Nghệ sĩ hài Phạm Bằng: “Tôi có duyên với gái trẻ”
Dù đã ở cái tuổi 84 nhưng thường xuyên xuất hiện trong mô típ “chồng già - vợ trẻ” rất có nghề, nghệ sĩ hài Phạm Bằng chia sẻ: “Diễn với gái trẻ là đặc sản của tôi”.
Dù chính, dù phụ đều phải… hết mình
- Nghệ sĩ Phạm Bằng nghỉ hưu đã lâu, lại hầu như chỉ “gặp” khán giả vào dịp Tết đến, xuân về qua các clip hài. Thế nhưng tên ông vẫn chưa bao giờ nguôi nóng, ông có thấy mình may mắn?
- Cũng có thể đó là cái may mắn của Phạm Bằng, để biết rằng mình vẫn còn chỗ đứng trong lòng công chúng. Nhiều khi mình vẫn muốn làm, muốn cống hiến thật nhiều nhưng giờ có tuổi rồi, sức khỏe cũng không còn được như ngày xưa nên cũng lỗi hẹn với khán giả nhiều. An ủi của tôi vào mỗi dịp xuân về là cố gắng tham gia vào những tiết mục hài Tết, mang được tiếng cười đến cho khán giả là mãn nguyện lắm rồi.
- Xuân năm nay nghệ sĩ xuất hiện trong một clip hài duy nhất, ông có thấy hài lòng với vai diễn này?
- Vai diễn đã “nằm lòng” rồi nên cũng không có gì quá khó khăn với Phạm Bằng cả. Hơn nữa, tôi cũng không có gì phải băn khoăn, bởi khi làm việc là tôi đã cố gắng bỏ hết công sức của mình ra rồi. Tôi tin rằng bằng sự nhiệt tình của mình, tâm huyết của mình thì trong công việc nào, kết quả cũng sẽ không phụ lòng mình.
Nghệ sĩ hài Phạm Bằng đóng đinh với hình ảnh hài chồng già - vợ trẻ
- Nhìn lại những vai diễn của Phạm Bằng, thấy rằng ông toàn có duyên tung hứng với giàn diễn viên nữ trẻ đẹp?
- Tôi cũng không biết là duyên hay là nghiệp nhưng đúng là toàn được gắn với... gái trẻ. Chắc thấy mình già rồi “cặp” với trẻ nó mới “xôm” nên các đạo diễn cố ý chăng? Những cái trái chiều bao giờ cũng hài mà.
Đúng là mô tip Phạm Bằng + gái trẻ đã quá quen thuộc, có khi trở thành "đặc sản" mỗi khi nhắc đến tôi rồi, biết làm sao được, nhỉ? Nhưng phải thừa nhận rằng, khi diễn với các bạn trẻ, tôi thấy mình khám phá được nhiều cái mới và phát huy tính hài hước của mình nhiều hơn.
- Vậy nữ diễn viên nào ông cảm thấy hài lòng nhất, hợp với mình trong diễn xuất nhất?
- Bất kể vai diễn nào cũng vậy, đều là do đạo diễn chọn lọc hết nên khi đã chọn rồi thì mình cố gắng hòa nhập, tung hứng với sự lựa chọn đó thôi. Ngay cả bản thân mình cũng luôn luôn phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình. Ban đầu cũng gượng gạo nhưng có gặp gỡ trong một, hai dự án mà họ đóng hợp với mình, có thể tung hứng diễn xuất thì lại gặp nhau ở những dự án sau.
- Đã khi nào nghệ sĩ cảm thấy gượng gạo với những bạn diễn trẻ đẹp của mình chưa?
- Chắc quen rồi nên cũng không thấy gì cả (Cười).
Đùa vậy thôi, chứ công việc là công việc, đã “nhập vai” rồi thì phải hóa thân luôn, không nên để những trở ngại nào đó hạn chế diễn xuất của mình. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng gạt bỏ những cái so le để diễn.
Hài mà phải “cù” thì hỏng
- Hiện nay, giữa bao nhiêu gương mặt nghệ sĩ hài thì Phạm Bằng vẫn có một “cái chất” rất riêng. Bản thân nghệ sĩ tự đánh giá thế nào về cái chất riêng đó ?
- Diễn xuất thì có thể cả nghìn, cả vạn diễn viên đều biểu hiện như nhau nhưng đánh giá ai hơn ai được nó lại nằm ở cái thần thái, phong cách riêng không trộn lẫn của mỗi người. Ví dụ, cũng có những vai diễn không ai có thể thay được Quốc Khánh, Quang Thắng, Vân Dung… thì cũng có những vai diễn không ai thay thế được Phạm Bằng.
Là một diễn viên hài thì hài hước phải là chủ đạo. Tôi đặc biệt đề cao tính hài hước nhưng chân thật trong các sản phẩm hài, nếu hài mà gượng gạo thì chỉ là sự giả tạo mà thôi.
Chất hài toát lên từ thần thái
- Là cái diễn mà như không diễn, hài hước toát ra từ thần thái, thưa nghệ sĩ?
- Đó là cái tài của người diễn viên, làm thế nào để người xem họ biết rằng đây không phải là diễn, cũng không phải là cái nghề của sân khấu mà đây là cuộc sống. Nếu làm được điều đó thì diễn viên đã ở mức siêu đẳng, nghĩa là anh hòa nhập được giữa cuộc sống và sân khấu, khán giả đi xem cuộc sống trong cuộc đời chứ không phải đi xem diễn nữa.
- Nghệ sĩ có kỳ vọng quá không, trong khi nhiều diễn viên bây giờ chỉ biết chạy sô diễn và diễn, thưa nghệ sĩ?
- Chỉ nói riêng hài tôi cũng nhận thấy bây giờ hài bị lạm dụng quá nhiều. Nhiều người họ cứ nghĩ làm hài quá dễ, làm thế thì ai chẳng làm được và người ta cứ làm. Người ta không cần nghe những lời phân tích, lời phê phán của khán giả hoặc là nếu người ta có nghe thấy những lời phân tích của khán giả, của người xem thì người ta cũng không tiếp thu, đó là sự chủ quan của người sản xuất hài, Tôi thấy điều đó là rất nguy hiểm. Mình đã không soi được mình rồi lại còn không tin ở quần chúng soi mình thì tôi cho là đáng chán.
Làm hài, nếu làm đúng thì hiệu quả của nó rất cao, được công quý trọng. Nhưng ngược lại anh diễn hài mà là sực khiên cưỡng, gượng ép thì đó là sự tai hại của nghiệp diễn. Khán giả giờ họ cũng “kinh khủng” lắm, họ tinh tường chứ không đơn giản chấp nhận những tiếng cười nhạt đâu. Hài mà phải “cù” công chúng mới cười thì coi như hỏng hẳn.
- Cảm ơn nghệ sĩ!
Huyền Anh (Thực hiện)