Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 2)
(PetroTimes) - Từ sân bay về nhà máy, tôi thấy đã có nhiều công trình phụ trợ mọc lên để phục vụ cho việc khai thác dầu vào năm 2014. Đó là một nhà máy sơ chế dầu, một khu kho bãi rộng đến 5ha, nhà cho công nhân và đặc biệt là hệ thống đường ống dẫn dầu chạy từ mỏ xuyên sa mạc về Hassi Messaoud.
Phóng sự ghi lại công cuộc khai thác dầu mỏ làm giàu cho đất nước ở sa mạc Sahara của các kỹ sư Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).
***
>> Chuyện 'bới cát' tìm dầu ở 'sa mạc lửa' (Kỳ 1)
Từ sân bay về nhà máy, tôi thấy đã có nhiều công trình phụ trợ mọc lên để phục vụ cho việc khai thác dầu vào năm 2014. Đó là một nhà máy sơ chế dầu, một khu kho bãi rộng đến 5ha, nhà cho công nhân và đặc biệt là hệ thống đường ống dẫn dầu chạy từ mỏ xuyên sa mạc về Hassi Messaoud.
Ở trên máy bay có thể dễ dàng nhìn thấy hệ thống đường ống dẫn dầu từ các mỏ nối về thành phố Hassi Messaoud chằng chịt như mạng nhện. Chẳng phải vùi lấp, chẳng phải người canh gác bảo vệ, tất cả cứ phơi trên mặt cát. Bỗng dưng tôi thầm nghĩ, nếu như ở Việt Nam mà làm một hệ thống đường ống dẫn dầu như thế này thì không hiểu việc đền bù, giải tỏa sẽ ra sao và tốn kém đến mức nào, rồi chi phí nuôi một đội quân bảo vệ.
Thấy Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Cường và chúng tôi tới, anh em ùa ra đón. Tôi sững sờ khi nhìn thấy một người trông hệt như một tín đồ Muslim với đặc trưng là bộ râu dài. Anh là Trịnh Văn Cường. Hỏi ra mới biết anh là Giàn trưởng giàn PVD-11 và có biệt danh là Cường “râu”. Tôi hỏi anh: “Ở đây thiếu dao cạo râu hay sao?”, Cường xua tay: “Em để râu cho… mát mồm”.
Giời ơi là giời. Không ai có thể nói về bộ râu của mình hay hơn Trịnh Văn Cường và có lẽ đã phải chịu nhiều nắng gió ở sa mạc lắm nên anh mới nói được như vậy.
Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh (thứ 2 từ trái sang) thăm giàn khoan PVD-11 tại sa mạc Sahara
Cường được đào tạo về dầu khí ở Trường Kỹ thuật Bacu và từ năm 1991 đến nay, cuộc đời của anh gắn với các giàn khoan, khi thì trên biển, khi thì trên đất liền, lúc ở rừng núi, lúc lại ở sa mạc. Từ năm 2007, anh đã sang đây và suốt từ đó đến nay, tuy cũng có lúc gián đoạn nhưng công việc của anh chủ yếu là nằm ở trên sa mạc lửa này và gắn với giàn khoan PVD-11. Cường quê ở Hải Phòng, vợ ở nhà trông 4 đứa con. Các cháu đều học giỏi, còn về đạo đức thì Cường bảo: “Được nhờ chúng nó về sau?”. Nếu được thế thì đúng là có phúc. Thời buổi này, chỉ cần con cái đừng hư hỏng, đừng làm phiền cha mẹ, thế là may lắm rồi. Mong gì chúng làm ra tiền ra của nuôi dưỡng thân già.
Cũng có một người để râu, nhưng không đến nỗi như Cường - đó là Dương Văn Mạnh, Đốc công ca đêm. Mạnh nom rất đàn ông và luôn luôn có nụ cười rất tươi. Anh thường có câu cửa miệng mỗi khi ai nói đến việc gì khó khăn là: “Chuyện nhỏ như con thỏ đang vẫy tai”.
Ở giàn khoan có hai bậc “cao niên” là kíp trưởng Bùi Thọ Cương và Phạm Văn Chuyên, cả hai anh đều hơn năm chục tuổi. Trông anh Chuyên nói chuyện với một công nhân Algeria, nếu không nghe tiếng nói thì khó mà phân biệt được đâu là “ta”, đâu là “tây”.
Nơi nào có câu “ốm tha, già thải”, chứ giàn khoan thì không có khái niệm ấy, cách nghĩ ấy. Những người cao niên như anh Cương, anh Chuyên được anh em coi như thợ cả và cần mẫn truyền nghề lại cho lớp sau. “Trẻ xông pha, già mẫu mực” - cả hai anh đều là những tấm gương về ý chí, nghị lực và tận tụy với công việc, cho anh em trẻ noi theo.
