Dự án lọc dầu Nhơn Hội mới ở giai đoạn tìm hiểu
(Petrotimes) - Xung quanh những thắc mắc của báo giới về dự án nhà máy lọc dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Quy Nhơn, Bình Định) trị giá 27 tỉ USD của một Tập đoàn Dầu khí nước ngoài, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mọi việc vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu, chưa thể khẳng định điều gì vào thời điểm hiện tại.
“Dự án này đã được báo cáo Chính phủ ở góc độ là xem xét cho các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu lập dự án. Khi hoàn tất các bước trình lên Chính phủ, Chính phủ sẽ cân nhắc trên nhiều góc độ khác nhau, từ việc đảm bảo an toàn an ninh năng lượng đến việc thu hút đầu tư. Đồng thời, riêng đối với lọc dầu, cũng phải có nhiều yếu tố đặc thù cần phải xem xét, ví dụ lọc dầu đảm bảo công nghệ như thế nào.
Chính phủ luôn cân nhắc kỹ các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có quy mô lớn muốn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt là lợi thế đường biển. Chính phủ sẽ xem xét một cách khách quan, nếu thấy dự án đáp ứng yêu cầu, lợi ích chung của đất nước về tất cả các mặt thì Chính phủ sẽ ưu tiên cho nhà đầu. Nếu dự án không đáp ứng yêu cầu thì đương nhiên chúng ta sẽ có những ý kiến ở mức độ chính sách ưu tiên khác nhau để nhà đầu tự quyết định có đầu tư không. Còn dự án mà báo chí vừa nêu, ở thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam.
Trong những ngày qua, có khá nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học và các nhà quản lý liên tiếng về dự án Nhà máy lọc dầu trên. Tuy nhiên, tính khả thi và sự hợp lý thật sự của Nhà máy dựa trên quy hoạch phát triển tổng thể của ngành dầu khí Việt Nam vẫn là điều gây tranh cãi. Đa số các nhà khoa học và kinh tế có uy tín đều cho rằng, hiện tại chưa phải lúc để một đơn vị hoặc một địa phương bên ngoài PVN đơn phương xây dựng một nhà máy lọc dầu.
Về đề án thành lập công ty quản lý tài sản, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Chính phủ đã từng thảo luận trong phiên họp tháng trước nhưng đề án vẫn tồn tại một số vấn đề cần làm sâu hơn.
“Hiện Ngân hàng Nhà nước đã họp bàn lại, tiếp thu ý kiến của bộ ngành và đã trình lên ý kiến sửa đổi lên Chính phủ. Trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ thông qua nghị định này để sớm đưa VAMC đi vào hoạt động,” ông Vũ Đức Đam nói.
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, việc thành lập công ty xử lý nợ xấu như thế này không có mô hình nào trên thế giới để học tập trọn vẹn, do đó, Chính phủ thực hiện với tinh thần cầu thị và sẽ có điều chỉnh nếu cần thiêt. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cũng cho rằng, đây là một thiết chế được thành lập với mục đích góp phần giải quyết nhanh hơn nợ xấu, phải tác dụng lan tỏa tới cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chứ không chỉ với riêng khu vực tài chính ngân hàng.
“Việc xử lý nợ xấu gồm nhiều giải pháp, mà việc thành lập công ty này chỉ là một trong số những giải pháp đó. Dù chưa thành lập, nhưng hiện các bộ ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong tiến trình xử lý về vấn đề này”.
Bên lề buổi họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định, câu chuyện chênh lệch giá vàng ào ào đến là do chúng ta không phải là nước sản xuất được vàng, nhu cầu vàng miếng được thực hiện qua dùng ngoại tệ nhập khẩu.
“Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ. Trong 2 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô, trong khi nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch,” Phó thống đốc giải thích.
“Từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, tuy có chênh lệch giá nhưng cơn sốt vàng, diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định, đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô. Thứ hai, NHNN thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối. NHNN đấu thầu góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu, nếu NHNN không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá.
Chúng tôi đánh giá việc NHNN đấu thầu 12 tấn vàng đã tăng cung, giảm áp lực cầu vàng. Thứ hai, thông qua hoạt động bình ổn giá tránh tình trạng bất ổn, sốt vàng. Thứ ba, góp phần ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.”
T.L