Khen - chê thế nào cho phải?
Những lời khen - chê thẳng thắn dường như đang là “của hiếm” trong giới showbiz Việt. Giữa những ngôn từ chỉ toàn là “nói khẽ , cười duyên” thì việc chê thế nào cho phải, cho đúng... đang là một việc hết sức cần thiết.
Chê thế nào cho phải có lẽ là nỗi băn khoăn lớn của những người được gánh trọng trách khen - chê. Nhất là những lời “vàng ngọc” của người đi trước dành cho kẻ đi sau. Phải chê sao cho nhẹ nhàng, ý nhị, đôi khi đó cũng là một sự bắt buộc để đảm bảo an toàn cho mình, tránh búa rìu dư luận và truyền thông.
Bởi vậy mà, trước đây trong chương trình Album vàng, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng gây ngỡ ngàng với đông đảo khán giả khi dám thẳng thừng chê người đẹp Trúc Diễm hát dở trực tiếp trên sóng truyền hình. Dư luận xôn xao một thời gian dài trước lời chê thẳng thắn của ông.
Showbiz đang thiếu những lời chê thẳng thắn và chân thành
Không ít ý kiến cho rằng nhạc sĩ Trần Tiến đã quá “ác” bởi dám chê thẳng, chê thật hơn nữa lại là của một nghệ sĩ gạo cội dành cho thế hệ theo sau. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng giữa một “rừng” những lời nhận xét nhạt nhẽo có khi chỉ toàn là tung hoa, chúc mừng mà không dám nhìn thẳng vào sự thật thì những lời nhận xét chân tình như của nhạc sĩ Trần Tiến được xem là “của hiếm”. Và đương nhiên, hiệu ứng từ những lời nói thẳng, nói thật ấy đã khiến không chỉ người trong cuộc giật mình mà cả những người ngoài cuộc cũng phải nhìn lại bản thân.
Điều gì làm nên cái khó của một sự chê? Sự thật thì, chê cũng như khen, nhận xét chung chung theo kiểu vô thưởng, vô phạt để không “đụng chạm” đã làm cho giá trị của lời nhận xét gần như là bằng 0. Và chỉ được người nghe hưởng ứng kiểu: “Em cảm ơn anh chị vì những lời nhận xét quý báu, em sẽ cố gắng!”, rồi thôi. Hiếm lắm mới có được lời chê tạo nên được một cuộc tranh luận và nó đã làm nên giá-trị-thật-sự của một lời chê như nhạc sĩ Trần Tiến.
Bởi vậy mới nói, khen thế nào cho phải, chê thế nào cho đúng cũng là cả một nghệ thuật. Một tín hiệu đáng mừng trong các cuộc thi gần đây là những đàn anh, đàn chị, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng hay người câm cân nảy mực... đã mạnh dạn nói thẳng, nói thật bằng những nhận xét đánh giá “thấu tim”.
Rà soát những kịch bản dành cho giám khảo các cuộc thi: Sao Mai điểm hẹn, Vietnam next top model, Vietnam’s Idol, The Voice... thì thấy rằng, những chương trình này đã mạnh dạn đưa tiêu chí cho BGK là nên nói thẳng, nói thật. Và thực tế thì, những nhận xét của các vị giám khảo đã trở nên rõ ràng và thẳng thắn hơn chứ không còn ý nhị, chung chung như những năm trước.
Màn chê thẳng thắn của Giám khảo Luke Nguyễn lên đến đỉnh điểm khi đổ thẳng đĩa bánh xèo vào sọt rác
Không ngoa khi nói rằng những điều này đã đóng góp không nhỏ tạo nên những kịch tính khiến chương trình trở nên hấp dẫn và sôi động hơn. Bên cạnh đó, giá trị của những lời nói thẳng, nói thật tại các cuộc thi cũng giúp cho thí sinh nhìn nhận và sửa chữa những yếu điểm của mình, giúp cho khán giả “bỏ phiếu” bình chọn khách quan nhất. Đã có Mỹ Tâm, Quốc Trung, đạo diễn Quang Dũng... những người đã từng ngồi trên ghế nóng làm được điều này. Họ không chỉ nói biết cách “nói thật” mà còn nói thật từ chính tấm lòng chứ không phải sự “diễn”. Bởi đôi khi chê là tốt, nhưng sự chê lại vì một mục đích khác. Một khi sự chê lại mang tham vọng đẩy mọi sự lên đỉnh điểm để đạt được cái gọi là “kịch tính” cho chương trình thì lại trở thành phản cảm.
Trường hợp gần đây nhất là của giám khảo Luke Nguyễn trong chương trình MasterChef Việt Nam. Vì quá bức xúc trước việc thí sinh thực hiện quá tệ trong phần thi làm bánh xèo mà vị giám khảo này đã đổ đĩa bánh xèo của thí sinh Anh Thư vào sọt rác. Giám khảo này còn nói: “Các bạn phải cảm thấy xấu hổ vì hôm nay các bạn làm tệ quá. Luke cũng cảm thấy xấu hổ” trước sự ngỡ ngàng của thí sinh cũng như khán giả theo dõi chương trình. Nói gì thì nói, chê là việc cần có khi thí sinh không làm đạt yêu cầu. Nhưng hành động của vị giám khảo này đã đi quá xa so với văn hóa cho phép. Và đương nhiên, phần nào đó là thiếu tôn trọng thậm chí làm tổn thương thí sinh tham gia cuộc thi.
Nói thẳng, chê thật là một điều cần thiết nhưng ở mọi hành động thì phông văn hóa vẫn nên là nền. Ai cũng muốn góp phần xây dựng thế giới showbiz văn minh, lành mạnh và tất nhiên là có đẳng cấp, có chuyên nghiệp... thì việc góp ý sửa sai là một điều cần có.
Hoàng Lãm - Huy An