Khi đã bước vào ca trực thì tất cả mọi người đều chung một suy nghĩ là “làm thế nào để giàn vận hành an toàn và làm thế nào để rút ngắn thời gian khoan” - tất cả chỉ có vậy. Công việc trên giàn khoan không cho phép ai đó có những phút xao nhãng, còn trên một trăm mét vuông mặt sàn khoan bằng sắt thép này, không có “đất” dành cho những toan tính cá nhân.
“Phi công” lái “giàn khoan” là kíp trưởng. Là người điều khiển cả hệ thống máy móc vận hành qua hàng chục cái đồng hồ to bé trước mặt. Người kíp trưởng ngồi lọt thỏm trong ghế, hai tay nắm hai cần điều khiển, hệt như phi công lái máy bay. Nhưng công việc này “khủng khiếp” hơn phi công lái máy bay ở chỗ, máy bay còn có chế độ bay tự động. Cơ trưởng có thể ra ngoài ngồi chơi, thậm chí đưa chị em vào buồng lái tán phét. Nhưng người kíp trưởng thì suốt 12 tiếng đồng hồ cho một ca làm việc, anh phải cắm mặt xuống nhìn vào dãy đồng hồ… Rồi cứ 30 phút một lần, anh phải ghi lại các thông số kỹ thuật cần thiết vào sổ. Thật ra, đã có hệ thống lưu trữ các số liệu đó trong hệ thống máy tính điều khiển. Nhưng kíp trưởng vẫn bắt buộc phải ghi bằng mực đen trên giấy trắng… (phi công lái máy bay chở khách cũng phải ghi trong hành trình bay thế này). Tôi nhìn kíp trưởng Đỗ Công Chính điều khiển giàn khoan và thấy hãi, bởi công việc quá đặc biệt này.
Anh Trịnh Văn Cường - Giàn trưởng giàn khoan PVD-11 tại sa mạc Sahara
Cuộc sống và lao động trên giàn khoan tại Sahara là cực kỳ khắc nghiệt. Xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn ghi chép của ông Văn Đức Tờng, Phó tổng giám đốc PV Drilling: “Bước chân xuống sa mạc Sahara, đôi giày thể thao đế cao 4-5cm mà vẫn bị ngập trong lớp bụi. Sa mạc phẳng lỳ, không có gì che chắn nên gió thổi từ bốn phương tám hướng, tạo sức mạnh cho hàng nghìn tỉ hạt bụi cất cánh tung vào bầu không khí nóng khô người, chỉ hít qua một vài nhịp thì trong miệng đã có cát lạo xạo. Nếu vô tình chạm hai hàm răng với nhau là biết ngay, cái cảm giác ghê răng trào dâng tận bộ thần kinh trong óc”.
Có 3 xe ôtô loại 2 cầu và chừng gần vài chục bộ đội địa phương mặc quần áo rằn ri, tay lăm lăm súng AK-47 chờ ở bãi đáp máy bay để hộ tống 4 chúng tôi trên quãng đường chừng 6km về PVD-11. Khoảng 9 giờ sáng nhưng cái nắng chói chang ghê rợn đã bao trùm khắp sa mạc.
Đưa cái túi hành lý vào lều, tôi leo lên giàn khoan. Trải qua 5 năm chịu đựng khí hậu khắc nghiệt của Sahara, nhưng PVD-11 của chúng ta vẫn còn đủ sức khỏe để xuyên thủng lòng đất 5, 6 cây số là chuyện hoàn toàn thực hiện được. Tuy màu sơn có cũ kỹ đi chút xíu vì dung dịch khoan bắn vào, nhưng các thiết bị vẫn “ngon lành”, được chăm sóc cẩn thận bởi bàn tay vàng của anh em chúng ta bên đó. Lúc này đang kéo bộ khoan cụ, vì dung dịch gốc dầu nên phải vuốt sạch bộ cần, thành ra vận tốc kéo không nhanh được. Mặc dù đã có bộ váy che kín, nhưng dung dịch vẫn bắn tung tóe khắp mặt bàn rotary, anh em phải cào sạch, người lấm lem, đen nhẻm dầu mỡ, chỉ còn cặp mắt là sáng long lanh và nụ cười tươi như hoa mua tím ven vệ đường đồi núi miền trung du chúng ta vậy. Ban trưa, nhiệt độ lên tới 53 độ nên mọi thứ chất lỏng trong dung dịch khoan cũng mau khô và cứng ngắc. Cái nóng ta có thể hình dung như sau: các lan can thép xung quanh ta vô tình chạm bàn tay trần vào đó thì như một luồng điện giật, làm ta phải thụt tay lại ngay.
