Quy hoạch Hoàng thành - làm được không?
(Petrotimes) - Quy hoạch tổng thể mặt bằng Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được công bố đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, khảo cổ và cả những người dân trong nước. Đây là một hướng đi hợp lý và khoa học, nhưng ai cũng có chung một lo ngại: Đặt ra quy hoạch nhưng có thực hiện được không?...
Đích đến vẫn là “bảo tồn và phát huy giá trị”
Chiều 1/8, tại khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể mặt bằng Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.Việc quy hoạch nhằm bảo tồn Khu Di tích 18 Hoàng Diệu cùng với Khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hóa - Lịch sử nhằm phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử phát triển và tồn tại hơn 1.300 năm; bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau.
Ngoài ra, việc quy hoạch Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (tỷ lệ 1/500) còn tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với khu vực Trung tâm Chính trị Ba Đình. Đây là quy hoạch đặc thù, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi Trung tâm Hoàng thành Thăng Long HN đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đồng thời nằm trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, bên cạnh công trình Nhà Quốc hội (đang được xây dựng), là công trình có ý nghĩa tiếp nối của Trung tâm quyền lực đã được trải qua hàng ngàn năm lịch sử.
Phối cảnh minh họa Quy hoạch tổng thể mặt bằng Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Bản quy hoạch yêu cầu bảo tồn tại chỗ các hố khai quật A-B và D4-D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, hệ thống trưng bày đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản; Bên cạnh đó, lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố D2-D3. A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Các khu vực không xây dựng trở thành khu cây xanh, đường dạo để dự trữ khảo cổ học. Theo quy định, chiều cao công trình xây mới trong Khu di tích 18 Hoàng Diệu tối đa là 5m. Hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày có chiều cao xây dựng 1 tầng, tạo không gian mở của một công viên văn hóa lịch sử, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh.
Cổng đặt tại góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn, 4 lối vào khu di tích sẽ được bố trí ở các phía đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Phía bên trong có 2 tuyến đường tham quan chính, kế đó là các đường dạo kết nối từng điểm. Các tuyến đường bố trí theo hướng trục của Nhà Quốc hội và dấu tích các công trình kiến trúc. Một đường ngầm cũng sẽ được xây dựng qua đường Hoàng Diệu để kết nối khu 18 Hoàng Diệu và khu thành cổ tạo thành chỉnh thể thống nhất và liên tục. Trên cơ sở đó, các tuyến tham quan được tổ chức đảm bảo tính xuyên suốt, không bị chồng chéo, gián đoạn, kết nối thuận tiện tham quan khu 18 Hoàng Diệu với tuyến tham quan Nhà Quốc hội và khu thành cổ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng này, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước quan trọng tiếp theo, cụ thể là: Tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình (thời gian trong tháng 9/2012). Lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc (trình duyệt vào Quý IV/2012); Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng. Song song với các việc trên, UBND thành phố cũng tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của UNESCO về di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tiếp tục nghiên cứu khảo cổ, mở cửa đón khách tham quan, tổ chức quảng bá, phát huy giá trị di sản thế giới.
Những trăn trở của các nhà chuyên môn
GS Sử học Lê Văn Lan trăn trở: “Mô hình công viên văn hóa lịch sử không phải mới trên thế giới. Chẳng hạn như ở cố đô Nara (Nhật Bản) cũng được quy hoạch theo mô hình này. Nhưng so với họ, chúng ta làm công tác khai quật khảo cổ học quá nhanh, đại trà. Tổ chức UNESCO đã khuyến cáo và yêu cầu chúng ta phải chú ý đến việc khai quật khảo cổ. Vì thế, công cuộc khai quật khảo cổ cần phải được tiếp tục mở rộng. Nhưng bản quy hoạch tôi vừa tìm hiểu lại chưa nói kỹ về việc này. Chúng ta đã có một thời gian dài, công phu để thực hiện và cho ra đời bản quy hoạch này. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi đặt sự quan tâm của mình tới việc tiếp tục thực hiện quy hoạch này như thế nào”.
Theo TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thì với những bằng chứng về nhiều loại hình kiến trúc tại di chỉ khảo cổ này, trong đó đặc biệt là hệ thống kiến trúc cột dương (cột dựng trên các tảng đá), cột âm xung quanh các hàng hiên. Với lộ trình quy hoạch này, liệu những phát hiện mới có tiếp tục xuất hiện nữa hay không. Những người làm công tác nghiên cứu, khảo cổ luôn khẳng định những phát hiện tại khu vực Hoàng thành là vô cùng giá trị và nếu không tiến hành những kế hoạch khai quật mới thì sẽ vô cùng đáng tiếc.
Ví dụ như hệ thống kiến trúc cột dương được phát hiện vừa qua đã cho thấy từ thời Đại La, kiến trúc cột âm đã được phổ biến và đến thời Lý thì loại hình kiến trúc này được phát triển lên một tầm mức mới. Phát hiện này được đánh giá khá quan trọng, phản ánh sự phong phú, đa dạng trong quy hoạch đô thị và tính độc đáo của nghệ thuật kiến trúc thời Lý so với các kinh thành châu Á, đồng thời phản ánh tính chất đặc biệt của khu di tích đó là các công trình kiến trúc bát giác và lục giác. Bằng chứng khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu còn cho thấy, các công trình kiến trúc thời Đại La từng được xây dựng quy mô, kiên cố và có lịch sử phát triển liên tục trong suốt gần 2 thế kỷ. Sự xuất hiện kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi có quy mô lớn và kiên cố cùng những bước tiến trong quy hoạch mặt bằng với sự quy chuẩn về phương vị, thước đo hoặc việc sáng chế ra những loại ngói và phù điêu trang trí trên mái cung điện mang sắc thái độc đáo, riêng biệt của kiến trúc Việt Nam, phản ánh sự cống hiến quan trọng cho nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam dưới Vương triều Lý.
Tiến sĩ Momoki Shiro, Trường đại học Quốc gia Osaka (Nhật Bản), chuyên gia lịch sử Việt Nam thời Lý - Trần, cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra những chứng cứ cụ thể về tính liên tục và riêng biệt của kinh đô Thăng Long trong các giai đoạn Lý, Trần, Lê.
Theo quy hoạch, tổng diện tích Khu Hoàng thành là 45.380m2. Trong đó, diện tích xây nhà trưng bày khảo cổ là hơn 13.674m2, khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính rộng 3.438m2, diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195m2. Diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.803m2; Diện tích khu vực kỹ thuật, phụ trợ 859m2; Diện tích sân, đường giao thông là 6.214m2. |
Duy Nguyễn
(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)