Có cần “truy tặng”?
(Petrotimes) - Con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau ở chỗ là dễ dàng nhìn nhận người khác một cách độ lượng khi đã rời xa nhau...
Giới nghệ thuật những ngày tháng 4 liên tiếp đón nhận hai tin buồn. Đó là sự ra đi của NSƯT Hồ Kiểng ở TP Hồ Chí Minh và sau đó là nghệ sĩ hài Văn Hiệp ở Hà Nội.
Sự ra đi của hai nghệ sĩ này là điều đáng tiếc, bất cứ một nghệ sĩ tài năng nào ra đi đều là mất mát cho nghệ thuật. Và hai ông là những người nghệ sĩ tài năng thật sự. Song nhìn cái cách mà thiên hạ tiếc thương hai nghệ sĩ tài năng này thì có một nỗi bùi ngùi ngoài sự tiếc thương.
Mở các trang báo những ngày qua, sự ra đi của hai người nghệ sĩ lớn này xuất hiện đồng loạt trên trang nhất. Mở các trang mạng xã hội, hàng loạt các ta thán về sự ra đi của hai ông. Chợt nghĩ, hai người nghệ sĩ vừa khuất núi ấy thân thiết với mọi người nhiều hơn mình nghĩ rất nhiều khi những lời bi tráng cất lên để vĩnh biệt họ.
Hai nghệ sĩ, một ông ở Nam còn người ngoài Bắc nhưng giống nhau nhiều thứ đến lạ thường!
Thứ nhất, cả hai ông đều là người lao động hết mình vì nghệ thuật. Ông Hồ Kiểng - người đóng nhiều vai phụ nhất trong các phim truyện Việt Nam. Ông là nghệ sĩ có niềm đam mê điện ảnh đến lạ kỳ. Dù tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn tham gia đóng phim và không phân biệt vai chính hay phụ. Ông cũng không quan tâm đến cát-sê miễn có vai là đóng. Đối với ông được đi diễn là hạnh phúc!
Cố nghệ sĩ Hồ Kiểng, Văn Hiệp
Với nghệ sĩ Văn Hiệp, trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Với thân hình nhỏ thó, gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ, phong cách xuề xòa, nghệ sĩ hài Văn Hiệp thường được giao những vai lão nông thật thà, tốt bụng. Các vai diễn của ông dù là chính diện hay phản diện, đều có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem. Đặc biệt, từ khi có series truyền hình “Gặp nhau cuối tuần”, Văn Hiệp trở thành gương mặt gần gũi với khán giả qua vai diễn nổi tiếng “ông trưởng thôn”.
Hai người nghệ sĩ lớn này còn tương đồng nhau ở chỗ đều có cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn về già cho đến khi lâm chung. Ông Văn Hiệp hay đóng vai cười trên màn ảnh nhưng ngoài đời thì sống cảnh “gà trống nuôi con”, lại nhiều bệnh tật… Cả đời ông làm nghệ thuật, không màu mè, không tiền bạc, không danh xưng nhưng lại được mọi người nhắc đến với cả lòng tôn kính.
Một bài báo vào năm 2008 mô tả về nơi mà ông đang sống thế này: Trên tầng 3 của một ngôi nhà cạnh phố Hoàng Mai, Hà Nội là căn phòng ông ở, nó chỉ nhỏ chừng 8m2, ông kê một chiếc bàn gỗ nhỏ để ngồi hút thuốc lào và tiếp đôi ba người khách. Trong căn phòng bé nhỏ, ông treo 2 bức vẽ ở vị trí trang trọng, một bức là chân dung vợ và một bức là chân dung con gái. Vợ ông đi xuất khẩu lao động tại Đức từ cách đây hơn 20 năm, để ông lại một mình. Ông vẫn sống như thế, một mình, mãi sau này con trai ông mới về Việt Nam cạnh ông.
Có lần ông nói với con khi tình trạng bệnh tật hoành hành: “Nếu bố có làm sao thì để thở ôxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền”. Nghe sao đắng lòng!
Còn với NSƯT Hồ Kiểng, người nghệ sĩ già này từng bao năm sống neo đơn trong chung cư cũ chưa đầy 15m2 tại quận 3, TP HCM. Ông sống nơi đây không người thân, với một quả tim nhân tạo tới cuối đời! Nhà ông, hay như cách ông gọi là “cõi trần gian lụp xụp” gồm có chiếc giường được ông sử dụng vừa để ngủ, vừa làm nơi để ngồi tiếp khách, để ăn và sống. Món đồ có vẻ đắt giá nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ để ở đầu giường. Những bức hình về các vai diễn đã cũ đều ố vàng được ông đặt cẩn thận xung quanh chiếc giường.