Thức ăn quanh đi quẩn lại chỉ có bánh mì khô cứng sau khi cắt ra chừng vài chục phút, thịt bò hay cừu nướng hoặc gà, một ít rau salad trộn cà chua, khoai tây rán, trên bàn có lọ muối, tiêu, dầu ôliu. Họ không xơi món FISH; DUCK hay PORK nên quân ta thèm thứ này kinh hồn luôn.
Sau doanh trại bộ đội là một bãi rác thải. Ban chiều có 5 con lạc đà loại một bướu không biết từ đâu lang thang tới, đang sục đầu tìm những thứ chén được lùa vào dạ dày xẹp lép: vỏ dưa, lá rau héo, bìa thùng giấy, mẩu bánh vụn, vỏ khoai tây, cà chua. Mấy chú lạc đà thưởng thức một cách ngon lành và mãn nguyện lắm. Lạc đà khá cao, có lẽ từ móng chân lên tới đỉnh bướu chừng 2m. Mùi hôi kinh khủng luôn. Tôi chưa từng thấy loài động vật nào hôi như mấy vị lạc đà sa mạc Sahara này. Hai cánh mũi của chúng dài bất thường, dài gần như cái nắp che đậy mũi của nó và cánh mũi luôn che đậy kín lỗ mũi. Lâu lâu hắn ta mới mở hé nắp mũi và rón rén thở một phát nhè nhẹ như sợ hết mất ôxy. Kể cũng lạ lùng, chắc do ông trời sinh ra vậy nên lạc đà mới tiết kiệm được nguồn nước trong cơ thể và tránh bụi cát chui vào phổi, tránh bị viêm đường hô hấp chăng và không bao giờ bị… ho lao? Con lạc đà có cổ khá dài, gần như hươu cao cổ vậy, không có sừng, nghe nói nó cắn khá hiểm. Bởi vậy tôi không dám đứng gần, đứng sau sợ nó đá hậu, đứng ngang sợ nó đớp, thành ra tôi đứng cách lũ lạc đà chừng 3m, ngoài tầm nguy hiểm để xem vì tò mò.
Điện thoại ngoài sa mạc coi như vô tác dụng. Mạng wifi vô cùng yếu ớt, chỉ ngồi tại văn phòng mới có tí sóng. Về camping ngủ chỉ cách văn phòng 1m là hết wifi. Không tivi, không có ca sĩ phòng trà, không trà đá, bia bọt. Ban đêm tiếng dế nỉ non đến phát ớn, bọn dế chui xuống gầm camping tránh nóng và có nước thải sinh hoạt để chúng thưởng thức. Đi theo lũ dế là rắn đuôi chuông săn mồi. Rắn vùi mình trong cát bụi, chờ mấy em dế đoản mệnh đi ngang miệng thì phóng đầu ra đớp, kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi của con dế tội nghiệp”.
***
Giàn khoan PVD-11 là giàn khoan trên đất liền được đóng theo công nghệ hiện đại và có thể khoan tới độ sâu trên 7.000m. Lúc tôi đến thì giàn đang khoan ở độ sâu 3.864m và mũi khoan đang phải xuyên qua 25 tầng địa chất khác nhau. Ở độ sâu 1.123m và độ sâu 2.825m, mũi khoan phải “bơi” qua 2 dòng sông ngầm đang chảy dưới lòng sa mạc.
Anh Trịnh Văn Cường cho biết: “Cấu tạo địa chất ở sa mạc Sahara phức tạp hơn rất nhiều lần so với cấu tạo địa chất ở các nơi mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang thăm dò, khai thác. Khi khoan qua tầng nước là phải rất cẩn thận, bởi lẽ phía Algeria rất coi trọng việc bảo vệ nguồn nước này, việc chống ô nhiễm nguồn nước được đặt lên hàng đầu. Không ai biết dòng sông ngầm dưới độ sâu hơn 1.000m và gần 3.000m có trữ lượng bao nhiêu và chảy như thế nào nhưng những cán bộ địa chất nói nó giống như dòng sông Hồng chảy dưới lòng sa mạc. Chỉ có điều chắc chắn là nước ở đây hơi mặn”.
Phó tổng giám đốc PVD Nguyễn Xuân Cường tặng quà kỷ niệm cho đối tác Algeria trong Liên doanh
Giàn PVD-11 là giàn khoan sử dụng dòng điện biến tần thông qua hệ thống điều khiển VFD. Đây là loại giàn khoan hiện đại bậc nhất mà vào thời điểm năm 2007 ở Algeria chưa có.
Về việc đóng, vận chuyển giàn khoan vượt biển từ Việt Nam sang Algeria, rồi lại băng qua hơn 1.000 cây số sa mạc, có rất nhiều điều đáng nói và như một kỳ tích, một huyền thoại về trí tuệ, tinh thần sáng tạo vô song của những người thợ PV Drilling.
