Vốn đầu tư Cảng hàng không Long Thành giảm gần 3 tỉ USD
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tính toán lại của Bộ Giao thông vận tải đã giúp vốn đầu tư giảm được thêm 2,9 tỉ USD.
Như vậy, tổng mức đầu tư sẽ giảm từ 18,7 tỉ USD xuống còn 15,8 tỉ USD. Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, để đồng thời khai thác hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất, giai đoạn 1 của dự án chỉ cần đầu tư những hạng mục cần thiết và sẽ mở rộng đầu tư khi nhu cầu sử dụng tăng lên.
Một lí do khác giúp mức đầu tư giảm xuống là do Bộ GTVT cũng tính toán lại xác suất đầu tư và không đưa một số hạng mục đầu tư theo phương án xã hội hóa vào dự án.
Theo phương án cụ thể mới, Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn sẽ có ba giai đoạn đầu tư, tuy nhiên thay vì giai đoạn 1 trước đây là xây dựng 2 đường cất hạ cánh, thì phương án mới này chỉ xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Việc điều chỉnh trên là do căn cứ vào khả năng duy trì khai thác các đường cất hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Như vậy giai đoạn 1 thay vì phải đầu tư 7,8 tỉ USD thì nay chỉ còn 5,2 tỉ USD.
Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ khai thác 90% chuyến bay quốc tế và 20% chuyến bay nội địa. Còn Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 10% chuyến bay quốc tế và 80% chuyến bay nội địa.
Tại phiên họp thứ 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra hôm nay (26/2), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết.
Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp rà soát, tính toán lại, đặc biệt là diện tích xây dựng dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, không nên kết hợp sân bay quân sự Biên Hòa để khai thác hàng không dân sự với cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Việc mở rộng và cải tạo cảng hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm nhưng kinh phí để giải tỏa, đền bù, tái định cư là rất lớn (tương đương 9,1 tỉ đồng).
Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án Chính phủ đưa ra chưa đủ thuyết phục.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.
Lê Tùng (tổng hợp)