Chỉ hình dung thôi, có lẽ bất cứ ai cũng thấy nhói lòng trước cuộc sống đời thường của hai người nghệ sĩ này. Những căn nhà bé nhỏ, “cõi trần gian lụp xụp” ấy là một thế giới đối lập hoàn toàn với những thứ xa hoa hào nhoáng của thế giới nghệ sĩ.
Trong suốt thời gian sống cơ cực ấy, cũng có những bài báo viết về hai người nghệ sĩ này dù chỉ rất ít, với sự cảm thông, chia sẻ. Dưới mỗi bài báo, công chúng cũng bày tỏ lòng thương cảm, xót xa với thân phận của người nghệ sĩ nghèo. Thế nhưng, tôi tự hỏi trong những người bày tỏ sự xót thương về sự ra đi của hai ông vừa qua thì có những ai thật sự quan tâm lúc hai ông còn sống? Thậm chí dù là đến thăm hai ông trong những ngày cô đơn bệnh tật thôi!?
Một anh đồng nghiệp đến lễ tang ông Hồ Kiểng về nói rằng, anh bất ngờ khi chữ tình trong giới showbiz nhạt đến mức đáng sợ như thế, bởi anh cứ tưởng sẽ có nhiều nghệ sĩ đến viếng, nhưng hóa ra anh đã lầm…!
Rồi thêm nữa, cái cách báo chí ồ ạt khai thác thông tin viết về hai ông sau khi hai ông đã ra đi vĩnh viễn cũng làm cho người ta không khỏi bùi ngùi xót xa. Thậm chí trong lễ tang của nghệ sĩ Văn Hiệp, những người nghệ sĩ đồng nghiệp đã ký vào văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu cho ông để trình lên các cấp lãnh đạo. Đó như là lời cảm ơn, lời tri ân chân thành nhất của những người đồng nghiệp, người hâm mộ đến người nghệ sĩ cả đời đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Có thể đó là điều an ủi đối với người nghệ sĩ nghèo vừa khuất núi, dẫu danh hiệu với ông có thể là thứ mà ông không màng đến, cả đời làm nghệ thuật ông có danh hiệu gì đâu nhưng bao người vẫn rất tôn kính! Và bây giờ có phong tặng danh hiệu, người nghệ sĩ ấy cũng đã đi xa.
Vậy đấy, con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau ở chỗ là dễ dàng nhìn nhận người khác một cách độ lượng khi đã rời xa nhau...
Nhắc đến điều này, tôi chợt nhớ thuở nhỏ, ông tôi có kể một câu chuyện của Pháp, đó là chuyện về một người họa sĩ. Ông lao động rất miệt mài, rất chịu khó tìm tòi những hình thức thể hiện độc đáo cho tác phẩm của mình nhưng sau nhiều năm ông không được ghi nhận. Những bức tranh của ông không bán được và cũng không được các nhà phê bình hội họa đánh giá cao. Người họa sĩ đó chán nản, không thiết tha với hội họa, ông bỏ lên núi để chinh phục những đỉnh cao của thiên nhiên. Thế rồi trong một lần leo núi, ông bị bão tuyết cuốn ông vào một cái hang. Người nhà cho rằng, ông đã chết và tổ chức tang lễ. Rất đông bạn bè, đồng nghiệp của ông đến dự, họ thay nhau nói những lời tiếc thương, bày tỏ sự tiếc nuối vì ông đã bỏ dở sự nghiệp hội họa đầy triển vọng.
Và cũng từ đó, những bài viết, những lời tán dương về ông và các tác phẩm hội họa của ông cũng được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành. Thế rồi, những sáng tác của ông bỗng trở thành những báu vật mà ông đã để lại trên cõi đời này.
Về phần ông họa sĩ, ông may mắn thoát chết vì được những người dân miền sơn cước cứu. Một thời gian qua đi, ông trở về Paris và biết được rằng, mình đã trở thành một danh họa lẫy lừng. Đó là điều mơ ước cả đời của ông, nhưng dù đã đạt được nhưng ông không hề lấy làm vui sướng gì. Ông buồn và nghĩ rằng, mình chỉ có được thành công khi không còn sự sống.
Kể câu chuyện trên, tôi muốn nói một điều rằng, nếu có quan tâm nhau hãy thể hiện điều đó khi họ còn sống và có cần suy tôn, truy tặng danh hiệu này danh hiệu kia khi họ không còn nữa hay không?
Lê Trúc