Mối nguy hiểm từ những bãi tắm tự phát
Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng liên tục tăng cao đến 40 độ C. Thay vì giải nhiệt tại các bể bơi dịch vụ, một số người dân Thủ đô rủ nhau đến các bãi tứm tự phát ven hồ, bờ đập: bãi tắm Hồ Tây, bãi tắm đâp Quan Trăn…để xả nóng. Mặc dù quanh các khu vực bãi tắm tự phát đều có biển báo cấm tắm, hay những biển cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, không ngần ngại xuống bơi để tránh nóng.
>> Bơi lội giải nhiệt ở hồ lớn nhất Thủ đô
>> Dân Thủ đô biến đập nước thành “bãi tắm” lý tưởng
>> Hà Nội: Người dân biến hồ Linh Đàm thành bể bơi
Bỏ mặc các biển cấm, nhiều người vẫn vô tư bơi lội tại Hồ Tây mà không hề đoái hoài gì đến những nguy hiểm rình rập.
Hồ, đập “biến” thành bể bơi
Những ngày gần đây, nền nhiệt ở Hà Nội tăng ở mức cao, có lúc lên hơn 40 độ C, cùng với cái nắng gay gắt khiến cho người dân Thủ đô không khỏi mệt mỏi. Không khí ngột ngạt khiến nhiều bể bơi, khu vui chơi giải trí Công viên nước Hồ Tây luôn trong tình trạng đông nghịt người, nhất là vào dịp nghỉ cuối tuần.
Cái khó ló cái khôn, các bãi tắm tự phát ven sông, hồ, đập như: Bãi tắm đập Quán Trăn, bãi tắm Hồ Tây, Hồ Linh Đàm, bãi giữa Sông Hồng… trở thành nơi giải nhiệt
Thời gian hoạt động của các “bãi tắm” khoảng từ 16 giờ đến 19 giờ hàng ngày, càng về chiều muộn, lượng người đổ về đây càng đông, nhộn nhịp. Vỉa hè hai bên được tận dụng làm những bãi để xe, thậm chí còn có những hàng quán di động được mở ra đến sát mép hồ để phục vụ người đến tắm. Không chỉ có xe máy, xe đạp thậm chí có cả những gia đình đưa ô tô chở cả nhà đến đây tắm. Nhìn qua, ai cũng tưởng đây là những “bãi tắm” được cấp phép hoạt động. Không chỉ có thanh niên, mà ngay cả những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, thậm chí có cả thú cưng cũng được dắt đi tắm cùng, khiến cho khung cảnh nơi đây luôn nhộn nhịp như những “bãi biển” thực thụ.
Nhiều người tỏ ra khá hào hứng và coi đây là những điểm đến ưa thích. Anh Nguyễn Văn Nam (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết “Chúng tôi biết đến bãi tắm đấp Quan Trăn từ lâu rồi, đây cũng là địa điểm để người dân quanh khu vực tụ tập, rủ nhau giải nhiệt những ngày hè nóng nực. Không gian rộng rãi, thoáng mát, tắm lại không mất tiền mua vé mà lại thỏa thích. Mặc dù, biết rằng không an toàn, nguồn nước không đảm bảo nhưng ngày hè nóng bức mà không có chỗ giải nhiệt như này thì bí bách lắm. Vì thế chúng tôi đánh liều”.
Bãi tắm tự phát đập Quán Trăn (xã Tân Xã, Thạch Thất, Hà Nội)
Ẩn họa khó lường
Lí giải nguyên nhân vì sao các bãi tắm tự phát ở Thủ đô luôn thu hút đông người dân, đặc biệt giới trẻ về đây bơi lội là do các khu vực này có không gian thoáng đãng, mát mẻ, lại rộng rãi. Họ đến đây tắm không phải chen chúc nhau như ở các bể bơi công cộng, không những thế họ còn được thỏa mái nô đùa và tắm cùng vật nuôi mà lại không mất phí, nên lượng người tắm ở các bãi tắm tự phát như này ngày càng đông và khó kiểm soát.
Anh Nguyễn Văn Lâm (Quảng An, Tây Hồ) cho hay: Hà Nội có nhiều bể bơi, nhưng giá vé vào các bể bơi cũng từ 50.000 - 70.000 đồng đối với người lớn, 30.000 - 35.000 đồng đối với trẻ nhỏ. Mùa hè nắng nóng kéo dài vài tháng liền, nếu cứ đến bể bơi hằng ngày thì chi phí cũng lên tới tiền triệu mỗi tháng. Chưa kể đến diện tích bể bơi nhỏ, mà có đến hàng trăm người cùng xuống tắm thì nguồn nước cũng chẳng đảm bảo hơn so với nước hồ là mấy.
Người dân biến hồ Linh Đàm thành bể bơi.
Bơi lội trong làn nước mát vào những ngày thời tiết nóng bức là điều ưa thích của nhiều người. Điều đáng lo ngại, do các bãi tắm tự phát hình thành, nên ở những nơi này hầu như không có phương tiện, lực lượng cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người bơi. Mọi người đến các bãi tắm cũng đều trang bị cho mình những “công cụ hỗ trợ” như: Quần áo bơi, phao bơi….Nhìn những chiếc phao tự chế từ những thùng xốp, can đựng nước hay những chiếc săm ô tô, xe máy cũ…đều được người dân tận dụng, khiến nhiều người không khỏi rùng mình vì mức độ an toàn.
Điều đáng nói nữa là hiện nay, nguồn nước ở không ít sông, hồ ô nhiễm bởi nước thải, rác thải của các hộ dân sinh sống xung quanh. Tiếp xúc nguồn nước bẩn có thể dẫn đến các bệnh ngoài da, bệnh về mắt, viêm tai, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa… các bệnh về phụ khoa rất nguy hiểm.
Dù đã bị nhắc nhở, đã được cảnh báo, thế nhưng dường như những người đến đây đều bỏ qua, ai cũng hăng say bơi lội. Nhưng ở những cũng nơi đây đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm.
Mới đây nhất vào ngày 1/6, một phụ nữ đã bị đuối khi đi tắm tại khu vực sông Hồng thuộc địa bàn tổ 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên; ngày 4/6, tại khu đô thị Linh Đàm, một người đàn ông đã ra hồ Linh Đàm tắm, sau đó cũng bị đuối nước.
Trước đó, hè năm 2013, tại đập nước Quán Trăn, một bé gái xã Tân Xã đã bị đuối nước, người nhà phải thuê thợ lặn tìm kiếm mấy ngày mới thấy xác.
Mong rằng những sự việc đau lòng trên sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai ham tắm sông, hồ.
Nguyễn Hoan