Phải chăng họ chỉ vì tiền?
(Petrotimes) - Từ chuyện Đà Nẵng không mời Mỹ Tâm vì giá cátxê 6.000USD/2 đêm diễn tại cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đã làm lòi ra chuyện hàng loạt ngôi sao có cátxê hàng nghìn USD/sô nhưng mỗi năm đóng thuế còn thua người làm công ăn lương. Nhiều người đang nghi ngờ về chữ “tiền” trong giới biểu diễn?
Chuyện cátxê cao thấp trong giới nghệ sĩ đã tốn không ít giấy mực của báo chí, bởi có thể nói đó là chuyện kinh doanh và nghệ thuật. Tùy vào độ nổi tiếng của từng nghệ sĩ, vào tính chất chương trình và quan trọng là tùy vào thỏa thuận giữa nghệ sĩ với đơn vị tổ chức sẽ có một mức giá khác nhau. Như thế sẽ thật vô lý khi nói việc Mỹ Tâm hát ở Đà Nẵng với giá 6.000USD cho 2 đêm là quá cao, là vô lý. Như rất nhiều ca sĩ, bầu sô đã lên tiếng, đó là giá rất bình thường! Những ai quan tâm đến thông tin về giá cátxê của giới ca sĩ trên các trang báo mạng chắc chắn sẽ không mảy may nghi ngờ điều này.
Nhưng dư luận mấy ngày qua lại dậy sóng vì chuyện đó, chuyện Mỹ Tâm hát ở Đà Nẵng giá 6.000USD/2 đêm. Đương nhiên nếu đây là một chương trình mang tính thương mại bình thường thì không phải thế, đó là chương trình nghệ thuật trong cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) 2013 do Đà Nẵng tổ chức.
Ca sĩ Anh Thơ - Trọng Tấn từng bị kỷ luật vì bỏ suất diễn ở Lào
Theo lãnh đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng thì do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên tính đến thời điểm này, tổng kinh phí vận động tài trợ cho DIFC 2013 chỉ mới được hơn 20 tỉ đồng, trong đó chỉ có hơn một nửa là tiền mặt mà thôi. Kinh phí ấy chỉ bằng 50% của năm trước. Nhưng phía Công ty Sơn Lâm, đơn vị đứng ra tổ chức DIFC lại đưa ra yêu cầu kinh phí cho chương trình nghệ thuật của họ lên đến hơn 4,7 tỉ đồng, tăng 431 triệu đồng so với DIFC 2012. Và một trong những lý do kinh phí đội cao lên như vậy là do trả cátxê cho ca sĩ. Chỉ riêng chương trình nghệ thuật, vốn chỉ là phần phụ đã chiếm đến 21,5% tổng kinh phí vận động được. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh đã quyết định cắt bỏ những tiết mục mà họ cho là giá quá cao, bất hợp lý, trong đó Mỹ Tâm là đầu tiên.
Có thể nói lãnh đạo Đà Nẵng công bố trước báo chí rằng, Mỹ Tâm “hét giá” là hơi vội vàng. Bởi 6.000USD là giá từ phía Mỹ Tâm đưa ra với công ty tổ chức sự kiện Sơn Lâm và giá đó không phải vô lý. Tương tự, chúng ta cũng không có lý gì để buộc Mỹ Tâm phải “đại hạ giá” hay hát miễn phí, dù đó là chương trình DIFC của Đà Nẵng, nếu như cô ấy không tự nguyện. Có lẽ, trong chuyện này lãnh đạo thành phố cảng do không nắm được giá cả trong giới biểu diễn nên trong nhất thời nóng vội đã kết tội và “tẩy chay” Mỹ Tâm “làm giá” với quê hương mình.
Kế đến, phần chính của DIFC là phần thi trình diễn bắn pháo hoa của nhiều nước trên thế giới, đây cũng chính là phần thu hút sự chú ý, còn các tiết mục ca hát chỉ là phụ họa, thậm chí chỉ là “câu giờ”. Nhưng vì sao hằng năm người ta vẫn quyết chi ra hàng tỉ đồng để có được những tiết mục ca hát này?! Khó mà kết luận đó là lý do gì nhưng có một thực tế phải thừa nhận rằng, không ít người tổ chức nghĩ phải có những ngôi sao ca nhạc xuất hiện thì chương trình mới thể hiện được đẳng cấp, mới có giá! Nhưng, hiện thực phổ biến trong những tiết mục hát ở những chương trình ngoài trời thì không có dàn nhạc mà ca sĩ chỉ hát theo nhạc đã thu sẵn trong đĩa, chẳng khác hát karaoke là mấy?! Nếu vậy thì vì sao phải đổ tiền ra để còn phải mặc cả, phải kỳ kèo mời họ trong khi đó phần trọng tâm của chương trình là phần khác! Và nếu Đà Nẵng mang số tiền bằng 1/4 tổng số tiền đầu tư vào phần chính chương trình là bắn pháo hoa, thì chắc chắn chương trình sẽ còn thu hút và hoành tráng hơn, chứ không phải là nhờ vào ca sĩ!
