72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp:
Bao giờ “cung” vừa “cầu”?!
Vừa qua, thông tin 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp năm 2013 khiến nhiều người giật mình về sự mất cân đối nhân lực trầm trọng. Tuy nhiên, nó chỉ là hậu quả của việc buông lỏng quản lý nhà nước về giáo dục; và cho đến nay, chưa ai dám đứng lên chịu trách nhiệm ...
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I-2014 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng Tổng cục Thống kê công bố, đã có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm có trình độ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012.
Cũng theo bản tin này, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ CĐ cao gấp 4 lần, nhóm trình độ ĐH trở lên cao gấp 3 lần tỉ lệ đối tượng thất nghiệp khác. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20 - 24 tuổi tốt nghiệp ĐH, CĐ trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.
Đã từng được cảnh báo
Nguyên nhân của việc dư thừa nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, đã được tổng kết với 3 sai lầm cơ bản. Đó là nhà trường chạy theo lợi nhuận, không biết về nhu cầu; nhà nước đầu tư không cân đối, không sát thực tế ngành nghề đào tạo và mất cân đối nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề mất cân đối cung – cầu nguồn nhân lực được đưa ra bàn thảo, khi mà từ 10 năm trước, lời cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực đã được đưa ra trước Quốc hội.
GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay”.
Số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng cao.
Về nhu cầu nhân lực, cả nước lúc đó có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần từ 5 - 7% cán bộ trình độ ĐH, 8% cán bộ trình độ CĐ, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13.000 - 15.000 cán bộ có trình độ cử nhân là đủ.
Nhưng ngay tại thời điểm đó, mỗi năm các trường ĐH, CĐ cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người - gấp hơn 10 lần so với nhu cầu; và con số đó hiện nay là 400.000 người.
Cho đến năm 2010, quy mô giáo dục ĐH càng phát triển ồ ạt với tốc độ cứ nửa tháng ra đời 1 trường, trong đó hầu hết các trường mới thành lập đều không đảm bảo điều kiện đào tạo.
Cùng với lượng cử nhân ra trường không tìm được việc dẫn tới lượng thạc sĩ thất nghiệp ngày càng lớn. Nhiều cử nhân ra trường, do loay hoay không xin được việc nên đành tiếp tục học luôn cao học cho... được việc, sau đó tính tiếp. Nhiều ý kiến còn lo ngại, lượng thạc sĩ thất nghiệp lại tiếp tục đua làm tiến sĩ khiến vòng luẩn quẩn tốt nghiệp - thất nghiệp tái diễn. Ngoài ra, theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà tuyển dụng ngần ngại sử dụng bằng cấp cao vì liên quan hệ số lương thưởng. Thực tế này khiến nhiều thạc sĩ ra trường gặp khó khi xin việc.
Lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của nhiều cử nhân, thạc sĩ, ông Nguyễn Bá Thắng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường ĐH, CĐ chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này”.
Trách nhiệm của ai?
Ngay từ khi còn làm Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), ông Nguyễn Thiện Nhân đã đặt vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội để hạn chế tình trạng thất nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ. Ngay sau đó, một chuỗi các hội thảo chuyên sâu đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ ngành khác tổ chức, nhằm cung cấp tốt hơn nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại hội thảo nhân lực ngành công nghệ thông tin, ông Bành Tiến Long khi đó là thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã thừa nhận: “Trong lúc nền kinh tế, tổ chức và doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng nhân lực CNTT thì hàng năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp không có khả năng tìm kiếm việc làm đúng nhu cầu của doanh nghiệp hoặc phải đào tạo lại, gây lãng phí lớn cho người học, gia đình và toàn xã hội. Nguyên nhân cơ bản là còn tồn tại những khoảng trống khác biệt giữa cung - cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: "Đừng để thanh niên thất nghiệp".
Đáng tiếc là sau hơn nửa thập kỷ, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị. Nguồn nhân lực dư thừa với số lượng lớn đặt ra câu hỏi lớn cho chất lượng giáo dục hiện nay. Vấn đề "thầy nhiều hơn thợ" được đặt ra khá bức xúc từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng, bởi thiếu hẳn chiến lược giáo dục bài bản, có tính toán hợp lý.
Một nguyên nhân nữa được nêu ra là “Việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này”. Như vậy, “cơ chế” tìm việc theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” như GS Hoàng Tuỵ đã tổng kết, cũng góp phần làm gia tăng số lượng cử nhân thất nghiệp. Để thay đổi, chắc chắn không phải là việc của riêng ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng nhiều là do cơ chế phân luồng học sinh kém hiệu quả. Hàng năm cũng có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng hơn 80% học sinh tham gia thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nhưng cũng chỉ có khoảng 10% học sinh đi học nghề, còn lại tham gia thị trường lao động hoặc đơn giản là ở nhà chờ năm sau thi đại học. Mặc dù trên thực tế, số đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chỉ khoảng 60% nhưng số không đỗ cũng không vào học tại các trường nghề.
Trong buổi làm việc với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 22/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu “Đừng để thanh niên thất nghiệp”. Tuy nhiên, tình trạng thanh niên, đặc biệt là đối tượng lao động có trình độ như cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không phải vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều. Để giải quyết triệt để vấn đề này, có lẽ ngành giáo dục cần ngay lập tức cân đối lại cơ cấu đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Khánh An