TS Võ Trí Thành: "Doanh nghiệp phải biết sống bằng nợ nần"
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa quan điểm tại buổi trò chuyện cùng gần 100 doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ các nhà công thương Việt Nam.
TS Võ Trí Thành (Ảnh: Hiền Anh)
TS Võ Trí Thành cho rằng: Doanh nghiệp phải biết sống bằng nợ nần. Không một người nào, một dân tộc, một quốc gia nào không có nợ. Thế nhưng phải luôn làm đối tác hiểu rằng mình có khả năng trả nợ. Điều này sẽ tạo nên lòng tin và vấn đề cơ bản trong “trò chơi” quản trị tài chính là tạo ra và duy trì lòng tin.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: Tài sản bao nhiêu tiền chưa là gì cả vì người ta không chết bởi không có tài sản mà có khi chết vì ngồi trên một đống tài sản. Tài sản chỉ thực sự có giá trị khi phải gắn với dòng tiền. Đây là thước đo để đánh giá tình trạng kinh doanh của một doanh nghiệp hay một dự án.
Ngoài ra, khi kiểm tra thu nhập hay tăng trưởng của một doanh nghiệp, những số liệu kế toán chưa chắc đã phản ánh chính xác thực tế kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí, nhiều nhà đầu tư không mấy tin tưởng vào các con số công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh, thích sử dụng biện pháp phân tích dòng tiền để thay thế, vì các con số thì có thể được nhào nặn ra chứ dòng tiền thì không.
Nói về vấn đề dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành đề cập đến nguyên tắc “dòng tiền bập bềnh”.
Vị chuyên gia này phân tích, thời kì trước đây, bất động sản, cổ phiếu có khả năng tạo ra tiền, tạo ra thu nhập cao. Nhưng khi dòng tiền bùng nổ cần xem dòng tiền đó do dâu mà có và rủi ro nó có thể tạo ra trong tương lai như thế nào.
Đặc biệt, nhắn nhủ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Thành chia sẻ: Chính tư duy và ý chí của các bạn sẽ tạo ra số tiền nhiều hơn rất nhiều số vàng mà thế giới tạo ra được.
Nhắc về vấn đề vốn, hiện nay trên thị trường tài chính có 3 loại vốn. Một là vốn trái phiếu – dòng vốn này doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cơ hội vì nguyên tắc là phải có đủ quy mô và uy tín. Còn hai kênh cung cấp vốn khác là cổ phiếu và tín dụng thì doanh nghiệp có thể tiếp cận. Nhưng mỗi kênh có một rủi ro khác nhau. Trong tiếp cận vốn có điều đáng lưu ý. Trước hết là sự nhầm lẫn của cả hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp khi luôn nhìn vào tài sản có để đi vay và cho vay.
Hiện nay có một số ngân hàng cho vay dựa vào dòng tiền, tức là xem xét doanh nghiệp đó có khả năng tạo ra dòng tiền hay không. Thế nhưng một trong những mẹo của doanh nghiệp để đối phó với phương thức này là xóa doanh nghiệp của mình đi, lập doanh nghiệp mới để chứng minh là mình tạo ra dòng tiền.
Nhưng theo TS Võ Trí Thành, trong tương lai, cơ bản là vấn đề niềm tin mới có thể giúp doanh nghiệp tìm đến được nguồn vốn.
Chia sẻ với doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành cho rằng: Cửa ngách thoát hiểm cho các doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là tìm được cách ứng xử phù hợp trước đợt khủng hoảng tài chính kéo dài. Sự phù hợp đó không phải là thắt chặt nguồn tài chính quá mức mà là điều hành linh hoạt nguồn vốn để nguồn vốn được sử dụng đúng chỗ, hiệu quả và thiết thực”.
Lương Thu Mai