Chuyện người Việt Nam chuyển giao công nghệ tàu ngầm cho Libya
Ông Phan Bội Trân - người vừa hoàn thành hợp đồng đóng 5 tàu lặn cho Malaysia tiết lộ bí mật gây sốc: “Tôi chính là người đã chuyển giao các công nghệ đóng tàu ngầm cho Libya để nước này có thể chống lại phương Tây trong suốt thời gian dài”.
Tuổi thơ gắn với một chữ “i”
Thuở sinh thời, ông Phan Bội Trân còn nhớ cái tên của mình luôn gây ra nhiều phiền toái. Cha mẹ đặt tên cho ông với họ lót “Bội” như gửi gắm sự xuyên suốt của một dòng họ. Những năm thập niên 50, cha ông tham gia phong trào đánh Pháp nên cái tên của ông cũng gặp nhiều trở ngại.
Cảnh sát chế độ cũ nắm lý lịch thân sinh ông Trân khá rõ. Khi đi khai sinh, cha ông Trân khai tên cho con thì bị bắt lần thứ 2. Chính quyền thời bấy giờ phát hiện ông nội là Phan Bội Châu nên nghi ngờ cha ông Trân hoạt động chống Pháp.
Ông Phan Bội Trân.
Cha bị bắt, mẹ ông Trân lại đi khai sinh tên cho con. Rút kinh nghiệm, cụ bà khai đổi tên lại thành Phan Bộ Trân, tức bỏ bớt 1 chữ “i” phía sau họ lót. Trong suốt 12 năm học, thầy giáo cũng đều tự thêm một chữ “i” như gắn với số mệnh. Cứ dịp đầu năm học, mẹ ông Trân lại phải lên trường xin điều chỉnh lại tên con trong học bạ.
Sinh ra trong gia đình bậc trung, ngôi trường ông Trân học từ thời thơ ấu cho đến bậc trung học đều là trường dành cho con cán bộ cao cấp của chế độ cũ. Đến bây giờ, ông Trân vẫn còn nhớ cái tên ngôi trường gắn bó với ông suốt từ thời ấu thơ đến trưởng thành.
Ngôi trường tên LaSanTaBerd - nay là trường Trần Đại Nghĩa. Những đứa trẻ Tây cũng chung lớp, chung một mái trường với ông. Cụ bà rất ngại chuyện này. Mẹ ông ngại con không cùng “hệ” sẽ dễ bị ăn hiếp. Ông ý thức được gia đình thân với cách mạng nên chỉ biết chăm chỉ học và đạt khá giỏi suốt 12 năm. Đến thời đại học, ông Trân đến Lãnh sự quán Pháp để xin cấp hộ chiếu du học.
Lần này, ông mang sẵn 1 bộ hồ sơ đề phòng việc khai lại tên. Sự chuẩn bị trước không thừa, cán bộ lãnh sự quán lại tự thêm một chữ “i” vào sau họ lót trong hộ chiếu. Ông Trân phải lấy bộ hồ sơ mang theo để xin điều chỉnh tên.
Ông Trân sinh ra tại quận Bình Thạnh. Ông sống từ nhỏ đến lớn trong căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, sát cầu Thị Nghè. Tuổi thơ của ông Trân gắn bó với dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong xanh. Cha mẹ ông có cuộc sống không êm đềm.
Ông Trân kể về người mẹ với niềm tự hào vô bờ bến. Quãng thời gian cha ông bị bắt, mẹ ông phải thay cha tảo tần sớm hôm chăm sóc các người con. Đến khi cha được thả ra, cụ ông bị tra tấn và tàn phế dưới đòn roi của chế độ thực dân phong kiến.
Gia đình ông Trân có 5 anh em. Ý thức được hoàn cảnh đất nước thời chiến, cả 5 anh em đều yêu thương, bao bọc và cùng nhau học hành. Các anh em lần lượt ra nước ngoài học trong niềm vui sướng của ông bà cụ. Nhà có 5 người con thì 2 người đã sống ở Pháp, 2 người sống ở Mỹ và chỉ một người sống ở Việt Nam.
Ông Trân kể, hồi học xong đại học ở Pháp, ông quyết định chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp. Năm đó, ông vừa tròn 24 tuổi. Tốt nghiệp đại học thuộc lại ưu, ông được nhận vào làm tại công ty Comes, chuyên đóng tàu ngầm, phi cơ, máy bay…
Thời trai trẻ, ông Trân vốn dĩ đẹp trai và mang dáng vẻ hào hoa nên được nhiều cô gái yêu thầm, nhớ trộm. Ông bộc bạch rất thật: “Hồi còn trẻ, tôi cũng từng có những mối tình với 4 cô bạn người nước ngoài, 2 cô người Hà Lan và 2 cô người Pháp”.
Ông nói ra không phải để khoe mà để minh chứng, con gái ngoại quốc vẫn thích những người đàn ông “có tài” và không hề bị phân biệt sắc tộc hay màu da. Ông đã cho ra nhiều sản phẩm và được cấp bằng sáng chế xe đạp ba bánh của Cục sở hữu trí tuệ Pháp.