Về phía Mỹ Tâm, cô ấy không sai nếu như ra giá 6.000USD để có mặt trong chương trình DIFC 2013. Song nếu như Mỹ Tâm hát miễn phí cho chương trình này thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp biết mấy. Là người con của đất Đà Nẵng, hát phục vụ cho quê hương mình là điều nên làm. Hơn nữa đây còn là chương trình mang tính lễ hội quốc tế, có ý nghĩa đặc biệt đối với quảng bá văn hóa, du lịch. Biểu diễn nơi đây, Mỹ Tâm không những thể hiện trách nhiệm công dân đối với đất nước mà đặc biệt là trách nhiệm của người con đối với quê hương mình sinh ra. Lẽ nào Mỹ Tâm lại không nghĩ đến!?
Và cũng thật là bất thường khi Mỹ Tâm là người con Đà Nẵng thành danh nơi xứ người, là gương mặt nổi bật ở nhiều chương trình ca nhạc hoành tráng trong và ngoài nước, thế nhưng cô lại chưa từng góp mặt tại chương trình nghệ thuật của DIFC ở Đà Nẵng, một sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn nhất của quê nhà. Trong khi đó chương trình đã qua 5 lần tổ chức kể từ 2008.
Mỹ Tâm có vô lý khi đưa ra giá 6.000 USD với DIFC Đà Nẵng?
Trước sự việc này, người ta nhớ lại, năm trước, vụ hai ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn bỏ diễn trong một chương trình mang tính ngoại giao, chính trị tại nước Lào cũng làm dư luận bức xúc vì họ cho rằng, hai nghệ sĩ này vì cái Tôi lớn, coi trọng lợi ích cá nhân nên hành xử như thế. Đương nhiên, không ai có thể trả lời chính xác bằng chính bản thân người nghệ sĩ trong những vụ việc như thế này!
Cũng từ chuyện cátxê ồn ào của Mỹ Tâm đã mở ra một sự thật khác về giới biểu diễn; một sự thật càng làm cho nhiều người suy nghĩ về chữ “tiền” của những ngôi sao thời danh, phải chăng đó là thứ quan trọng nhất?! Chuyện hàng loạt ngôi sao có thu nhập cả nghìn USD/sô nhưng đóng thuế thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/năm trong công bố của Cục Thuế TP HCM sau khi rà soát lại việc kê khai, nộp thuế của những ngôi sao từ năm 2009 cho đến nay khiến không ít người ngạc nhiên. Thật không khỏi thất vọng khi những ngôi sao lừng danh, những người mà công chúng hết lòng thần tượng, những người được gọi (hay tự gọi) là “ông hoàng”, “nữ hoàng” âm nhạc lại kém ý thức đến như vậy!
Ai cũng biết rằng, đóng thuế là trách nhiệm và là nghĩa vụ của mỗi công dân. Những ngôi sao thời danh kia chắc chắn biết, nhưng họ vẫn cố né thuế bằng nhiều “khổ nhục kế” thì chỉ có thể nói đây là vấn đề của ý thức, đạo đức.
Các bầu sô đã chỉ ra hàng loạt kế sách để né thuế của các ngôi sao. Nào là không ký xác nhận tiền cátxê; thể hiện giá cátxê trên giấy tờ thấp hơn rất nhiều so với thực tế, lập công ty riêng... Dùng “khổ nhục kế” để né thuế, đó không chỉ còn là câu chuyện của ý thức mà đó còn là sự gian manh. Nhưng sự gian manh không hẳn chỉ là câu chuyện đạo đức cá nhân mà đó còn là một căn bệnh, một thứ ký sinh. Khi mà sức đề kháng của xã hội kém đi, khi mà các cơ quan thực thi pháp luật hoạt động không hiệu quả thì căn bệnh ấy, loài ký sinh ấy sẽ được tự do phát triển!
Vừa qua, khi nói về việc sao tìm đủ mọi cách né thuế, một lãnh đạo ở Cục Thuế TP HCM nói rằng, thuế thu nhập cá nhân của các sao chủ yếu vẫn dựa trên tinh thần khuyến khích tự giác kê khai, còn chuyện họ có khai man hay không thì… đành chịu! Và theo vị này thì Cục Thuế TP HCM cũng không có đủ người để theo dõi hết các sô diễn của nghệ sĩ!
Cơ quan chức năng làm việc khi chỉ có thể trông chờ vào ý thức của công dân, đó là điều không thể chấp nhận. Cả bộ máy của Cục Thuế TP HCM mà không thể quản lý hết được chừng 200 nghệ sĩ lớn, nhỏ; trong đó số ngôi sao có thu nhập đáng kể nhất, đối tượng có nhiều khả năng né thuế nhiều nhất thì chỉ có vài chục, đó là điều rất đáng nói.
Như vậy thì lý do năm nào ngành thuế cũng than rằng, nghệ sĩ trốn thuế càng nhiều xem ra đã quá rõ rồi!
Linh Lan