Nơi chiến tranh còn "ngưng đọng"
(Petrotimes) - Bước qua cánh cổng sắt cũ của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công ở xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình, tôi đã chứng kiến một thế giới khác, một thế giới biệt lập, nơi có những người đàn ông tưởng mình vẫn còn cầm súng và những y, bác sĩ vẫn ngày ngày cặm cụi chăm sóc những vết thương của chiến tranh.
Đi vào “cõi điên”
Chiều, những cơn mưa mùa hạ làm cho bầu trời vốn thanh bình bỗng trở nên ảm đạm. Con đường nhỏ giữa một bên là chợ và một bên là hàng quán đưa chúng tôi tới Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công ở xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình. Trước mắt tôi là quang cảnh của một trung tâm với cơ sở hạ tầng xuống cấp và nghèo nàn. Đến cái biển tên cũng không có, cánh cổng sắt cũ kỹ gá vào 2 cột với những thanh sắt chỏng chơ, cả dãy nhà bị tốc mái với những nứt nẻ dọc ngang gần đó.
Bước chân qua cánh cổng sắt tôi thấy hơi sờ sợ trước những ánh mắt thật khó diễn tả bằng lời đang đổ dồn về phía chúng tôi. “Chụp cho kiểu ảnh, chụp cho kiểu ảnh đê hê hê”; “Có thuốc không? Cho xin điếu… hê hê!”. Sẵn có bao thuốc dở tôi chìa ra, một số bệnh nhân ở gần ào đến, đôi mắt hấp háy đầy vẻ thèm thuồng. Bác sĩ Ruệ (người dẫn đường cho tôi) bất đắc dĩ làm thêm công việc là chia thuốc lá. Tôi nhận rõ sự tiếc nuối trên khuôn mặt đờ đẫn của những bệnh nhân đến sau.
Bữa ăn vội vã của các bệnh nhân
Bác sĩ Ruệ đưa tôi đi tham quan khu nhà ở của các bệnh nhân, cái cảm giác đầu tiên là mùi nồng nặc của cơ thể xộc vào mũi. Cũng đúng thôi, họ có kiểm soát được hành vi đâu nên việc vệ sinh sẽ rất khó khăn và như vậy thì một y vụ làm sao có thể làm thay cho tất cả mấy chục con người này. Trong số những bệnh nhân ở đây có anh Nguyễn Văn Hải có phần kém may mắn hơn. Ở cái tuổi 52 của anh, người ta có thể đã được làm ông với vài ba đứa cháu. Nhưng anh Hải chưa có vợ. Người thanh niên quê Hưng Hà, Thái Bình này xung phong vào bộ đội khi chưa đầy 20 tuổi và trở thành lính đặc công, tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường miền Nam. Từ chiến trường, anh được đưa thẳng về khu điều dưỡng thương binh với chứng bệnh tâm thần phân liệt. Vết thương quái ác kích động mạnh lên con người này, khiến sau một thời gian dài để chữa trị cho anh nhưng không hiệu quả, các bác sĩ đành phải dằn lòng xích chân, xích tay anh lại. Có lúc, anh không “thèm” mặc quần áo, không có ý thức mặc quần áo.
Cho đến bây giờ, khi mà chiến tranh đã lùi xa đến mức người ta tưởng rằng có thể quên được khi mà mọi người đang mải miết vun đắp cho cuộc sống thì những người lính đặc công này vẫn hằng ngày ôm súng (một thứ súng tưởng tượng) khom người leo lên, hô xung phong, bóp cò… rồi vật xuống quằn quại như thể vừa trúng đạn, như thể đang bị chính vết thương ngày xưa cứa nhói. Cái khoảng sân rộng rợp bóng cây của trung tâm điều dưỡng… với anh vẫn là Trường Sơn, là chiến trường B ác liệt mà anh đã trải qua.
Ông Bùi Đình An, Trưởng phòng Hành chính kể những câu chuyện mà người nghe không khỏi rùng mình. Những câu chuyện của họ, dù chỉ là vài cái gạch đầu dòng (bởi chẳng ai có thể khai thác đầy đủ từ một người điên), cũng đã thấm đẫm sự thương tâm, nỗi đớn đau của những số phận. Ông An kể: Ở trong trại, có bệnh nhân tên là Hoàng Anh Quyết (sinh năm 1957), từng là lính chiến đấu ở Campuchia, đã có vợ là người nước bạn. Rồi một ngày anh bị phát chứng bệnh hoang tưởng. Trở về Việt Nam, sống tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải, anh thường xuyên đuổi đánh bố mẹ ruột vì nghĩ rằng họ chính là... mật thám theo dõi anh.
