Thầy giáo trẻ “mê” sưu tầm kỷ vật thời chiến
Những vật dụng gắn với người lính như chiếc ba lô, mũ cối, thắt lưng, bộ quần áo… đều được thầy giáo trẻ Phạm Văn Điệp đam mê sưu tập. Với anh đấy là những kỷ vật rất đáng trân trọng, đó là xương máu của cha ông đã ngã xuống vì độc lập, chủ quyền, là kỷ niệm một thời khó khăn, hào hùng của dân tộc.
Hàng trăm kỷ vật từ thời chiến tranh được thầy giáo Điệp treo khắp bốn bức tường trong căn nhà nhỏ của mình.
Thầy giáo trẻ Phạm Văn Điệp (sinh năm 1985), hiện nay đang là giáo viên bộ môn Thể chất tại trường Tiểu học Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam). Với niềm đam mê sưu tập kỷ vật chiến tranh ngay từ khi học cấp 2, sau hơn 10 năm lặn lội, bất kể khó khăn vất vả, bằng sự chân thành của mình, anh đã sưu tầm được hơn 700 kỷ vật thời chiến. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở thời bình, nhưng anh hiểu rất rõ giá trị của những cuộc chiến để giành độc lập trong một thời khó khăn nhưng đầy hào hùng của dân tộc.
Nói về cơ duyên đến với những kỷ vật chiến tranh, thầy Điệp chia sẻ: Ngay từ hồi còn học cấp 2, qua câu chuyện kể của các bác cựu chiến binh ở địa phương về chuyện đi lính ở trong rừng, đánh giặc với những vật chiến thô sơ, Điệp đã bị cuốn hút. Từ đó, đi bất cứ đâu, anh đều tìm kiếm, sưu tập những kỷ vật của các cựu chiến binh. Có khi để sưu tập được một món đồ, thầy phải đi lại nhiều lần, bày tỏ sự chân tình của mình mới có được.
Rất nhiều kỷ vật được thầy treo khắp tường nhà.
Thầy Điệp nói: “Các đồ vật chính là những kỷ vật, mỗi một cái bi-đông đựng nước của người lính Trường Sơn, chiếc cặp lồng đựng cơm của nữ thanh niên xung phong hay một chiếc la bàn, bộ quần áo rách đều chứa đựng một câu chuyện về thời chiến. Khi cầm đồ vật trên tay nghe các bác cựu binh kể chuyện mà tôi ngỡ như mình đang chứng kiến sự việc”. Tất cả kỷ vật được thầy giáo trẻ này ghi lại chi tiết trong cuốn sổ nhỏ, từ việc nhận của ai, thời gian, địa điểm, vật dụng gì, gắn với kỷ niệm nào… để bất cứ ai hỏi thầy đều nhớ và kể lại.
Trong căn phòng riêng rộng hơn 30 m2 của mình, toàn bộ không gian đều được thầy giáo trẻ tận dụng trang trí các kỷ vật. Những kỷ vật vừa và nhỏ được lau chùi và cất gọn trong tủ kính, còn những kỷ vật lớn hơn được đặt ở bên ngoài hoặc treo trên tường.
Để sưu tập được những kỷ vật, thầy Điệp đã phải lặn lội đến nhiều vùng xa xôi
Với thầy Điệp, mỗi một kỷ vật là một kho báu vô giá. Trong ảnh: bộ quần áo cùng di ảnh của một chiến sĩ đã hy sinh.
Mũ của phi công lái máy bay MIG-21 mua ở Quảng Bình do một người dân nhặt được. Để có được chiếc mũ này, thầy phải mất công đi vào, ra mấy lần mới có được. Tiền mua chiếc mũ chỉ bằng một tháng lương (hơn 2 triệu đồng) nhưng tiền đi vào, ra thì gấp tới 2 lần.
Thời gian đầu khi thấy thầy Điệp đi tìm mua những món đồ kỷ vật kháng chiến, đã có không ít người cho rằng thầy gàn dở, suốt ngày đi tìm những thứ không có giá trị mang về cho chật nhà. Thậm chí có người còn cười chê vì thấy thầy lúc nào cũng dành hết tiền lương đổ vào những món đồ cũ kỹ, hoen gỉ đó. Tuy nhiên, thầy Điệp lạc quan vì không phải ai cũng hiểu hết về giá trị của những món đồ này.
Các loại súng được tháo ruột, đạn tháo thuốc súng ra mới để trưng bày. Cối 105mm, đạn cối 82mm, đạn pháo cao xạ 37mm.
Bộ lưỡi lê tiện cho việc "cận chiến" khi đánh nhau giáp lá cà
Nhiều loại bình bi đông, cặp lồng, bát... qua các thời kì kháng chiến.
Máy bộ đàm, điện thoại liên lạc thời chiến
Bộ dụng cụ y tế dã chiến mổ cho các chiến sỹ ngay tại chiến trường
Ngoài ra còn có nhiều hiện vật như tem, phiếu thời bao cấp, giấy tờ của các cựu binh... hay giấy ghi công diệt dốt năm 1958 ở Hà Nam.
Chiếc xe đạp Peugeot của Pháp được sử dụng trong thời kỳ bao cấp
Ngoài những kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong không gian trưng bày tại nhà thầy giáo Điệp còn có nhiều hiện vật từ thời phong kiến có niên đại hàng trăm năm trước. Đó là những lư hương, đỉnh đồng hay bộ hình hạc. Đặc biệt là một cây kiếm được trang trí hoa văn tinh xảo đầy đủ tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng được treo trong tủ kính.
Dự định trong tương lai, thầy Điệp cho biết: "Sắp tới, tôi sẽ sưu tập thêm hiện vật thời chiến và tiến hành đăng ký với Sở văn hóa tỉnh Hà Nam mở bảo tàng tư nhân hoặc một quán cà phê lính để giới thiệu cho mọi người có chung niềm đam mê giao lưu, chia sẻ kỷ vật. Quan trọng hơn, thông qua những hiện vật thời chiến tôi muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ phải biết quý trọng và biết ơn thế hệ ông cha đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ đất nước, để có được những ngày yên bình như ngày hôm nay”.
Nguyễn Hoan