Tháng 7/2007, giàn PVD-11 đã cập cảng Skikda. Phải mất cả tháng trời để hải quan Algeria làm thủ tục. Hải quan nước sở tại làm việc cực kỳ nguyên tắc và nhiều khi nguyên tắc đến mức… kỳ lạ. Tỉ dụ như trong vận đơn, có loại thiết bị ống nối được ghi số lượng là 02. Nhưng khi xếp hàng, công nhân vặn hai ống lại với nhau vừa đỡ hỏng, vừa tiết kiệm diện tích… Nhưng khi kiểm tra, nhân viên hải quan chỉ chấp nhận là có… 01. Giải thích thế nào họ cũng không nghe. Cuối cùng phải mang bản vẽ thiết kế ra họ mới chấp nhận. Chỉ một việc nhỏ ấy thôi mà mất cả chục ngày đi lại, chầu chực, chờ đợi.
Để vận chuyển giàn khoan có tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn cần phải dùng đến 200 chuyến xe tải và băng qua con đường trên sa mạc hơn 1.000km. Có loại thiết bị thuộc hàng siêu trường, siêu trọng, với trọng lượng hơn 40 tấn. Vận chuyển loại thiết bị này trên đường bình thường đã rắc rối, huống hồ phải đi trên sa mạc, có nhiều cung đường phải băng qua những đồi cát. Và tất nhiên, cứ mỗi đoàn xe đi như vậy lại phải có hàng chục bộ đội Algeria đi hộ tống, rồi có xe chuyên dụng để mở đường.
Đi chợ mua dưa
Việc vận chuyển giàn khoan đến Sahara được anh em tính toán cực kỳ cẩn thận. Nhưng có những thứ “người tính không bằng giời tính”. Lúc đoàn xe lên đường thì thời tiết Sahara đang vào giữa mùa hè và bão cát liên tục. Đất trời sa mạc thoắt nắng, thoắt tối, thoắt bão, thoắt êm… trở mặt như bàn tay. Đang yên ả đấy, bỗng trời tối sập xuống, bão cát ập đến. Đất trời như quay cuồng trong cát. Tiếng gió gào lọng óc, sức gió thổi bay cả người, còn cát thì ném vào da thịt hệt như có thằng nào bốc cát xát vào mặt.
Để di chuyển trên chặng đường đấy, họ đã phải đi mất đúng một tháng, bởi lẽ 2 lần gặp bão cát phải quay trở lại. Phải mất gần 1,5 tháng việc vận chuyển giàn khoan mới hoàn tất.
Nhưng nói đến việc vận chuyển giàn khoan này, cho đến nay, có không ít người vẫn còn nhớ như in. Đặc biệt là cảm giác khi nghe tin xe containe chở bộ phận điều khiển bị đổ…
Người đó là Nguyễn Thế Sơn, Trưởng ban Phát triển kinh doanh và Hỗ trợ Dịch vụ của PV Drilling, ngày ấy, anh là chuyên viên trong Ban Dự án Algeria: “Tôi nghe điện thoại thông báo về là xe chở khối thiết bị điều khiển giàn khoan bị đổ. Các thiết bị rơi vãi lung tung cả… Nghe xong mà hai đầu gối tôi nhũn ra, tưởng như nặn bằng… bột. Phải cố lắm tôi mới không để bị ngã. Khi ra được đến chỗ xe bị nạn, nhìn đống thiết bị văng mỗi nơi một cục, lòng tôi như bị xát muối. Khóc không khóc được, kêu không kêu được…”.
Còn Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng thì không thể nào quên cú điện thoại lúc nửa đêm, dựng anh dậy và thông báo xe bị đổ, ảnh hiện trường đã gửi vào hộp thư… Anh kể: “Tay chân tôi run bần bật. Phải cố gắng lắm tôi mới mở được máy tính. Và khi nhìn vào những tấm ảnh chụp các khối thiết bị văng ra, lăn lóc trên cát, tôi như bị cú đấm cực mạnh vào ngực, một cảm giác buồn, thất vọng, lo lắng bao trùm tất cả. Ngày hôm sau, tôi lấy vé máy bay sang Algeria… Giàn khoan chở về đến nơi. Mất nửa tháng, anh em của PV Drilling lắp xong và cũng thật kỳ lạ, chỉ trong vài ngày, anh em sửa chữa được tất cả những trục trặc về kỹ thuật do vụ đổ đó. Giàn khoan đi vào hoạt động hoàn hảo, trơn tru, như… không có chuyện gì xảy ra”.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong (NLM số 239)
>> Chuyện 'bới cát' tìm dầu ở 'sa mạc lửa' (Kỳ 1)
>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 3)