Cống hiến công nghệ đóng tàu ngầm quân sự cho tổ quốc
Sáu năm quần quật với công việc, đến năm 30 tuổi, ông Trân lập gia đình với một cô gái người Việt và có được 1 cháu trai kháu khỉnh. Sống tại Pháp với công việc ổn định và là niềm say mê nhưng ông vẫn nung nấu ý định quay về để phục vụ cho đất nước. Ông Trân thích sống tại Pháp nhưng lúc tuổi xế chiều về Việt Nam ông vẫn cảm thấy thoải mái hơn.
Quãng thời gian sang Pháp học tập và làm việc, ông Trân đã bắt đầu nghiên cứu rất nhiều trong ngành kỹ thuật Composite. Hơn 27 năm về trước, ông âm thầm nghiên cứu tàu ngầm và ấp ủ ước mơ có khả năng cống hiến cho tổ quốc, cho đất nước xây dựng một lực lượng tàu quân sự đủ mạnh. Năm 1988, ông Trân từng chuyển giao công nghệ và bản vẽ tàu ngầm cho Libya để họ có thể tự sản xuất.
Ông Phan Bội Trân bên tàu ngầm Yết Kiêu 1.
Thời điểm này, Libya bị “chèn ép” bởi các thế lực phương Tây nên ông đã dang tay giúp đỡ không vụ lợi. Đặt câu hỏi thắc mắc về việc “tiết lộ” bí mật vũ khí cho quốc gia khác khi đang làm việc trên đất Pháp, ông Trân nói ngay: “Bản vẽ tàu ngầm của tôi được dựa trên những thiết kế đã được Pháp công bố rộng rãi trước đó. Bằng khả năng hiểu biết và tự nghiên cứu của bản thân, tôi cải tiến thành sản phẩm công nghệ riêng của mình và trao cho chính quyền Libya”.
Ông Trân tình nguyên giúp họ thiết kế những mẫu tàu ngầm để có thể phục vụ cho việc bảo vệ đất nước. Không lâu sau đó, quân đội Libya đã sản xuất được hàng loạt các tàu ngầm phục vụ cho công cuộc bảo vệ và tái thiết đất nước.
Năm 2006, cơ duyên trở lại Việt Nam đã đến với ông. Một công ty tại Pháp đặt hàng làm tóc giả cho ma-nơ-canh nên ông Trân quyết tâm về quê hương để tổ chức sản xuất và xuất hàng sang Pháp. Thời điểm này, ông đã ngoài 52 tuổi. Bỏ hẳn mọi danh lợi đang được thụ hưởng tại Pháp, ông Trân về Việt Nam lập gia đình và có được 2 cháu trai, cháu lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi.
Người vợ của ông ở nhà chăm bẫm 2 đứa trẻ kháu khỉnh. Ông nhẩm tính mình mới chỉ sống ở Việt Nam có 20 năm. Suốt quãng thời gian đầu định cư tại quê nhà, công việc làm tóc giả thuận lợi chỉ được vài năm đầu. Đến năm 2009, nền kinh tế thế giới bị rơi vào suy thoái, lượng tóc giả xuất ra nước ngoài ít hẳn so với trước. Đến bây giờ, ông Trân chỉ sản xuất để cầm chừng.
Hằng ngày, ông vẫn cắp cặp đi dạy tại một công ty Việt Nam (có trụ sở tại khu Cát Lái, quận 2) chuyên sản xuất về du thuyền làm bằng vật liệu composite. Ông Trân muốn truyền đạt lại tất cả những hiểu biết về loại vật liệu này cho các thế hệ sau này.
Trong suốt quãng thời gian còn học tập và làm việc tại Pháp, ông bỏ công nghiên cứu rất nhiều trong ngành kỹ thuật Composite và sáng chế rất nhiều sản phẩm liên quan. Về Việt Nam, ông Trân chế tạo thành công xe đạp điện 2 bánh bằng vật liệu nhựa composite và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận vào năm 2013.
Khi từ Pháp về Việt Nam, ông Trân muốn chuyển giao tất cả các công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Bộ quốc phòng và được đón nhận nồng nhiệt. Vấn đề thủ tục chuyển giao còn gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn nhận được sự động viên khích lệ. Ông chỉ muốn cống hiến những kiến thức, những kinh nghiệm về đóng tàu ngầm ở nước ngoài đã từng học được.
Dòng máu Lạc Hồng trong con người Việt như thôi thúc ông càng tâm huyết hơn việc nghiên cứu những thiết bị quân sự, nhất là tàu ngầm để tự vệ với những thế lực bên ngoài uy hiếp, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ông tự tin khả năng của mình có thể xây dựng một lực lượng đủ mạnh để đáp trả những vũ khí tiên tiến hiện nay.
Ông Trân tự nghiên cứu và sản xuất tàu chỉ nhằm mục đích “đơn giản hóa các thủ tục”. Về nguyên tắc để đề tài được nhà nước duyệt kinh phí, cá nhân người trình đề tài hoàn thành và nghiệm thu đề tài. Trải qua quá nhiều khâu, ông bỏ tiền túi ra làm tất cả. Khi tàu ngầm hoàn thành, ông Trân nói: “Nhất định tôi sẽ tặng và không lấy tiền của cơ quan nhà nước”...
(Còn tiếp)
Hưng Long