Chính quyền địa phương và gia đình đã quyết định gửi anh vào trung tâm để chữa trị. Bi kịch xảy ra khi ông Phó chủ tịch xã cầm giấy báo đi chữa bệnh đến nhà thì anh hoang tưởng đó là một âm mưu để bắt anh. Với ý nghĩ đằng nào cũng bị bắt, rồi chết, anh đã giết người vợ của mình. Sau khi gây ra tội ác tày trời ấy, anh tự tử, nhưng hàng xóm kịp thời ngăn lại. Nhưng, bi kịch khủng khiếp ấy đã khiến 2 đứa con thơ mất mẹ, còn anh, những giây phút le lói sáng trong màn đêm mờ ảo của trí óc, là những giây phút anh biết đến sự ân hận, nhưng đã quá muộn.
Tôi đi qua những căn phòng, những người đàn ông, đàn bà mặc những bộ đồ xanh đang nằm ngồi bất cứ chỗ nào có thể. Từng tốp những bệnh nhân tâm thần ngồi co ro với nhau trên ghế đá dưới mái hiên của sảnh bệnh viện. Họ mặc áo bệnh nhân, đồng phục sọc xanh trắng. Những thân hình chẳng giống ai, tóc tai bù xù, những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ nhìn ra trời mưa. Họ lặng lẽ nhìn tôi. Họ cười. Họ hát. Rồi họ làm những động tác không thể hiểu. Với họ, chiến tranh dường như ở đâu đây thôi, gần lắm. Không mặc áo, anh Hải nắm tay tôi bước trong khoảng sân như một đứa trẻ…
…Tiếng kẻng vang lên. Hàng chục người, người nào cũng đen đúa, đôi mắt dường như đã trở nên bàng quan với tất cả, ùa vào phòng ăn. Có lẽ, đã thành thông lệ, họ nhanh chóng tìm đến chỗ ngồi của mình. Người điên, tất nhiên là họ khổ rồi, nhưng cái khổ đó còn hằn sâu cả vào trong bữa ăn. Ai mà không ứa nước mắt trước cái cảnh họ nhồm nhoàm, xì xụp, hối hả đưa vào miệng, không phân biệt đâu là cơm, đâu là thịt, đâu là nước canh. Có người còn tội nghiệp hơn, bưng bát cơm vào góc nhà, ngồi bệt xuống, rồi hấp tấp ăn, nước canh rớt cả xuống sàn nhà. Chỉ khoảng 5 phút họ đã hoàn thành bữa ăn của mình, rồi nhanh chóng rời khỏi phòng ăn. Có lẽ, đây là bữa ăn tập thể có tốc độ nhanh nhất mà tôi được chứng kiến.
Y Đức và chữ Tâm
Ông Phạm Xuân Vỵ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay 63 cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công đang phục vụ 210 đối tượng, trong đó nhiều người tuổi cao, bệnh nặng. Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân thần kinh có vấn đề càng khó khăn gấp bội. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh.
Chị Phạm Thị Hường, Trưởng phòng Y vụ dẫn tôi đi thăm từng phòng bệnh nhân bỗng nhiên chị quay lại hỏi tôi: “Anh có hình dung được công việc của chúng tôi không?”. Tôi lắc đầu. Rồi với giọng trầm buồn chị bảo: “Vừa là thầy thuốc, lại vừa như là vợ, là mẹ, như người phục vụ. Anh thấy đấy, như cô H kia kìa. Cô ấy là thanh niên xung phong 64 tuổi rồi, không chồng, không con, không gì cả và cũng không biết gì cả. Bị tâm thần mà. Từ ăn uống, tắm giặt đến vệ sinh cá nhân đều do chị em hộ lý chúng tôi làm thay. Hay như anh… đây, đến cái áo chị em cũng phải mặc cho. Đấy là chưa kể mỗi lần anh ấy lên cơn kích động (mùa nóng có khi mỗi ngày một lần) ba bốn chị em xúm lại mới mới giữ để tiêm thuốc được.
