Vì sao tiêu chí “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam tụt hạng?
Tại Diễn đàn CEO 2015, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN đã chỉ ra những hạn chế về việc cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.
Theo ông Kim Anh, năm 2014, Thống đốc NHNN đã ra quyết định ban hành kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP. Sau 1 năm thực hiện, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng. Lạm phát có xu hướng giảm dần xuống mức thấp và ổn định trong giai đoạn 2013-2014, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phát triển. Đặc biệt, chính sách lãi suất được điều hành theo hướng tạo sự chênh lệnh phù hợp giữa lãi suất VND và lãi suất USD nhằm khuyến khích người dân, DN nắm giữ đồng nội tệ thay vì ngoại tệ. Từ đó giúp củng cố giá đồng Việt Nam, hạn chế tình trạng đôla hoá nền kinh tế.
Trong khi đó, chính sách tỷ giá hối đoái đã giúp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và vị thế đối ngoại của Việt Nam. Cán cân vãng lai đã chuyển từ trạng thái thâm hụt 3,7% năm 2010 sang thặng dư 4% năm 2014. Lãi suất ngân hàng có sự giảm mạnh trong suốt những năm vừa qua và riêng trong năm 2014, lãi suất đã giảm 1,5-2% so với năm 2014, đưa mặt bằng lãi suất hiện nay bằng mặt bằng lãi suất những năm 2005-2006, thời kỳ kinh tế vĩ mô ổn định...
Tuy nhiên, xét trên tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh thuận lợi thì năm 2014, Việt Nam có 5 lĩnh vực tụt hạng so với năm 2013, trong đó có tiêu chí “tiếp cận tín dụng”.
Được biết, tiêu chí tiếp cận tín dụng là 1 trong 10 tiêu chí cấu thành chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi mà WB đề ra, và gồm 2 thành phần: Thứ nhất là chỉ số quyền lợi hợp pháp của người cho vay và đi vay được đánh giá theo thang điểm từ 0-12 phản ánh mức độ sẵn sàng của thông tin. Thứ hai là chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng được đánh giá theo thang điểm 0-8 phản ánh phạm vi, mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng của cá nhân, doanh nghiệp.
Nói về vấn đề này, ông Kim Anh cho hay, năm 2014, tiêu chí “tiếp cận tín dụng” mặc dù có điểm số không đổi so với năm 2013 nhưng vẫn giảm 6 bậc, từ 30/189 năm 2013 xuống 36/189 quốc gia. Điều này là do các quốc gia khác đã có sự thay đổi về môi trường pháp lý liên quan đến vấn đề này theo hướng tăng cường bảo vệ bên cho vay. Trong khi đó, một trong những cấu phần quan trọng tính toán chỉ tiêu “tiêu cận tín dụng” của Việt Nam là “quyền lợi hợp pháp của người đi vay và cho vay” lại chưa có sự thay đổi trong quy định pháp lý từ năm 2008 đến nay.
Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Ông Kim Anh phân tích, chỉ tiêu quyền lợi hợp pháp của người cho vay và đi vay của Việt Nam tăng từ 5/12 lên 7/12 điểm trong năm 2007 và giữ nguyên đến nay. Việc tăng điểm này là nhờ sự ra đời của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, Luật Dân sự (Bộ Luật liên quan trực tiếp đến tiêu chí giao dịch bảo đảm) chưa có sự thay đổi. Đồng thời, Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 cũng chưa có những điều chỉnh liên đến các tiêu chí được đề cập trong đánh giá môi trường kinh doanh của WB. Một số nội dung điển hình liên quan đến tài sản đảm bảo vẫn chưa được quy định trong Luật Dân sự khiến tiêu chí tiếp cận tín dụng chưa được cải thiện như đăng ký, chính sửa, giải chấp tài sản bảo đảm; bên cho vay được tham gia điều hành khi con nợ bị tái cơ cấu…
“Một khi những nội dung này chưa được cụ thể hóa trong Luật, các ngân hàng thương mại sẽ khó khăn trong một số trường hợp xử lý rủi ro tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng sẽ quan ngại hơn khi cho vay mà các doanh nghiệp dùng chính dự án đầu tư làm tài sản đảm bảo. Từ đó làm hạn chế nguồn vốn tín dụng ngân hàng và hệ quả tất yếu là làm giảm điểm của môi trường kinh doanh vì một trong những căn cứ để xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi là mức độ sẵn có của nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các doanh nghiệp”-ông Kim Anh đề cập.
Liên quan đến đánh giá về chiều sâu thông tin tín dụng, theo ông Kim Anh, tại Việt Nam, với một người vay cụ thể, các tổ chức cung ứng thông tin tín dụng (cả của nhà nước và tư nhân) chưa thể tích hợp được các dữ liệu từ các đơn vị cung ứng dịch vụ công như công ty điện lực, nước sạch cũng như các công ty bán hàng trả góp với các dữ liệu của khách hàng vay… Điều này bắt nguồn từ các quy định tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng và Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về thông tin tín dụng của NHNN chưa có các điều khoản quy định về nội dung nội dung này. Từ đó, Việt Nam bị mất điểm khi đánh giá về chiều sâu thông tin tín dụng trong báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Từ thực tế trên, trong bài tham luận đưa ra tại Diễn đàn CEO 2015, ông Kim Anh đề xuất Quốc hội bổ sung thêm nôi dung liên quan đến tài sản bảo đảm cũng như tăng việc bảo vệ quyền lợi của bên cho vay vào Luật Dân sự sửa đổi trong thời gian tới. Về phía NHNN, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ; củng cố cơ sở dữ liệu của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia cả về độ sâu và tính chính xác của cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng cũng như cung cấp thông tin cần thiết cho các tổ chức tín dụng trong việc phòng ngừa rủi ro tín dụng…
Đặc biệt, ông Kim Anh cũng kiến nghị WB bổ sung thêm tiêu chí ổn định kinh tế vĩ mô vào các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của các quốc gia.
Thanh Ngọc (Tổng hợp)