn “đeo bảng” giáo sư hay phó giáo sư. Cũng chính vì vậy, hiện nước ta chỉ có khoảng 20% giảng viên trong các đại học lớn ở Việt Nam có văn bằng tiến sĩ. Trong khi đó, 50% bộ trưởng Việt Nam có bằng tiến sĩ!
Nghệ sĩ ưu tú Minh Thu "thừa huy chương" nhưng vẫn... trượt
Đó lại là biểu hiện của tính háo danh và sinh ra những người mang “danh hão”. Lịch sử ghi rằng, vào cuối thời Lê, tính háo danh ấy đã khiến nước ta có thêm hàng loạt những “sinh đồ ba quan”. Câu chuyện kể rằng, ở thời ấy, muốn đi thi Hương, người học trò phải được hội đồng tư văn của các làng xã, hay chính quyền làng xã kiểm tra năng lực, nói nôm na là “có chữ”. Ấy là lúc sự học hưng thịnh, nhưng khi chính quyền suy thoái, người ta lại “bẻ” thành lệ rằng: Cứ ai có ba quan tiền nộp cho nhà cầm quyền thì không cần phải sát hạch mà vẫn được vào thi, được công nhận là sinh đồ. Thế nên, từ anh hàng thịt dù chẳng cần biết chữ nhưng cứ có đủ ba quan tiền là được trở thành sinh đồ, dân gian gọi mỉa mai là những “sinh đồ ba quan”. Những tưởng, chuyện “sinh đồ ba quan” vì háo danh, hám chỉ có trong thời phong kiến, nhưng thời hiện đại có lẽ cũng không hiếm những “sinh đồ” như thế.
Suy cho cùng, lợi ích lớn nhất mà danh hiệu mang lại cho con người chính là sự tôn trọng, kính ngưỡng của xã hội đối với cá nhân đó và phải được xây dựng trên nền tảng những đóng góp quan trọng cho ngành nghề, lĩnh vực người đó theo đuổi. Danh hiệu nên để chính những người làm nghệ thuật và công chúng nghệ thuật vinh danh bạn nghề, vinh danh thần tượng của mình. Thế nên, sống ở trên đời, để xứng đáng với tư cách “Người”, đừng bao giờ xem nhẹ, coi thường “chính danh”. Cũng đừng vì danh lợi thuần túy mà biến mình thành một “con rối”, “con thiêu thân” trong đối nhân, xử thế và trên con đường tiến thân. Để “y phục” thực sự “xứng kỳ đức”!
Khánh An