Những cán bộ ở đây vừa là hộ lý vừa kiêm "bảo mẫu"
Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những y, bác sĩ và điều dưỡng thì mới nhận thấy đó là công việc mà không phải ai cũng làm được. Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng, mình là những người “trên cả toàn diện”. Bởi có đến 95% bệnh nhân ở đây không có người nhà chăm sóc, thế nên ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải chăm sóc cho họ đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc… Chuyện y, bác sĩ nữ phải tắm cho bệnh nhân nam ở đây không phải là chuyện lạ”.
Thú thật, khi mới bước chân vào đây, tôi vẫn mang trong mình cảm giác ớn lạnh và sợ sệt. Bởi trước đó tôi đã được nghe kể nhiều về việc bệnh nhân đánh gãy tay, sưng mặt, rồi đe dọa bác sĩ khi cơn kích động nổi lên. Đem thắc mắc đó hỏi bác sĩ Ruệ, tôi được anh cho biết: Các cán bộ ở đây phải thực sự sống chung với các bệnh nhân. Ngoài việc khám bệnh, theo dõi sức khỏe, tâm lý, họ còn phải làm thay cho bệnh nhân những việc khác như cắt tóc, cạo râu, tắm giặt, vệ sinh... Trong quá trình chăm sóc như vậy, nhiều cán bộ đã mang thương tật suốt đời khi bị người điên tấn công.
Câu chuyện đau buồn nhất là về ông Trần Đăng Phượng, hiện đã về hưu, vốn trước đây làm hộ lý tại khoa 1, là khoa của những người bị bệnh nặng. Hôm đó, khi bệnh nhân đòi ra ngoài, ông đã ngăn cản, nên đã bị một bệnh nhân đấm rất mạnh vào mắt phải. Cú đấm quá hiểm, khiến ông phải đi cấp cứu, phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt, nhưng con mắt ấy vẫn phải chịu cảnh mù lòa suốt đời. Nhiều cán bộ khác cũng “chịu chung số phận” với ông Phượng, như anh Hùng (hộ lý) bị bệnh nhân dùng gạch đập vào đầu; chị Dung (nhà bếp) bị bệnh nhân ném đĩa vào mặt phải khâu 10 mũi; anh Hoàng bị bệnh nhân cầm đá ném vào gáy, ngất lịm...
Còn những chuyện cán bộ bị bệnh nhân hắt nước sôi vào người thì là “chuyện thường ngày”. Ông Bùi Trọng Nghĩa cởi áo rồi chỉ cho tôi vết sẹo chạy vắt ngang sườn ông, đó chính là hậu quả của lần ông bị tạt nước sôi cách đây 2 tháng. Lúc đó, ông đang đứng trong bếp thì bệnh nhân ào ào xông vào để lấy nước. Ông ngăn cản lại vì lo ngại dẫn đến xô đẩy, nguy hiểm cho bệnh nhân thì bất ngờ một bệnh nhân múc một ca nước sôi rồi hất thẳng vào mặt ông. Ông né được, nhưng sườn thì dính trọn ca nước, phải điều trị hơn tuần mới khỏi. Ông Nghĩa bảo, trước đây, chị Phí Thị Hương cũng từng bị bệnh nhân hắt nước sôi vào vùng bụng, ngực, chân, phải nằm viện cả tháng trời mới có thể đi lại được. Trước sự nguy hiểm ấy, gần đây trung tâm đã phải dựng một hàng rào bằng sắt ngăn giữa phòng ăn và nhà bếp, đồng thời sắm một hệ thống lọc nước tự động để phục vụ bệnh nhân.
Tuy gặp nhiều áp lực và nguy hiểm như vậy (ông Nghĩa còn bảo: “Chúng tôi hình như cũng là một thể của bệnh tâm thần”), nhưng tiền lương của các cán bộ, nhân viên ở đây khá khiêm tốn. Ngay như ông Phạm Ngọc Ruệ, Phó giám đốc, thâm niên gắn bó với trung tâm từ khi thành lập năm 1979, nhưng lương tháng chỉ có hơn 5 triệu đồng. Những người mới vào thì chỉ được gần 1 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy mà ông Phạm Xuân Vỵ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Vào năm 2000-2001, trung tâm còn có 6 bác sĩ, giờ thì rơi rụng, chỉ còn 1 bác sĩ là ông Ruệ nữa mà thôi. “Chăm sóc những bệnh nhân tâm thần, không chỉ cần chữ “tâm” mà còn cần cả chữ “nhẫn” nữa” - ông Vỵ tổng kết.
Cần lắm sự chung tay của cộng đồng
Khó khăn ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công không chỉ do đặc thù công việc mà còn đến từ những bất cập về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phần nhiều đã xuống cấp hoặc còn thiếu thốn cũng phần nào làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là khu nhà ở bệnh nhân được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp trầm trọng, ẩm thấp, dột nát…
Thấy người lạ, họ ào ra cửa, kẻ xin thuốc lá, người gào khóc
Đội ngũ cán bộ chuyên môn tuy đông nhưng chất lượng chưa cao. Đơn vị chỉ có 1 bác sĩ thì vừa làm công tác chuyên môn vừa tham gia công tác quản lý; 1 y sĩ thì tuổi đã cao, sức khỏe yếu; số cán bộ còn lại chủ yếu là điều dưỡng viên. Những yếu tố trên làm ảnh hưởng đến việc thăm khám thường xuyên cho bệnh nhân. Đây là điều mà lãnh đạo đơn vị luôn trăn trở, tìm giải pháp cũng như động viên cán bộ, nhân viên cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc được giao. Chị Hường giãi bày: “Nếu không thực sự có cái tâm thì chắc chắn không thể làm việc tại trung tâm. Cả trung tâm có một bác sĩ, tới đây sẽ về hưu, trong khi cả trung tâm có đến 210 bệnh nhân. Ngoài sự quan tâm của Trung ương và địa phương thì hầu như không có mấy ai ghé đến. Ngay cả một số thân nhân của bệnh nhân cũng còn không quan tâm đến chính người nhà họ. Có tết, trung tâm gửi giấy về nhà để họ lên đón người thân mình về ăn tết mà họ cũng làm lơ.
Ông Phạm Xuân Vỵ, Giám đốc Trung tâm cung cấp cho tôi một số thông tin chung về trung tâm. Trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình, được thành lập vào tháng 4-1979. Lúc đầu, trung tâm chỉ có 20 bệnh nhân, 9 cán bộ. Hiện nay, số bệnh nhân đã lên tới gần 210 người với 63 cán bộ. Các đối tượng tâm thần vào đây chủ yếu là những người có công với cách mạng và một phần khác là các đối tượng xã hội. Tuy vậy, thực tế, hiện số người được nhận chế độ có công tại đây chỉ là 62, còn số khác, do bị mất hết giấy tờ, nên chỉ được hưởng chế độ như những đối tượng xã hội khác, tức 300.000 đồng/người/tháng. Đó thực sự là thiệt thòi rất lớn cho họ.
Theo chế độ, đối với người có công được cấp tiền ăn là 45.000 đồng/ngày, nhưng với đối tượng xã hội chỉ là 20.000 đồng/ngày cho 3 bữa ăn, chưa kể chất đốt. Thôi thì “liệu cơm gắp mắm”, khẩu phần ăn của các bệnh nhân ở đây cũng được san sẻ cho nhau để có thể cùng điều trị tốt nhất. Bên Đoàn Thanh niên của trung tâm tăng gia trồng trọt rau củ phụ thêm vào khẩu phần ăn người bệnh, tăng thêm thu nhập cá nhân.
Ông Vỵ than thở: “Chúng tôi như là kẻ “nằm giữa mất chăn”. Vì tên gọi của chúng tôi là Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công nên tỉnh cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Người có công phải đầu tư. Thế nhưng, Cục chỉ đầu tư cho 1/3 số bệnh nhân là người có công, còn 2/3 số đối tượng là bệnh nhân xã hội nên Cục lại cho rằng, tỉnh phải có trách nhiệm”. Ông Vị cho biết thêm: Nhiều năm nay, trung tâm không có được sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhà ở của bệnh nhân, nhà làm việc của cán bộ xuống cấp nghiêm trọng, bởi đã xây dựng 30 năm; trang thiết bị y tế hầu như không có gì.
Bệnh nhân tại đây do sức khỏe suy giảm, nên mắc rất nhiều bệnh, nhưng xe đưa bệnh nhân đi viện thì đã “tã” đến mức không sử dụng được nữa. Đến khi đưa bệnh nhân đến viện rồi thì còn nảy sinh nhiều khó khăn khác. Khi điều trị các bệnh đa khoa, những bệnh nhân này còn phải trị cả bệnh tâm thần, nên các bệnh viện không muốn tiếp nhận họ vào chữa trị chung với những người bình thường khác, lại đẩy bệnh nhân lên tuyến cao hơn. Khi nhập được viện rồi thì bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 95% kinh phí, còn 5% thì trung tâm chưa biết lấy ở đâu...
V.D